Mùa vải thiều nhiều cái 'nhất'

Vụ vải năm 2018 của Bắc Giang được đánh giá là 'thắng lớn': tổng doanh thu đạt khoảng 5.700 tỷ đồng, xuất khẩu đến trên 30 nước trên thế giới...

Vải thiều Lục Ngạn được đóng hộp với mẫu mã bắt mắt.

Vải thiều Lục Ngạn được đóng hộp với mẫu mã bắt mắt.

Vụ vải năm 2018 của Bắc Giang được đánh giá là “thắng lớn”: tổng doanh thu đạt khoảng 5.700 tỷ đồng, xuất khẩu đến trên 30 nước trên thế giới; sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ Trung ương tới địa phương, từ sản xuất đến công tác xúc tiến tiêu thụ; 600 lượt cơ quan báo chí về quảng bá giúp nông dân tiêu thụ...

Vải thiều “thắng lớn”

Đến thời điểm này, Bắc Giang đang bước vào những ngày thu hoạch cuối cùng của vụ vải. Trao đổi với phóng viên, ông Dương Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang cho biết, năm 2018, thời tiết thuận lợi nên vải được mùa, sản lượng ước đạt 215.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2017. Cùng với đó, người dân được hướng dẫn trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nên chất lượng vải được nâng lên khá nhiều.

Theo ông Tùng, chưa bao giờ có sự quan tâm, chỉ đạo từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND các cấp kịp thời và hiệu quả như năm nay. Công tác xúc tiến thương mại được đầu tư bài bản, và chưa bao giờ làm bài bản như năm nay. Do vậy, vải thiều Bắc Giang đã xuất khẩu đến 30 nước (50% sản lượng xuất khẩu, 50% tiêu thụ trong nước).

“Chưa bao giờ có sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan báo chí như năm nay. Ngay từ đầu mùa có thông tin không chính xác về giá vải, cùng với việc vải được mùa đã tạo áp lực rất lớn trong vấn đề tiêu thụ. Nhưng ngay sau đó, các cơ quan báo chí đã kịp thời đập tan thông tin chưa chính xác, giúp bà con tiêu thụ ổn định”, ông Tùng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thanh Bình cũng cho rằng, năm 2018, khâu sản xuất của bà con thực hiện theo chỉ đạo của huyện nên sản phẩm cơ bản đáp ứng được tất cả tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường.

Ông Bình cho biết, hậu cần của huyện được đánh giá rất tốt, các bộ phận được phân công rõ ràng nên việc vận chuyển vải đi tiêu thụ được đảm bảo không ùn tắc quá lâu. Khi có hiện tượng thùng xốp tăng giá, huyện đã kịp thời cho nhập khẩu thùng từ Trung Quốc và vận chuyển từ miền Nam ra, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, không làm tăng giá thành vào quả vải.

Hạn chế cần khắc phục

Theo ông Tùng, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn khó khăn, hạn chế nhất định trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên thời gian vải chín nhanh, sản lượng lớn nhưng thời gian thu hoạch lại bị rút ngắn, tạo áp lực trong tiêu thụ.

Vẫn còn một số diện tích vải chăm sóc chưa đúng quy trình dẫn tới quả bị sâu đầu, mẫu mã kém, kéo theo giá bán không cao, có loại bán với giá 5.000 đồng/kg. Một số đối tượng đưa thông tin cục bộ về giá vải, không phản ánh đúng bức tranh toàn cảnh nên ảnh hưởng đến tiêu thụ. Thị trường xuất khẩu đã được mở rộng nhưng phần lớn vẫn xuất sang Trung Quốc. Thương hiệu của vải thiều Việt Nam đã có nhưng cần được tổ chức tiếp thị nhiều hơn để nâng cao lượng xuất khẩu vào các thị trường khác.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, những năm trước, có 2 tuần nồm, ẩm là mầm mống cho sâu cuống phát triển, năm nay không xảy ra 2 tuần nồm, ẩm nên bà con chủ quan không phun thuốc mặc dù đã được khuyến cáo. Do vậy, có một ít diện tích quả bị sâu, ảnh hưởng tới chất lượng vải.

