Mua vé tàu dân phe: Coi chừng vé giả

Vào dịp cuối năm, cũng là lúc đông đảo người xa quê lại thấp thỏm mua vé tàu xe hồi hương. Tình trạng phe vé ở ga Hà Nội cuối năm càng nhộn nhịp hơn…

Hai ngày hôm nay ra ga mua mà anh Nguyễn Đức Quân, quê Yên Bái không mua được, tới quầy mua vé hỏi, anh nhận được nhân viên bán vé thông báo hết vé cho chuyến đi mà anh dự định. Loanh quanh ra cửa ga, anh được mấy tay phe vé chìa ra cả sấp.

“Nói thật trước kia, tôi cũng nghe nhiều đến chuyện phe vé từ lâu, nhưng nay tiếp xúc thực sự mình cũng rất ức chế về việc này. Mua vé không được, nhưng ra cổng hỏi phe vé trả lời vẫn mua được. Không chỉ tôi, mà tôi tin chắc ai đích thân đi mua vé cũng thấy ức chế” – anh Quân bức xúc.

Phe vé đang "lộng hành" t rước cửa ga

Giá vé do đội ngũ này bán ra thường bị đội lên khá cao so với số tiền in trên vé. Tại ga Hà Nội, dân phe thường hưởng chênh lệch từ 100 đến 200 ngàn cho một vé Hà Nội đi Sài Gòn thậm chí còn hơn.

Trưa 17-11, vừa đến khu vực ga Hà Nội (đường Lê Duẩn), PV đã bị vây quanh bởi ba, bốn tay “cò”. Vào đến sát hành lang nhà ga chúng tôi lại bị một nhóm người đặc biệt có cả trẻ con chào mời "vòng 2". Không chỉ vậy, phía trong khu vực bán vé luôn xuất hiện một số cò vé đừng gần cửa bán vé, thăm dò tình hình nếu khách không mua được vé tại cửa bán vé, chúng sẽ ra ngoài “phím” cho đồng bọn bám theo chào mời.

Anh Nguyễn Trung Hiếu, quê Hà Tĩnh bức xúc: “Bao nhiêu người cần mua vé phải xếp hàng cả ngày mà có khi còn chưa mua được, trong khi đó “cò” vé “đào” đâu ra lắm vé như thế? Nếu số lượng vé được tuồn ra ngoài không phải từ nơi bán vé thì từ đâu”?

Có nhiều câu hỏi đặt ra cho người mua vé tàu tết rằng; tại sao biết trước được nhu cầu vé của dân là khá lớn nhưng năm nào tình trạng "cháy" vé cũng tái xuất. Mấy năm gần đây, ngành đường sắt liên tục đưa ra các hình thức bán vé với mục đích ngăn chặn tình trạng vé chợ đen. Nhưng dường như chỉ là hình thức.

Phe vé đang tìm "con mồi"

Theo kinh nghiệm của người thường xuyên phải đi tàu, anh Hiếu cho biết; mua vé chợ đen, người mua rất dễ mua phải vé giả. Bọn phe vé thường đánh vào tâm lý của người đi tàu, vì hết vé, giờ chạy sắp đến, thường tặc lưỡi chấp nhận đắt "mua cho xong", nên người mua rất ít khi để ý đặc biệt giờ chạy vào ban đêm.

Dân phe vé sẽ sửa ngày tháng vào vé, bằng cách dán đè lên rất khéo. Nhưng nếu nhìn kỹ vẫn phát hiện được. Nhưng gặp vào người không hay đi tàu sẽ rất khó nhận biết.

Trong vai là người mua vé tàu đi Đà Nẵng, tôi gặp một phe vé đứng trước ga Hà Nội, và được ra giá 500 ngàn cho một vé ngồi mềm, trong khi đó giá vé trong ga chỉ có 360 đồng/vé . Nói rồi người này đưa ra cả xấp. Thấy người mua có vẻ nghi ngờ vé giả, "phe" trợn mắt: “ Làm gì có vé giả, vé trong ga đưa ra chẳng lẽ lại là giả à? Tôi làm ăn quanh năm ở ga, tôi mà bán vé giả chắc mất đường sống lâu rồi”.

Trao đổi với PV báo điện tử infonet, ông Vũ Đình Rậu, Trưởng ga Hà Nội cho rằng, hiện các chế tài xử phạt nạn phe vé còn quá nhẹ, chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính nên chưa đủ mức răn đe ngăn chặn nạn phe vé, đặc biệt là những dịp lễ tết.

Ông Rậu nói: Ga Hà Nội thường xuyên quán triệt đến toàn thể cán bộ nhân viên nhà ga không có biển hiện tiếp tay cho phe vé. Nếu phát hiện chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý. Đối với trường hợp các phe vé sử dụng vé giả chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xử lý triệt để các đối tượng này.

Hữu Thắng

.

.

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Detail.aspx?ArticleID=3013