Mùa trăng

Đêm nay đã là trung tuần 12 âm lịch, trăng sáng đến lạ lùng. Ánh trăng như tráng bạc cả nền trời và gieo vàng khắp cõi nhân gian. Đi dạo tới lui dưới hàng cây ven con đường nhỏ trước nhà mà lòng tôi dâng trào biết bao kỷ niệm.

* * *

Cả ngày phải tất tả với bao thứ công việc, đêm về tranh thủ đọc mấy mươi trang sách rồi ngủ. Sắp xong cuốn “Zarathustra đã nói như thế”, thì bỗng nhiên cúp điện. Trong phòng tối om, tôi mở cửa ra ngoài đi dạo. Đã lâu lắm rồi cứ lo chữ với nghĩa mà quên bẵng đi cái huyền diệu của màn đêm.

Đêm nay đã là trung tuần 12 âm lịch, trăng sáng đến lạ lùng. Ánh trăng như tráng bạc cả nền trời và gieo vàng khắp cõi nhân gian. Đi dạo tới lui dưới hàng cây ven con đường nhỏ trước nhà mà lòng tôi dâng trào biết bao kỷ niệm.

Ngày ấy, gia đình tôi bỏ xứ Sài Gòn lên vùng kinh tế mới này lập nghiệp thì tôi còn rất nhỏ. Cả xóm đều là những ngôi nhà tranh vách đất do Thanh niên xung phong xây dựng, mỗi hộ một căn. Đêm đến, nhà nhà đều tù mù trong ánh đèn dầu hột vịt, nhìn từ xa, những căn nhà ấy không khác gì mấy cái lồng đèn làm bằng giấy mà con nít tụm chơi.

Ban ngày, người dân trong xóm đều đi làm lúa rẫy, hoặc làm cát thuê dưới suối; đêm về, cả xóm đều yên tĩnh, chỉ vu vơ vài tiếng chó sủa ma. Ngày ấy tôi sống với nội, được nội cưng lắm. Bà là người có cả “bụng sách”, bà đọc nhiều vô kể, chuyện xưa tích cũ gì bà cũng nhớ.

Những đêm trăng sáng, bà trải tấm đệm ngoài sân cho tôi nằm ngắm trăng sao, tha hồ mà thả trí tưởng tượng lên bầu trời đêm. Bà ngồi cạnh, cầm cây quạt xếp vừa quạt cho tôi mát vừa kể chuyện đời xưa. Bà thường hay kể tôi nghe những câu chuyện trong Kinh Bách Dụ, rồi giảng ý nghĩa của từng câu chuyện ấy, rất là hay. Tôi say mê, trong trí tưởng tượng non nớt ngày xa xưa thì cái ánh hào quang của trăng sáng và những vì sao li ti trên bầu trời kia là thế giới của bao nhiêu là thần phật. Thế là lòng tôi luôn sùng kính cái thế giới của trăng đêm. Rồi bà kể cho biết bao câu chuyện, dạy cách sống, cách ăn ở, phải biết thương người, thương con vật, tránh xa những điều xấu ác…

* * *

Lớn lên một chút, ba lót cho bộ ván, tôi và thằng em út ngủ chung. Đêm nào cũng vậy, hai anh em tôi học bài xong mới giăng mùng chui vô ngủ. Nói đi ngủ chứ có bao giờ ngủ liền đâu. Hai anh em thường bàn nhau coi mai mình chơi trò gì. Nào là chặt cây đẽo bông vụ, nào là xin báo dán diều thả chơi… đủ thứ trò. Tôi nhớ, có một đêm trăng thượng huyền rất đẹp, bầu trời đêm hơi lành lạnh, không gian trên kia huyền bí làm sao. Vẳng theo từng cơn gió nhẹ là tiếng dế gáy trong sương, nghe mà lòng rạo rực. Đã đến mùa dế rồi, đứa nào cũng thủ vài con dế gộc để xưng hùng tranh bá. Tiếng dế cứ thôi thúc mãi làm cho hai anh em tôi không sao ngủ được. Tôi nói nhỏ với thằng em: “Mình lén ba ra đồng bắt dế mai chơi”. Thằng em nhỏ của tôi nghe rủ đi bắt dế là nó tán thành ngay. Thế là hai anh em tôi nhẹ nhàng chui ra khỏi mùng, lấy đèn pin và cái hộp, rồi hé cửa trốn đi.

Đi bắt dế mà phải trốn, vì lúc nhỏ ba không cho chúng tôi ra ngoài ban đêm. Ra tới cánh đồng, ôi nó sướng làm sao, những con dế nằm phơi sương và gáy vô tư trên thảm cỏ chỉ. Tôi và thằng em bắt được nhiều con trộng trộng, dế than có, dế lửa có… Đang chụp dế ngon lành thì ba tôi ra tới, bắt chúng tôi thả dế ra hết và đi về nhà. Ông bắt hai anh em cúi xuống ván, quất cho mỗi đứa hai roi vì cái tội cãi lời người lớn. Thì ra, ba sợ tụi tôi bị rắn cắn, nên mới răn đe cho chừa. Ăn đòn xong, hai anh em vô mùng ngủ mất. Sáng hôm sau thức dậy, nghe trong nhà đầy tiếng dế gáy. Hóa ra, thấy anh em tôi mê dế, đêm qua ba đã đi bắt về cho hai đứa tôi chơi. Tôi và thằng em khoái chí, vì toàn là dế cồ, kỳ này tha hồ mà chiến đấu với đám bạn trong xóm… Ôi, mấy mươi năm rồi, giờ nghe tiếng dế đêm gáy mà lòng vẫn bâng khuâng với kỷ niệm xưa.

