Mùa thi đã đến gần

Có thể nói, vài năm trở lại đây, từ khi Bộ GD-ĐT áp dụng kỳ thi THPT quốc gia vừa để xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, các trung tâm luyện thi dường như không còn được quan tâm. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, hầu hết thí sinh đều tham gia ôn thi tại trường hoặc học online- phương pháp học hiện đại và đỡ mất sức nhất hiện nay.

Ảnh minh họa.

Nâng cao chất lượng ôn thi tại trường

Bắt đầu từ năm 2015 đến nay, Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH lập đề án tuyển sinh riêng, mở rộng các phương thức tuyển sinh, thì thay vì tìm tới các trung tâm luyện thi như nhiều năm trước, năm nay hầu hết HS lớp 12 tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… chọn cách ôn thi tại trường. Theo nhiều học sinh, nguyên nhân ít tham gia luyện thi tại các trung tâm vì hầu hết các môn đều thi trắc nghiệm, cách ra đề cũng bớt căng hơn trước, thời gian dành cho việc ôn tập sau khi kết thúc chương trình phổ thông ngắn nên việc tìm tới trung tâm luyện thi sẽ không đạt được hiệu quả bằng ôn thi ngay tại trường.

Theo ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP Hồ Chí Minh, năm nay, ngay từ đầu năm học, trường đã đề ra một kế hoạch ôn tập dài hạn cho học sinh lớp 12. Mới đây, trường tiếp tục họp các tổ trưởng chuyên môn để triển khai kế hoạch ôn tập từng môn và đề ra kế hoạch ôn tập cụ thể cho từng tuần. Ôn tại trường, có ưu điểm là giáo viên hiểu điểm yếu của từng học sinh từ đó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc bổ sung, hoàn thiện kiến thức trước khi thi. Theo ông Khương, cấu trúc đề là 60% học sinh có thể đạt điểm trung bình, còn 40% khó dành cho xét ĐH, CĐ, vì thế áp lực luyện thi cũng không nặng như trước.

Ông Phan Đức - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Kon Tum) cho biết, sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2018, giáo viên, học sinh nhận định mức độ câu hỏi khó hơn đề thi năm 2017, phạm vi đề thi rộng hơn khi bao gồm cả kiến thức lớp 11. Tuy trọng tâm đề thi vẫn là kiến thức lớp 12, tỷ lệ kiến thức lớp 11 không nhiều, chỉ chiếm khoảng 5 - 30% câu hỏi nhưng cũng khiến không ít giáo viên và học sinh lo lắng. Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi này, công tác ôn luyện đang được cả giáo viên, học sinh của trường tập trung cao độ.

Cùng với đó, tại Trường THPT Marie Curie, theo ông Trần Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm học này, trường có 1.051 học sinh lớp 12, trong số này có 60% các em chọn bài thi tự nhiên, 40% chọn xã hội. Thời điểm này, nhà trường vừa tổ chức thi học kỳ vừa tăng tốc ôn tập cho các em.

Trao đổi với phóng viên, nhiều lãnh đạo trường ở Hà Nội THPT cũng cho rằng, với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học và giúp học sinh đạt kết quả cao, nhiều trường đã tổ chức họp các tổ chuyên môn yêu cầu thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém một cách sát sao. Mặt khác, nhiều trường cũng chỉ đạo giáo viên biên soạn ngân hàng câu hỏi, ma trận câu hỏi để học sinh có cơ hội tiếp xúc với nhiều dạng câu hỏi, giúp các em vững tin trong thi cử.

Em Quốc Hùng, HS Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), cho biết: Em và các bạn trong lớp hầu hết chọn cách ôn thi ngay tại trường vì kiến thức chỉ là ôn lại thôi, hơn nữa các thầy cô dạy khối 12 cũng đều là những giáo viên có kinh nghiệm được nhà trường chọn lọc rồi. Còn em Minh Vân, học sinh Trường Việt Đức thì cho biết, kế hoạch ôn tập được nhà trường chuẩn bị rất cụ thể theo hướng dẫn sát sao của giáo viên bộ môn. Ngoài ra, em cũng học online, tham khảo đề thi của các năm trước, làm thử để sức mình. Theo em, hình thức thi trắc nghiệm là văn minh và phản ánh khá thực chất lực học của từng người.

Khuyến khích xu hướng tự học

Nhằm chuẩn bị tốt cho học sinh về kiến thức, kỹ năng và tâm lý khi bước vào kỳ thi THPT, nhiều năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt việc tổ chức học tập quy chế thi. Các trường tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, một phần kiến thức lớp 11, quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức với 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Trong đó, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước; đối với môn ngoại ngữ, nâng cao yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Sau khi kết thúc năm học theo kế hoạch thì việc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học.

Nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi để phân nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức, theo các môn thi tự chọn; báo cáo với lãnh đạo nhà trường chọn, cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập; quan tâm giúp đỡ học sinh học lực yếu, vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của chương trình; đối với học sinh khá, giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường tự học có sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Nhà trường thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.

Theo ông Đặng Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội), học sinh được ôn tập theo phương thức lồng ghép trong chương trình chính khóa. Khi kết thúc chương trình chính, trường sẽ thống nhất với phụ huynh và học sinh ôn thi trong vòng 3-4 tuần theo kiểu thi môn nào, ôn môn đấy.

Về kỹ năng ôn thi, ở môn tiếng Anh, bà Lê Thu Hương, GV Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An, cho hay sau khi có đề tham khảo môn tiếng Anh, bà đã cho 17 học sinh (sẽ dự thi khối D và A1, học khá môn học này trở lên) làm thử đề trong thời gian theo quy định. Kết quả là chỉ một em được 9,2 điểm, 13 học sinh có điểm từ 6 đến dưới 9 điểm; 3 em từ 5 đến dưới 6 điểm. Từ thực tế đó, bà Hương và một số giáo viên dạy tiếng Anh khác đều cho rằng, giáo viên cần ôn tập cho học sinh theo chủ đề, dành nhiều thời gian luyện tập các bài tập theo chủ đề từ dễ đến khó, tăng số lượng câu hỏi, bài tập thông hiểu, vận dụng. Chú trọng đặc biệt tới việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng làm bài và tự học.

Ngoài ra, các trang web chuyên thông tin về tuyển sinh đều mở các chương trình luyện thi ĐH trên mạng. Các trang này làm khá chuyên nghiệp, vì thế số lượng học sinh tham gia luyện thi cũng khá đông.

Mai Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/mua-thi-da-den-gan-tintuc401662