Mùa thu nước Nga qua những câu thơ hay

Người Việt vốn có những tình cảm đặc biệt với nước Nga. Ngay ở Sài Gòn trước năm 1975, một số tác phẩm văn học cổ điển của Nga đã được dịch xuất bản. Với bề dày của một trong những nền văn hóa lớn nhất thế giới, nước Nga luôn bí ẩn và bất ngờ đối với những người muốn khám phá.

Tình yêu thiên nhiên và đất nước của người Nga thể hiện qua tâm hồn những thi nhân tiêu biểu cũng rất diệu kỳ...

Chúng tôi đến nước Nga khi mùa hạ trôi qua và mùa thu đang đến. Cảnh sắc thiên nhiên giao mùa đẹp lạ lùng. Những cánh rừng bạt ngàn. Đủ các loài cây. Nhiều nhất là bạch dương. Lá xanh chen lẫn lá đỏ lá vàng. Trời thăm thẳm xanh, thi thoảng vài áng mây trắng lượn lờ. Phong cảnh giống như trong bài thơ “Mùa thu” mà thiên tài Aleksandr Pushkin từng viết:

“Ôi mùa thu, mùa buồn đầy thi vị
Tôi yêu sao cảnh đẹp những ngày này
Yêu những lúc khi thiên nhiên huyền bí
Đang từ từ lột xác cả rừng cây
Đều mặc áo đỏ hay vàng - Không nghỉ
Trên bầu trời là những đám mây bay
Và chốc chốc để rơi vài giọt nắng
Thần mùa đông đã đứng chờ im lặng”.

(Thái Bá Tân dịch)

Mặc dù hàng thế kỷ đô thị hóa nhưng đất nước rộng lớn nhất thế giới này chủ yếu vẫn là của làng quê với những cánh đồng, sông suối, núi đồi, chim muông, cây cỏ. NSND Hà Thế Dũng từng nhiều năm tu nghiệp và biểu diễn ở Nga nói với tôi rằng, ngay cả trong lòng những đô thị lớn thì không khí làng quê với những khoảng xanh trong lành cây cối và sông rạch, ao hồ vẫn chiếm một diện tích không nhỏ.

Một góc công viên Bảo tàng Chiến Thắng.

Đúng vậy, thủ đô Moskva và cố đô Saint - Petersburg mà chúng tôi đến là minh chứng. Trải dài hơn 630 cây số nối 2 thành phố này bằng đường tàu hỏa cũng bạt ngàn những cánh rừng xen lẫn những cánh đồng mênh mông. Hầu hết dân cư thành phố ở nhà chung cư. Những khu đất vàng dành cho các công trình công cộng, trung tâm thương mại giải trí và rất nhiều công viên. Nhà chung cư cũng phổ biến khắp các vùng quê nên tiết kiệm được quỹ đất. Mặc dù tốc độ đô thị hóa khá nhanh nhưng con người vẫn gần gũi, thân thiện với thiên nhiên. Cây cối được chăm sóc. Chim muông được bảo vệ. Môi trường sống tươi vui trong lành. Nữ sĩ Olga Berggoltz trong bài “Mùa lá rụng” đã viết:

“Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói tỏa.
Moskva lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời,
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc đại lộ
Nhắc ai đi ngang dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”

(Bằng Việt dịch)

Chính ý thức cao về quy hoạch và bảo tồn thiên nhiên mà cảnh sắc mùa thu quyến rũ nước Nga không bao giờ phai nhạt, cho dù ở thành thị hay đồng quê. Và mùa thu vốn được tái hiện rất tuyệt vời trong tranh danh họa Levitan lại tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho văn học nghệ thuật, nhất là thi ca, như cũng từng đi vào thơ của thi sĩ lừng danh Mikhail Lermontov:

“Trên cánh đồng lá trở vàng
Xoay xoay bay theo chiều gió;
Chỉ những tán thông ủ rũ
Còn lưu ảm đạm màu xanh.
Dưới những vách đá chông chênh
Giữa thảm hoa đồng tuyệt mỹ
Mải làm, dân cày quên nghỉ
Dù ngày mùa đã quá trưa.
Nhưng lũ bò chẳng ngu ngơ
Đã vội lủi đi đâu đó.
Qua màn sương trăng lấp ló
Cánh đồng dát bạc trong đêm”

(“Mùa thu” - Tạ Phương dịch)

Khi màn sương buông xuống và ánh trăng lấp ló trên cánh đồng dát bạc thì cũng là lúc những giai điệu tuyệt vời từ ếch nhái, côn trùng hòa âm cất lên. Những thiên tài như Tchaikovsky, Glinka hoặc Prokofiev có lẽ cũng khởi đầu giấc mơ âm nhạc từ những bản giao hưởng thiên nhiên tuổi thơ trước khi chinh phục cả thế giới.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn có lý khi nói rằng, có thể kinh tế đôi lúc khó khăn nhưng âm nhạc, thi ca và nghệ thuật nói chung thì nước Nga chẳng kém quốc gia nào. Riêng với thi ca Nga, tôi thấy bên cạnh Pushkin và Lermontov, có lẽ hiếm người viết về thiên nhiên hay hơn thi sĩ đồng quê Sergei Yesenin với những áng thơ trác tuyệt:

“Trái tim mình anh ước rậm và xanh
Để luôn nhớ khu vườn và mùa hạ
Trong tiếng ếch kêu vang giai điệu nhạc
Anh đã thành thi sĩ của đồng quê.

