Mùa Xuân diễn tập quân sự, giữ yên bờ cõi

Vua Thiệu Trị từng dụ rằng: 'Quân lính có thể nghìn ngày không dùng, không thể một ngày không tập luyện. Ngày nay, nước nhà nhàn rỗi, các hạng biền binh hiện ở đội ngũ trong Kinh, phải nên để thì giờ mà diễn tập cho tinh thục'.

Quân đội Đại Việt là một quân đội mạnh, từng đánh thắng những đội quân xâm lược hùng mạnh của nhà Tống, đế quốc Nguyên Mông, đánh đuổi quân Minh, bình định Chiêm Thành… Để có được quân đội mạnh như vậy, tất nhiên phải chú trọng vào việc luyện tập, từ luyện sức khỏe, võ nghệ đến trận đồ.

Chính sử nước ta cho biết, từ năm Nguyên Phong thứ 3 đời Trần Thái Tông (1253), nhà Trần đã xây Giảng Võ đường để luyện quân. Đến tháng 3/1262, có chép việc vua Trần Thánh Tông xuống chiếu cho các quân chế tạo vũ khí, chiến thuyền và cho quân thủy, lục tập trận ở chín bãi phù sa sông Bạch Hạc.

Hình ảnh kị binh triều Nguyễn tại Cung đình Huế. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Hình ảnh kị binh triều Nguyễn tại Cung đình Huế. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Thời Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2, nhà vua cho quân các vệ ở 5 đạo diễn tập cả thủy chiến và lục chiến. Về phép tập trận, vua Lê Thánh Tông từng dụ quần thần rằng: “Tổng quản, Tổng tri được phép dựa vào trận đồ, điều chỉnh dốc sức chia thành từng đội, từng ngũ, dạy chúng biết phép ngồi đứng tiến lui, nghe rõ tiếng hiệu lệnh về chiêng trống, làm cho quân sĩ tập quen việc bắn cung tên, không quên việc vũ bị, đến ngày thứ tư trở đi mới được sai phái".

Theo chế độ thời nhà Lê, hàng năm cứ đầu mùa xuân, các quân ở 5 đạo đều hội họp ở kinh sư để kiểm điểm tập dượt. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép lại tên các phép luyện thủy trận thời Lê Thánh Tông như: trung hư, thường sơn, xà mãn, thiên tinh, nhạn hàng, liên châu, ngư đội, tam tài, thất môn và yển nguyệt; bộ trận có các phép: trương cơ, tương kích và kỳ binh... “Toàn thư” cho biết vua Lê Thánh Tông từng cho quân sĩ tập trận ở Thiên Trường, tập trận Trung hư ở Lỗ Giang, tập trận Tam tài và Thất môn ở Vi Giang.

Về thủy quân, thời Lê quân sĩ luyện tập ở hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm ngày nay), nên hồ còn gọi là hồ Thủy Quân, hoặc dàn thuyền tập trận ở sông Hồng. Thời vua Lê Thánh Tông, nhà vua còn cho đào hồ Hải Trì và dựng điện Giảng Võ cạnh hồ để luyện quân.

Thời Lê trung hưng, bên cạnh việc tập trận còn được tổ chức thi cử. Theo sách “Binh chế chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, cứ 3 năm một kỳ, vào mùa đông các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì Bộ Binh tổ chức thi Bác cử. Các phép tiến lên đứng lại, phép đặt doanh bày trận, đều theo lệnh trong nội truyền ra. Mùa xuân các năm Dần, Thân, Tị, Hợi, sau khi tế cờ xong thì thi bộ binh ngoài bãi sông Hồng. Phàm phép tiến lên đứng lại, phép đặt doanh ngoài trận, đều có theo lệ hoặc có thêm bớt, cũng theo lệnh trong nội. Theo bộ sách này thì các vệ, đội nếu thực hành tốt thì được thưởng, hạng bình thường chỉ được phát tiền cơm. Các đội ngũ xếp hạng thấp nhất sẽ bị phạt tiền, thậm chí còn không phát tiền cơm cho binh lính.

Về chuyện tập trận đồ thời Nguyễn, bộ sử “Đại Nam thực lục” cho biết, năm Minh Mạng thứ 20 (1839), mùa thu, tháng 9, nhà vua cho diễn tập trận thủy chiến ở sông Thanh Phước (một nhánh của sông Bồ ở Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế ngày nay). Vua sai Đô thống là Nguyễn Tăng Minh, Hiệp biện Đại học sĩ là Trương Đăng Quế đến tận nơi giám sát. Khi trở về, các khâm sai báo lại rằng: các quân bơi chèo, lúc đi lúc ngừng, khá coi được, mà diễn bắn điểu sang (súng điểu thương, hay còn gọi là hỏa mai) cũng khá thạo. Vua nghe vậy, khen ngợi, đặc thưởng cho Thủy sư Đề đốc Hiệp lý trở xuống đến biền binh tiền gạo lương có thứ bậc mỗi người một khác.

Trương Đăng Quế tuy xuất thân là quan văn, nhưng từng được cử giữ chức Thượng thư bộ Binh. Do đó, vua Minh Mạng từng đem trận đồ thủy chiến của phương Tây cho Trương Đăng Quế xem và bảo rằng: “Phép thủy chiến, nếu giặc chiếm được đầu gió, tất nhiên thừa thế đuổi đánh ta, thì thuyền ta giả cách thua, nhân đó buông dây, trở buồm dần dần chạy gié ra, rồi sau súng ống của ta mới thừa sơ hở mà bắn đánh lại được. Nếu ta chiếm được đầu gió, thì nên đuổi theo từ từ, đừng bức bách chúng vội quá, thì chúng không đánh trả lại mình được. Những điều tương tự như vậy đều có thể suy ra. Những lúc rỗi việc công, khanh nên xem kỹ bản đồ này, tham bác châm chước để làm phép thao diễn thủy quân”. Nghe những lời này, có thể thấy rằng vua Minh Mạng rất thông thạo về phép thủy chiến.

