Mua thuốc tê dễ hơn mua kẹo, hậu quả khó lường

Các loại thuốc gây tê, gây mê trôi nổi, không nhãn mác, nguồn gốc, dùng để xăm mắt, cắt mí, tạo lúm đồng tiền, xăm môi trái tim… đang được nhiều người không có chuyên môn rao bán tràn lan bất chấp những hiểm họa chết người.

"Thuốc tê này em bán cho nhiều thẩm mỹ viện lắm"

Trong vai chủ một tiệm tóc đang có nhu cầu mở phun xăm thẩm mỹ, cắt mí, làm môi trái tim, chúng tôi thử lên mạng tìm mua các loại thuốc gây tê, gây mê và phát hiện mặt hàng này đang được nhiều người rao bán tràn lan.

Chị N. – Chủ một tiệm làm tóc ở TP.HCM hướng dẫn chúng tôi vào trang web https://www.muahang... Tại đây, hàng loạt sản phẩm thuốc gây tê, gây mê từ nội địa đến hàng ngoại được chào bán công khai.

"Người ta rao bán thuốc tê đủ loại, từ dạng thuốc bôi, kem bôi ngoại nhập của Pháp, Ý, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc…cho tới thuốc gây tê "núp bóng" mỹ phẩm như dạng thuốc OTC. Thậm chí thuốc tê dạng chích, truyền và thuốc mê. Anh có tiền là mua được hết", chị N. nói.

Thuốc gây tê bán tràn lan trên mạng xã hội, thậm chí bán theo ký.

Sau lời "bỏ nhỏ" của chị N., chúng tôi đã gọi trực tiếp cho số điện thoại trên website để hỏi về loại thuốc này và cách thức mua hàng. Theo lời người bán tên D., chủ cửa hàng chuyên vật tư y tế tại Hà Nội, khách có thể mua bao nhiêu tùy thích mà không cần kê toa của bác sĩ.

Thuốc mê dạng nước giá rẻ.

"Chị có thể mua lọ nhỏ 100ml hoặc lọ to 1 lít. Lọ nhỏ thì 250.000 đồng/ lọ còn mua theo ký thì rẻ hơn chỉ còn 2,2 triệu đồng/ kg. Thuốc này em bán cho nhiều thẩm mỹ viện dùng để xăm môi, thêu chân mày hay nhấn mí lắm", D. nói.

Thuốc tê dạng chích mua không cần toa

Thuốc tê dạng chích là loại thuốc bán theo toa, sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Thế nhưng, nhiều tiệm thuốc tây vẫn chào bán công khai bất chấp những rủi ro có thể xảy đến với người sử dụng.

Sáng 14/7, chúng tôi ghé vào một tiệm thuốc tây trên đường Thành Thái (quận 10, TPHCM) vờ hỏi mua thuốc tê dạng chích. Tại đây, nhân viên quầy thuốc nhanh nhảu đưa ra nhiều loại thuốc tê khác nhau; từ thuốc xịt, kem bôi, cho đến thuốc chích chứa hoạt chất Lidocain, với đủ kiểu mẫu mã, xuất xứ.

Thuốc tê bán theo toa, nhưng có thể mua, sử dụng dễ dàng không cần chỉ định bác sĩ.

Kiểm tra trên vỏ hộp và hướng dẫn sử dụng của các loại thuốc tê dạng chích chúng tôi đều thấy ghi rõ "thuốc dùng trong bệnh viện" hoặc "thuốc bán theo toa"… Nhưng khi chúng tôi hỏi mua thì nhân viên ở tiệm này liền ra giá 65.000 đồng/100 ống đối với hàng Việt Nam và 172.000 đồng/hộp 10 ống/10ml hàng nhập từ Hungary về.

Thấy chúng tôi còn băn khoăn, nhân viên tiệm thuốc này trấn an: "Mấy loại thuốc gây tê này đang được nhiều cơ sở thẩm mỹ mua về sử dụng để phun xăm thẩm mỹ, cắt mí, tạo lúm đồng tiền, môi trái tim…cho khách. Anh cứ an tâm mua về làm cho khách hàng. Không sao đâu".

Thuốc dành cho cán bộ y tế nhưng... bán không cần toa.

Mở các hộp thuốc bên trong, chúng tôi thấy mảnh giấy hướng dẫn sử dụng có kích thước gần bằng ½ tờ giấy A4. Trên đó,1 mặt là ghi gần như đầy đủ các hướng dẫn cảnh báo như: thuốc dùng theo đơn, hướng dẫn của bác sĩ, các tác dụng phụ như bứt rứt, mẩn đỏ, nổi ngứa, ngất xỉu, khó thở, sưng phồng môi miệng, tránh để dính vào mắt, không dùng cho người mẫn cảm với thuốc, người bị rối loạn nhịp tim, người đang sử dụng thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, đang mang thai, cho con bú…. Hướng dẫn dùng cho cán bộ y tế.