“Năm nay, người trồng vải sử dụng thuốc sinh học, thông thường thời gian thuốc tồn tại trên cây đối với thuốc sinh học ngắn hơn so với sử dụng thuốc hóa học nhưng bà con không phun theo khuyến cáo đã ảnh hưởng tới chất lượng quả vải. Cùng với đó, việc kiểm soát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều hạn chế”, ông Bình chỉ rõ.

Ông Bình chia sẻ thêm, trừ lùi cân ở Lục Ngạn đang là vấn nạn, các năm trước có trừ nhưng năm nay trừ từ 5 đến 12 % tổng sản lượng vải được cân (gọi là trừ bì hoặc trừ cân do có một số lượng vải không đạt yêu cầu- PV). Còn hiện tượng găm thùng xốp để nâng giá, ùn tắc đường trong quá trình vận chuyển vải đi tiêu thụ…

“Mặt khác, về giá vải cũng rất đa dạng, dao động từ 6.000 đến 40.000 đồng/kg cho thấy sự chênh lệch về chất lượng vải có sự phân hóa, qua đây cho thấy có sự ép giá của thương lái vì giữa các loại vải giá chênh lệch quá cao”, ông Bình cho biết.

Nâng cao chất lượng quả vải

Trước những tồn tại trên, theo ông Tùng, định hướng của Bắc Giang là giữ ổn định diện tích 28.000ha vải, cùng với đó là nâng cao chất lượng, mẫu mã bằng cách thực hiện tốt quy trình chăm sóc, mở rộng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; mở rộng thị thường tiêu thụ, từ đó nâng cao giá trị quả vải. Đặc biệt là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX.

Ông Bình cho biết, Lục Ngạn sẽ chỉ đạo nông dân chăm sóc, giảm dần diện tích vải theo quy hoạch từ 15.200ha như hiện nay xuống 12.000ha. Để kiểm tra chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tới đây, huyện sẽ lấy mẫu của các đại lý trên địa bàn mang đi kiểm định, khi có kết quả sẽ công khai cho người dân biết để tìm mua và cương quyết xử lý nếu các mẫu không đạt chất lượng.

Rút kinh nghiệm, những năm tới, huyện sẽ khảo sát, có dự kiến về sản lượng vải, từ đó khuyến cáo doanh nghiệp chuẩn bị thùng xốp, đá cây và các vật tư khác, tránh tình trạng găm hàng, ép giá như năm nay.

Đặc biệt, ngay sau khi kết thúc vụ vải 2018, huyện sẽ chọn thí điểm 2 xã (một xã chọn cây vải, 1 xã chọn cây có múi), mỗi xã chọn 2 thôn, để đầu tư cơ sở hạ tầng, các dịch vụ kèm theo để kết nối tour du lịch - vải thiều Lục Ngạn. Nếu mô hình mang lại hiệu quả, sẽ mở rộng ra các xã khác.

Ông Bình kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó chính doanh nghiệp tạo ra chuỗi kép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ vải; có chính sách hỗ trợ chế biến sâu để nâng cao giá trị quả vải. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để xuất khẩu rau quả năm 2018 cả nước đạt 4 tỷ USD như kế hoạch đề ra.

Bà Vũ Thị Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương, cho biết, năm 2018, Hải Dương có 10.202ha vải, sản lượng ước đạt trên 60.000 tấn. Trong đó, diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt từ 80 - 90% tổng diện tích, gần 500ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 131ha vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ. Tổng doanh thu đạt khoảng 700 tỷ đồng.

Theo bà Hà, vụ vải thiều năm nay có nhiều điểm mới. Thứ nhất, là năm được mùa vải, năng suất cao nhất từ trước đến, chất lượng tương đối tốt. Thứ hai, là năm đầu tiên Hải Dương cấp mã truy xuất nguồn gốc cho vải sớm của 25 xã, thị trấn của huyện Thanh Hà. Thứ ba, là năm đầu tiên tỉnh Hải Dương tổ chức lễ hội vải thiều Thanh Hà với quy mô lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp, thương lái tham gia tiêu thụ. Cũng là năm vải thiều được tiêu thụ ở nhiều hệ thống siêu thị bán lẻ trong nước, sản lượng và giá bán cũng cao hơn. Người tiêu dùng ở các thành phố lớn đã biết về chất lượng và thương hiệu vải thiều Thanh Hà.

Hoàng Văn

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/mua-vai-thieu-nhieu-cai-nhat-post20499.html