Mùa xuân mới ở Chiềng Xuân

Những đồi cây ăn trái đang từng bước thay đổi cuộc sống của người nông dân và bộ mặt của huyện Vân Hồ (Sơn La) - vùng đất từng có biệt danh là 'thủ phủ của thuốc phiện'.

Một góc khu đồi rộng hơn 2ha trồng cam của anh Nguyễn Văn Tiến. Ảnh: Trần Tuấn

Một góc khu đồi rộng hơn 2ha trồng cam của anh Nguyễn Văn Tiến. Ảnh: Trần Tuấn

Một ngày đầu năm 2018, vừa đưa tay hái từng quả quýt đỏ mọng trên khoảnh đồi sau nhà, anh Nguyễn Văn Tiến (Chiềng Xuân, Vân Hồ) kể, khoảng 8 năm về trước, khu vực rộng hơn 2ha này là nơi gia đình anh trồng ngô, khoai và sắn. Theo anh Tiến, hơn 2ha này chỉ trồng được 40 kg ngô giống do phải làm cỏ bằng tay. Hai vợ chồng rẫy cật lực cả buổi cũng chỉ được một mảnh to bằng cái sân nhà. Hàng chục hộ dân ở bản Suối Quanh (xã Chiềng Xuân) khi ấy cũng coi trồng ngô như một lẽ sống đã bao đời. Thế nhưng, cỏ làm đến cuối nương thì đầu nương đã lại mọc lại. Cứ thế, một năm hai vụ ngô, những người nông dân phải làm cỏ đến 180 ngày, trọn vẹn 360 công.

Khoảng năm 2010, khi sử dụng thuốc trừ cỏ, cũng tại khu đồi ấy, gia đình anh Tiến gieo được 80kg ngô giống, mà chỉ mất 7 ngày công sau khi phun 80 lọ thuốc (900ml/lọ). Thế nhưng, năng suất tăng nhưng thu nhập lại giảm do cuối vụ phải thanh toán số tiền lớn cho việc mua giống và thuốc trừ sâu cho đại lý. Thêm nữa, nhiều thời điểm giá ngô rớt chỉ khoảng 2.000 đồng/1kg, anh Tiến phải đổ bỏ cho bò ăn. Trái ngọt thành quả đắng, anh Tiến đau như cắt vào da thịt. Nhưng rồi bước ngoặt đã đến với nhiều nông dân ở huyện Vân Hồ, trong đó có anh Nguyễn Văn Tiến.

Thực hiện theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô, khoai, sắn sang trồng các cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao như cam, quýt, xoài, bơ… của UBND tỉnh Sơn La, năm 2011, anh Nguyễn Văn Tiến bắt đầu cuộc thay đổi. Từ hơn 2ha trồng ngô, người nông dân này chuyển sang trồng nhãn.

Những ngày đầu, anh Tiến gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về kỹ thuật canh tác. Tuy vậy, nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cán bộ khuyến nông huyện, cùng với đó, anh Tiến tự mình mò mẫm đến những mô hình trồng cây ăn quả hiệu quả từ nhiều tỉnh phía Bắc để học hỏi nên cây cối may mắn không bị sâu bệnh.

Giống nhãn ghép được anh đưa vào thử nghiệm cho ra quả ngon với cùi dày và ngọt mà sản lượng gấp hơn 10 lần giống nhãn thường. Vụ mùa bội thu, tiền bán nhãn cho thương lái lên đến hơn 100 triệu đồng, trừ vốn, trừ công, vợ chồng người nông dân này hạch toán lãi gần 80 triệu đồng. Gấp hàng chục lần so với thu nhập từ trồng ngô, khoai, sắn.

Thừa thắng xông lên, những mùa vụ sau, anh Tiến thử nghiệm thêm nhiều giống cây ăn quả khác như: Cam, quýt, xoài… Anh tiếp tục “mang cơm nắm muối vừng” xuống các vùng trồng cam nổi tiếng như Cao Phong (Hòa Bình) hay các huyện Tây Nam của tỉnh Nghệ An để tìm hiểu về giống, kỹ thuật cũng như cách tiếp thị và tìm đầu ra.