Tác hại khôn lường

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số khách hàng khi tới thẩm mỹ viện chỉ bận tâm đến kết quả thẩm mỹ có đẹp không chứ ít ai nghĩ tới việc họ sẽ được gây mê, gây tê thế nào, bằng loại thuốc gì? Thuốc còn hạn sử dụng hay không, thành phần thế nào, quy trình bảo quản ra sao…?

Theo dược sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng khoa dược Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, thì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định bác sĩ sẽ gây ra nhiều tác hại khôn lường.

"Thuốc tê thuốc mê là thuốc có những tác dụng tới hệ thần kinh thì càng dễ phản ứng. Nếu không rõ thành phần, hoạt chất hay bảo quản không tốt sẽ có những phản ứng gây nguy hiểm đến sức khỏe của người sử dụng", bác sĩ Hường nói.

Tương tự, bác sĩ Phạm Văn Đông, Trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, theo quy định của Bộ y tế, việc sử dụng thuốc nói chung và các thuốc gây mê, gây tê phải do người có chuyên môn chỉ định để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

"Các loại thuốc gây tê, gây mê phải rõ ràng thành phần, hàm lượng, hoạt chất và được bảo quản đúng điều kiện. Và tùy theo cơ địa của từng người như: cân nặng, tuổi tác, các bệnh lý kèm theo mà bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp chứ không phải ai cũng kê theo cùng một "công thức". Vì chỉ cần một "chất lạ" hoặc hàm lượng thuốc khác nhau được đưa vào cơ thể thì có thể gây ra những phản ứng có hại", bác sĩ Đông phân tích.

Cũng theo bác sĩ Đông, ngoài việc sử dụng các loại thuốc gây tê, gây mê theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn thì các cơ sở y tế, thẩm mỹ viện cần phải có những biện pháp cấp cứu, phương án giải độc, hỗ trợ hô hấp…trong trường hợp xảy ra sự cố. Bởi, không ít trường hợp bệnh nhân bị phản ứng với thuốc mặc dù được gây tê, gây mê ở các cơ sở y tế chuyên môn, bệnh viện lớn.

"Nhiều trường hợp dù có những trang thiết bị hiện đại, thuốc men giải độc nhưng đôi khi vẫn không kịp xử trí. Do đó, nếu việc gây mê, gây tê tại các cơ sở thẩm mỹ chui, không đảm bảo an toàn, không sàng lọc chuyên môn, lại sử dụng những nguồn thuốc không rõ xuất xứ, nguồn gốc thì nguy cơ xảy ra sự cố ngoài ý muốn càng cao; hậu quả rất là nặng nề", bác sĩ Đông nói.

Năm 2013, Hiệp hội các trung tâm chống độc Mỹ (AAPCC) thống kê có 1.238 ca ngộ độc Lidocain được báo cáo và 3.849 ca dùng các loại thuốc gây tê cục bộ khác, kể cả dạng bôi, trong số các ca ngộ độc Lidocain có 514 trẻ dưới 6 tuổi. Trong số các trường hợp tiếp xúc với lidocain có 150 ca nhẹ, 67 ca trung bình, 14 ca nặng và 5 ca tử vong.

Nghiên cứu của họ cho thấy 2/3 số ca ngộ độc thuốc tê là nữ; gần 1/2 số ca ở hai cực tuổi: 16% dưới 16 tuổi và 30% trên 60 tuổi; hơn 90% do thuốc tê mạnh như Bupivacain, Ropivacain và Levobupivacain... Phải luôn cảnh giác nguy cơ ngộ độc thuốc tê, đặc biệt ở người quá già hoặc trẻ nhỏ, có bệnh tim, phổi, thận, gan, chuyển hóa (tiểu đường, suy thận, nhiễm axit isovaleric máu) hoặc bệnh thần kinh. Ngộ độc thuốc tê có thể xảy ra với tần suất là 1/1.000 ca gây tê thần kinh ngoại biên. Hầu hết, biểu hiện đầu tiên có thể xuất hiện rất sớm từ dưới 1 phút cho đến 2 phút, nhưng có khoảng 1/4 số ca ngộ độc có biểu hiện sau 5 phút đến trên 15 phút, thậm chí đến 1 giờ.

Minh Khang - Phù Dung

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/mua-thuoc-te-de-hon-mua-keo-hau-qua-kho-luong-c2a293241.html