Sau khi vua Thiệu Trị lên ngôi, vào tháng 2 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), nhà vua ra Thăng Long làm lễ bang giao với nhà Thanh, đã tập hợp biền binh 5 tỉnh lớn ở Bắc Kỳ để điểm duyệt. Vua sai Hiệp biện Đại học sĩ Lê Đăng Doanh, Hành dinh đại thần Mai Công Ngôn sung chức Tổng lý duyệt binh đại thần, trước kỳ duyệt binh, kiểm hạch về quân chính.

Nhà vua dụ rằng: “Bang giao là việc lớn, người nước xa đến quan chiêm. Chỉnh đốn quân sĩ, phô bày binh uy, chính là lúc này. Trẫm sẽ một phen duyệt cả các quân để làm cho uy thế của nước mạnh mẽ. Các ngươi đều nên kiểm soát, sắp đặt tâu lên cho kịp biết ngay”.

Về cái lợi của trận ngựa, vua Thiệu Trị phân tích: “Quân kỵ có thể rời ra, tan ra, có thể tụ tập ở xa nghìn lý mà về tới chỉ bằng 100 lý, ra vào được luôn luôn, cho nên gọi là quân ly hợp. Khi xưa, kỵ sĩ chỉ có cung tên là môn sở trường nay thì có các súng điểu sang, tiêu sang, gươm trường, súng ngựa, công đánh phá giặc hơn biết chừng nào! Vả lại, người dùng binh giỏi không cần phải đánh, người đánh giỏi không cần phải bày trận”.

Đội vệ binh Cung đình Huế đầu thế kỷ XX. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Vua Thiệu Trị cũng là người thông thạo sách võ kinh. Nhà vua giảng cho bọn Phạm Hữu Tâm, Mai Công Ngôn về ba trận của nhà binh mà danh sĩ Viên Bán Thiên thời nhà Đường bên Trung Quốc từng bàn, bao gồm: “Hành binh theo chính nghĩa như trận mưa quý hóa đổ xuống, hợp với thiên trời, ấy là thiên trận; đủ lương ăn, ít tiêu phí, vừa làm ruộng và chiến đấu hợp với địa nghi, ấy là địa trận; đem quân đi, quân sĩ như con em đi theo cha anh, được sự nhân hòa, ấy là nhân trận; nếu bỏ những điều đó, thì đánh thế nào được?”. Bọn Hữu Tâm, Công Ngôn nghe vua nói xong, cúi đầu tạ xin chịu kém.

Khi vua hỏi: “Trận ngựa với trận voi, đằng nào khó hơn?”; Phạm Hữu Tâm thưa rằng: “Trận ngựa khó hơn”. Vua Thiệu Trị đồng ý, nói rằng: “Phải đấy! Trận voi chỉ là chiếu theo phép luyện tập thường, còn trận ngựa thì quân kỵ bắn tên, cầm dao, xông pha vào trận, nếu không quen thạo thì mình bị hại trước, còn giết giặc được sao? Thế cho nên khó hơn. Nay đợi duyệt xong ban thưởng, sẽ lấy khó, dễ làm thứ bậc cốt cho đúng mức công bằng để tỏ ra sự ban khen và khuyến khích"…

Đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), vào tháng 5, vua Thiệu Trị rước Thái hậu ra giá chơi Vọng Hải lâu để xem tập trận. Lần này thấy kỷ luật nghiêm minh, thủy trận hợp phép, vua sai thưởng cho từ quan đại thần tổng duyệt đến quản vệ binh lính có thứ bậc khác nhau. Vua nhân bảo bộ Công rằng:

“Ở biển đặt nhà chòi để làm cho mạnh cái thế chỗ cương giới, tất phải sửa chữa thêm luôn”. Sau đó vua lại dụ cho bộ Binh rằng: “Súng đại bác là thứ cốt yếu trong việc dùng binh, bắn tin hay không, nên châm chước mà định thưởng phạt, để cho quân sĩ biết khuyên, răn”.

Tháng Giêng năm 1845, vua Thiệu Trị lại cho tiến hành duyệt binh trọng thể, có diễn tập trận voi, trận ngựa và trận pháp thủy bộ. Vua nói rằng: “Quân lính có thể nghìn ngày không dùng, không thể một ngày không tập luyện. Ngày nay, nước nhà nhàn rỗi, các hạng biền binh hiện ở đội ngũ trong Kinh, phải nên để thì giờ mà diễn tập cho tinh thục. Bộ binh thì chuẩn cho viên thống quản thao diễn ở giáo trường: phép bắn, phép bày trận; thủy sư cũng do viên thống quản ấy chiếu lệ thao diễn binh thuyền ở bờ phía Nam sông Hương, dạy cho bắn súng trường, súng đại bác, và khi ngồi, khi dậy, khi đi, khi đứng để cho biết phép đánh bộ, đánh thủy, cốt cho kỹ thuật và võ nghệ đều tinh để phòng khi cần dùng đến”.

Lê Tiên Long

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/mua-xuan-dien-tap-quan-su-giu-yen-bo-coi-i679927/