Mùa xuân 'ngộ' giữa núi rừng

Tà Xùa mùa này có nhiều mây không nhỉ? Tả Liên đã có hoa đỗ quyên chưa? Hay lên Lảo Thẩn câu mây? Mới ngày tết, những người nghiện đi núi, hay những kẻ bị 'núi hành' đã hỏi nhau như vậy. Nói đến 'núi hành' nhớ ông anh lớn tuổi bị tai nạn xe máy toác cả hộp sọ nhưng tháng nào cũng nằng nặc đòi trèo lên đỉnh Bà Đen ít nhất một lần, đầu đội cái mũ cối cứng bảo vệ hộp sọ, ông cứ leo.

Mùng ba tết, nhóm bạn trên fanpage Travel Up đã rủ nhau leo đỉnh Pusilung. Úi giời, ngay khi bánh chưng, thịt thà vẫn còn đầy miệng mà đã vội hành xác sớm thế. Đỉnh Pusilung nằm ở xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nằm sát cột mốc biên giới số 42 với Trung Quốc. Trên đường lên đỉnh phải đi qua đất Trung Quốc, chỉ không biết lúc nào đi trên đất mình, lúc nào đi trên đất người thôi. Ở 3.080m, Pusilung cao thứ 3 Việt Nam nhưng có quãng đường leo bộ dài nhất, đi ba ngày trong đó có cả đi buổi tối, lại bảo còn nghe cả tiếng hổ gầm nữa. Cái sự “hành” nó có muôn vàn cấp độ.

Những con suối trên núi cao nước lạnh có thể ngâm bia.

Đời sống càng văn minh, cái sự “hành” càng được nâng tầm. Cách đây 5 – 7 năm đổ về trước nữa, người ta chỉ biết có đỉnh Fansipan mái nhà Đông Dương, ai mà “leo Fan” thì oách lắm, mọi người nhìn vào trầm trồ. Nhưng giờ chẳng mấy người trẻ “leo Fan” nữa vì cái cáp treo mọc lên trao cơ hội “lên đỉnh” bình đẳng cho mọi người, chỉ tốn có 700.000 đồng trả tiền đi cáp. Fansipan giờ bị loại một cách không thương tiếc khỏi “list” của những kẻ thích hành xác bằng việc leo trèo. Thay vào đó là gần 20 đỉnh núi được các nhóm phượt khám phá, khai phá, lập tour: Putaleng, Pusilung, Pờ ma lung (Bạch Mộc Lương), Ky Quan San (Bạch Mộc Lương Tử), Khang Su Văn, Tả Liên, Tà Chì Nhù, Tà Xùa, Nhìu Cồ San, Lùng Cúng, Lảo Thẩn, Nam Kang Ho Tao, Chung Nhía Vú, Ngũ Chỉ Sơn… Xin được hầu những chuyện khai phá và hành xác của những người đam mê bộ môn trekking này vào một dịp khác.

Một chặng dừng chân "thổi kèn" hợp xướng.

Có người cho rằng những người thích đi núi là những người hướng ngoại, mở rộng lòng với thiên nhiên, cây cỏ. Sai bét, theo tiêu chuẩn và cảm nghĩ hiện đại. Tôi cam đoan với bạn, du lịch với những người hướng ngoại sẽ chỉ là chỗ nào shopping rẻ, nghỉ dưỡng tốt, hải sản ngon, những môi trường đầy đặc người và hàng để họ thỏa mãn sự xởi lởi, sang chảnh, mức độ nào đó là láu lỉnh, khoe khoang của họ, đặc biệt là với sự hỗ trợ đắc lực của các công cụ mạng xã hội như bây giờ.

Những người thích đi núi là những người hướng nội. Họ đi để tìm về nội tâm của mình. Dù họ có thể không ý thức được việc đó, nhưng tiềm thức của họ hướng về việc đó, mong muốn việc đó. Joseph Campbell, nhà nghiên cứu thần thoại học chỉ ra rằng ý tưởng chủ đạo xuyên suốt các cuộc hành trình mang tính thần thoại ở các nền văn hóa từ đông sang tây là các câu chuyện, về hình thức thì là những cuộc hành trình bên ngoài, nhưng thực tế nó biểu trưng cho những cuộc hành trình trong nội tâm của con người. Có thể kể đến Odysseus, Ramayana, Tây Du Ký.

Một cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không đạt mười vạn tám ngàn dặm, chỉ lắc mình một cái trong tích tắc là đến Linh Sơn Phật Quốc, nhưng thầy trò Đường Tăng phải đi mất 14 năm, trải qua 81 kiếp nạn mới đến được đó để thỉnh kinh. Nếu Ngộ Không có cắp nách Đường Tăng đến đó thì Đức Phật cũng không giao kinh cho họ. Kinh sách hay cái gì cũng thế, nếu có được quá dễ dàng thì người ta chỉ coi đó là vật xem lúc rỗi nhàn.

Ý tưởng lớn nhất trong Tây Du Ký, một trong bốn bộ “tứ đại kỳ thư” của văn học Trung Hoa là chữ “Ngộ”. Ba đệ tử phò Đường Tăng đi thỉnh kinh có pháp hiệu Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tĩnh. Chữ “Ngộ” gồm chữ “Tâm” và chữ “Ngã” ghép lại, nghĩa là sự hiểu được bản ngã từ sâu trong đáy trái tim mình. Ngộ để vượt lên huyễn hoặc, ảo mộng, mê đắm của cuộc sống. Có đi nhiều mới ngộ nhiều. Đặc biệt trong những hành trình cô độc.

Đi và cọ xát với chính mình, chứ không phải ai khác, mới là ngộ. Những yêu ma quỷ quái trên đường đi của thầy trò Đường Tăng chỉ là hiện hình của những tính cách xấu xa trong con người. Và họ cũng là thử thách của chính họ. Năm thầy trò Đường Tăng đại diện cho “ngũ độc” – năm tính cách xấu xa nhưng rất cơ bản của con người: Tham (Bát Giới), Sân (Sa Tăng), Si (Bạch Mã), Nghi (Đường Tăng), Mạn (Ngộ Không). Tham lam, sân hận, si mê, nghi vực, ngạo mạn. Thật ảo diệu những câu chuyện thần thoại về hành trình.

Cân đẩu vân là ước vọng của người xưa. Người nay giờ được thỏa mãn với máy bay, cáp treo. Một cân đẩu vân bay vù phát lên độ cao 3.143m của Fansipan, nhưng chân kinh thì có lấy được? Chân kinh ở trên con đường ta đi, qua những vũng lầy, con suối, qua những guồng chân khi cơ bắp mỏi rã rời, qua những cái nắm tay giúp nhau vượt qua vực thẳm, qua những đêm sương giá. Mùa xuân, tôi không đi chùa chiền, lễ hội, tôi tìm về với mẹ núi rừng, trong quá trình “hành” và “ngộ”, ngõ hầu tìm được bản lai diện mục của chính mình.

Theo Đinh Hiệp (Thế giới tiếp thị)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/du-lich/mua-xuan-ngo-giua-nui-rung-855525.html