Sau lần trồng thử nghiệm 300 cây cam, anh Tiến nhân rộng lên hơn 2ha trồng cam ghép. Một hecta thì trồng được 600 cây cam. Tuy vậy, số tiền đầu tư trồng cam rất lớn do phải xây dựng nhiều hạng mục đi kèm như cọc bê tông, cọc rào, dây thép, hệ thống tưới. Có thời điểm, anh phải vay thêm tiền bạn bè để đầu tư.

Trời không phụ lòng người, vụ mùa cam 2014 thắng lớn, nhiều bà con ở bản Suối Quanh hỏi mua giống cam của anh Tiến và nhờ anh dạy kỹ thuật canh tác. Hiện tại, theo anh Tiến, cả bản có 6ha trồng cam, sắp tới con số này sẽ được nâng lên là 18ha. “Do cam chủ yếu được chăm sóc bằng phân vi sinh và đặc biệt là khí hậu, thổ nhưỡng ở đất Vân Hồ cực kỳ phù hợp nên cam ở đây luôn đạt tiêu chí ngọt, mát và đặc biệt rất sạch”, người nông dân này cho biết.

Tháng 3/2016, HTX trồng cây ăn quả Tiến Thành ra đời gồm thành viên là 10 hộ dân của bản Suối Quanh (cả bản có 60 hộ) do anh Nguyên Văn Tiến là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Năm 2017, doanh thu từ hợp tác xã đã đạt mức 300 triệu đồng từ việc cung cấp sản phẩm cây ăn quả: Cam, nhãn, xoài, quýt… ra thị trường. Tháng 8 cùng năm, HTX đã đạt giấy chứng nhận VietGap. Thời điểm hiện tại, HTX Tiến Thành có tổng cộng 49ha đất đồi bao gồm: 27ha nhãn, 6,5ha cam quýt, còn lại là diện tích các giống cây ăn quả khác.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc mở rộng quy mô trồng cây ăn quả, anh Tiến cho biết: “Thứ nhất là khó khăn về vốn để đầu tư mua giống và các thiết bị kỹ thuật, không phải hộ nông dân nào cũng dám đầu tư hàng chục triệu ra để làm việc này. Thứ hai là việc vận hành hệ thống tưới, mỗi lần gặp trục trặc thì xử lý rất mất thời gian và công sức. Thứ 3, việc nhiều hộ dân chưa quen với canh tác cây ăn quả cũng là một trở ngại lớn”.

Thế nhưng thuận lợi cũng không ít, như việc được Nhà nước hỗ trợ vay vốn đầu tư canh tác cây ăn quả với lãi suất thấp. Và đặc biệt là sự phù hợp về khí hậu, thổ nhưỡng khiến các vựa hoa quả ít bị sâu bệnh lại mang hương vị đặc trưng có thể tạo ra thương hiệu.

Từ sự nỗ lực của những người dân như anh Tiến, các lô hàng hoa quả xuất sứ từ Vân Hồ đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước từ Hà Nội, Ninh Bình, đến các tỉnh miền Trung… “Ước mơ cháy bỏng của tôi là mở rộng khu vực canh tác và mở rộng đầu ra cho sản phẩm tiến tới liên kết xuất khẩu và tạo bằng được thương hiệu cho hoa quả xuất sứ huyện Vân Hồ”, anh Nguyễn Văn Tiến tâm sự.

Một ngày mới bắt đầu, những chùm cam chín đỏ như những ngọn lửa đốt cháy thêm khát vọng thay đổi của những người nông dân, “để những giọt mồ hôi, không còn là giọt đắng”.

Chính quyền nỗ lực hỗ trợ người dân

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Đỗ Đức Hưng - Phó phòng NN&PTNT huyện Vân Hồ cho biết từ năm 2014 đến năm 2017, diện tích trồng cây ăn quả ở huyện Vân Hồ tăng từ 700 lên 1.800ha. Việc phát triển canh tác cây ăn quả giúp bảo vệ môi trường, nguồn nước và đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Ông Hưng cho biết: “Hiện tại, trên địa bàn huyện có nhiều HTX trồng cây ăn quả hoạt động hiệu quả như HTX Tiến Thành, HTX Pà Puộc… Phòng NN&PTNT và UBND huyện luôn khuyến khích, hỗ trợ các vùng phát triển cây ăn quả về kỹ thuật canh tác và vốn”.

Trần Tuấn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/mua-xuan-moi-o-chieng-xuan-20180430003935273.htm