Nơi ấy giờ mùa thu vẫn chưa đi
Cây phong cây du vẫn còn bên cửa sổ
Những cành to vẫn xòa vào gọi nhớ
Những người thân yêu từng sống nơi này”.

(Đoàn Minh Tuấn dịch)

Tổ quốc với mỗi người luôn thiêng liêng cao cả. Với dân tộc Nga, tình yêu Tổ quốc càng đặc biệt hơn khi các thế hệ nối tiếp nhau đánh bại những đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới. Hàng triệu triệu người Nga đã ngã xuống để làm nên những chiến thắng lẫy lừng như trận chiến Borodino trước hoàng đế Pháp Napoleon hay Leningrad, Stalingrad trước phát xít Đức Hitler. Không chỉ cứu chính nước Nga mà họ còn cứu cả châu Âu và thế giới trước thảm họa chiến tranh bằng sự hy sinh to lớn.

Trong bài thơ tưởng niệm của nữ sĩ Olga Berggoltz được khắc trên bức tường nghĩa trang Piskariov ở thành phố Leningrad, nay là Saint -Petersburg, có đoạn:

“Ta không thể kể hết ra đây tên tuổi họ vẻ vang
Bởi họ biết bao người nằm dưới phiến đá kia ngàn đời ôm ấp
Nhưng hãy lắng nghe những tảng đá kể chuyện đời cao thấp:
Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng”

(Thụy Anh dịch).

Tình yêu lớn đối với Tổ quốc của người Nga từ gần 200 năm trước thi hào Lermontov cũng đã tự hào thốt lên:

“Tôi yêu Tổ quốc tôi bằng tình yêu kỳ lạ!
Lý trí tôi không cưỡng lại được tình tôi.
Dẫu vinh quang được mua bằng máu thắm,
Dẫu bình an đầy kiêu hãnh lòng tin,
Hay những lời nguyền cổ xưa xa thẳm
Chẳng cho tôi chút mộng ước yêu đời.

Nhưng tôi yêu - vì đâu, tôi nào biết,
Những thảo nguyên trầm lạnh của Người,
Gợn sóng biếc cánh rừng Người ngút ngát,
Nước sông Người dâng như biển mênh mông...”

(“Tổ quốc” - Thụy Anh dịch)

Chẳng những trước máu thắm vinh quang mà tình yêu đất nước của người Nga còn gắn liền với di sản văn hóa và thiên nhiên ngàn xưa để lại. Tình yêu ấy không phải chung chung mà thể hiện qua những hành động cụ thể. Bên cạnh sự bảo tồn thiên nhiên thì những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng được bảo tồn chu đáo, phát huy mạnh mẽ. Chỉ nhìn vào những công trình kiến trúc đồ sộ và độc đáo từ hàng mấy trăm năm qua được bảo tồn gần như nguyên vẹn cũng thấy ý thức và “tình yêu kỳ lạ” của người Nga.

Những năm gần đây, du khách thế giới đến với nước Nga ngày càng đông, nhất là ở 2 thành phố lớn nhất Moskva và Saint Petersburg. Ngoài môi trường thiên nhiên xanh sạch đẹp thì văn hóa và kiến trúc là yếu tố quan trọng thu hút du khách. Đến Thủ đô Moskva, ai cũng có thể bị chinh phục bởi những công trình kỳ vĩ như Điện Kremlin, Quảng trường Đỏ, Nhà thờ chính tòa Thánh Vasily, khu phố cổ Arbat, đồi Chim Sẻ với tòa nhà Trường Đại học Lomonosov, Nhà hát Bolshoi, Viện Bảo tàng Mỹ thuật Pushkin, Công viên Chiến Thắng và Bảo tàng Thế chiến thứ II, hệ thống tàu điện ngầm Metro dưới lòng đất, tháp phát thanh và truyền hình Ostankino cao nhất thế giới,…

Trong khi đó, Saint - Petersburg được mệnh danh là thủ đô phía Bắc nước Nga, trung tâm lớn thứ nhì về kinh tế, văn hóa, khoa học nhưng hơn cả Moskva về lĩnh vực du lịch. Thành phố cổ chi chít kênh rạch nằm trên châu thổ sông Neva nổi tiếng với nhiều công trình văn hóa lâu đời như Cung điện Mùa đông, Cung điện Mùa hè, Cung điện Mùa thu, Bảo tàng Hermitage, Pháo đài Peter & Paul, Nhà thờ Thánh Gioan,…

So với Moskva, cố đô này cũng là nơi gắn bó chặt chẽ hơn với sự nghiệp của nhiều tác gia văn học lớn như Lev Tolstoy, Dostoevsky, Gogol, Nabokov, Pushkin, Lermontov, Yesenin, Brodsky, Olga Berggoltz,…

Với bản sắc thiên nhiên phong phú, di sản văn hóa đồ sộ, đất nước đẹp và nên thơ đã trở thành tình yêu và niềm tự hào lớn lao của người Nga, quyến rũ chinh phục bao trái tim du khách. Chẳng phải ngẫu nhiên trong bài thơ “Xin chào Người, nước Nga thân thiết của tôi”, Yesenin đã thổn thức:

“Ôi nếu như thiên thần lên tiếng gọi
Bỏ nước Nga lên sống ở thiên đường!
Tôi sẽ đáp: “Thiên đường xin để đấy
Cho tôi xin ở cùng Tổ quốc yêu thương”.

(Thúy Toàn dịch)

Phan Hoàng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/mua-thu-nuoc-nga-qua-nhung-cau-tho-hay-518846/