* * *

Lớn lên, tôi theo ba đi làm cá dưới suối, rồi đi soi trong rừng đêm. Cặp bên xã tôi ngày xưa có những con đường, người ta gọi là đường xe be. Tôi thường đi soi ếch đêm một mình trên những con đường này, vì nó có rất nhiều vũng nước men theo hai bên đường. Có lần trăng sáng, ếch trốn đi đâu hết, tôi dựa vào gốc cây da cổ thụ nghỉ mệt, nhìn ra cánh đồng cỏ xa xa thấy những cục lửa ma trơi bay bay, chớp tắt mà rợn cả người. Gió rít qua ngọn cây da, tạo ra những âm thanh ma mị làm sao. Thực tế là tôi quen rồi, chứ ai mà vô tình nghe, nhìn cảnh này mà không ớn xương sống mới là chuyện lạ.

Đang dựa gốc da mơ màng thì tôi nghe tiếng con chim cút gầm quá hay. Kỳ lạ nó lại gầm ban đêm. Tôi quyết rình bắt nó về nuôi làm cút mồi. Tôi lần theo âm thanh của nó ra cánh đồng người ta mới sạ đậu xanh. Quả là một con cút mái bớt dài to rất đẹp, tôi soi đèn vừa sát nó định chụp thì nó bay cái xẹt ra một đoạn. Tôi không dám hất đèn lên, mà cứ lum khum lần theo nó mà chụp, hết lần này đến lần khác. Lần cuối cùng tôi chụp được nó, vừa đứng lên thì thấy ngay trước mặt một người đứng dang hai tay, đội nón lá lụp xụp, quần áo rách rưới phất phơ… Tôi chỉ kịp kêu một tiếng “á!” rồi té ngửa ra phía sau… con cút trong tay cũng buông cho bay mất. Tôi cứ ngỡ là quỷ trước mặt, ai ngờ, truy hồn truy vía lại mới biết đó là con bù nhìn, người ta làm để đuổi chim. Trời ơi, bị phen hú vía, tôi về nhà luôn.

* * *

Hai bên bờ suối Tha La ngày xưa còn rừng và những thảm cỏ xoáy trâu, trăng đêm sáng bạt ngàn trông rất đẹp. Chạng vạng, ba và tôi cắm câu móc mồi xong, tôi gom củi tre khô để tối đốt lửa sưởi ấm. Trăng lên từ phía hướng Đông, ánh sáng xuyên qua rừng tre gai trông không khác gì một bức tranh ngược sáng. Mặt nước bị khuất nhiều bóng tối, đó là những chỗ cá dựa vào để ăn câu. Đi thăm câu, men theo những con đường mòn nhỏ ven suối, ánh trăng như chảy lọt qua tán rừng rồi tràn xuống suối vậy. Đi làm cá đêm rất cực, nhưng bù lại tâm hồn nó thơ mộng khoan khoái. Trăng rừng, gió núi như người bạn vậy, thiên nhiên sao mà gần gũi, như chia sẻ nỗi cơ cực của con người vì manh áo chén cơm. Con cá ăn câu, quẫy đuôi nước tung lên trộn vào ánh trăng như múa trong sóng bạc. Những đêm trăng, bên bờ suối vắng như bám víu lấy hồn tôi suốt cả thời tuổi trẻ. Mảnh trăng xưa với tôi tình nghĩa lắm. Người mong trăng, trăng như thấu hiểu lòng người, bên dòng Tha La một thuở…

Đi tới đi lui trên con đường nhỏ, nhìn trăng nay mà nhớ bao ánh trăng xưa. Nội tôi giờ này chắc cũng là một vì sao ngự trị trên cao ấy, có lẽ bà đang sống giữa thế giới của trăng sao. Tôi đã bước qua cái thời tuổi trẻ, rừng bên dòng Tha La xưa cũng đã khép. Bây giờ trăm thứ tiện nghi, cái gì cũng có, điện là một phương tiện cần thiết nhất cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Con người ta sống như lệ thuộc hẳn vào nó, rồi dần quên hết những nếp sống thi vị ngày xưa, trong đó có ánh trăng của ruộng đồng, của áo cơm, của tuổi thơ quá vãng. Ánh trăng ngàn năm hay trăm năm rồi vẫn vậy, chỉ có lòng người nhiều ít đổi thay.

Cúp điện mới nhớ người bạn cũ. Bạn cũ vẫn nguyên tình bạn cũ, mà phải chăng ai đã vô tình thả năm tháng đi qua.

Đào Thái Sơn

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/mua-trang-a142203.html