Mùa Xuân trên đảo tiền tiêu

Khi bình minh trên sông Cấm vừa ló rạng, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình cùng mùa xuân đến với cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 27 (Trung đoàn 295, Sư đoàn 363).

Sau hơn nửa ngày chịu đựng những cú nhồi, lắc, va đập của sóng và gió biển, cuối cùng con tàu cũng cập đảo. Ngước mắt lên điểm cao trước mặt, chúng tôi đã nhìn thấy giàn ăng-ten cao vút. Phía bờ thấp thoáng sắc phục lính canh trời. Chỉ thế thôi, cảm giác ấm áp, bình yên đã lan tỏa.

Trạm ra đa 27 tọa lạc trên một quả đồi rộng, xung quanh rực rỡ những vạt hoa ngũ sắc và những gốc phong ba, gốc thông gân guốc. Từ điểm cao 68 mét so với mực nước biển, chúng tôi có thể phóng xa tầm mắt, ngắm nhìn toàn cảnh biển, đảo dưới ánh hoàng hôn đỏ rực cuối chân trời.

Chuyển trạng thái SSCĐ ở Trạm ra đa 27.

Trong dãy nhà cấp bốn lồng lộng gió biển, chúng tôi nhanh chóng làm quen với nhau, thân thiện, gần gũi, đúng chất lính canh trời. Thiếu tá Đặng Văn Đô, Trạm trưởng Trạm ra đa 27, vui vẻ giới thiệu: 100% cán bộ, nhân viên của trạm đều xa gia đình. Người bám đảo lâu nhất ngót nghét 24 năm; người dăm, bảy năm hay mười năm thì khá phổ biến. Thực hiện nhiệm vụ canh trời trong điều kiện xa nhà, xa đất liền, cả trạm giống như một gia đình lớn. Anh em luôn hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau cả trong công việc và trong cuộc sống. Chính nhờ tinh thần đoàn kết, chan hòa ấy, những năm qua họ luôn hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất. Không chỉ quản lý vững chắc vùng trời được giao, không để sai, sót, lọt, chậm, hoang báo, lỡ thời cơ, bảo đảm tốt thông tin liên lạc, trạm còn hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang trên đảo, nắm chắc tình hình trên không, trên biển, quản lý chặt chẽ vùng trời và các hoạt động bay, kịp thời phát hiện, thông báo và xử lý chính xác các tình huống xảy ra, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân.

Một anh chàng to cao, vâm váp, có mái tóc đinh lốm đốm bạc, vui vẻ dẫn tôi đi “thực địa”. Anh trải lòng: “Tôi là Thượng úy QNCN Nguyễn Khắc Lợi, nhân viên Báo vụ. So với anh em trong trạm, tôi là người có thâm niên giữ đảo lâu nhất”. Rồi anh say sưa kể, ngày anh ra, đảo chưa sầm uất như bây giờ, dân cư thưa thớt lắm. Tàu đỗ mãi ngoài khơi, cách bờ 700 mét, được bà con mang thuyền ra đón, anh rất xúc động. Trạm ra đa lúc đó cũng chỉ là dãy nhà nhỏ được xây bằng đá hộc. Ban đêm rết bò vào tận giường nằm. Thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, chỉ sẵn nắng và gió thôi. Ra đảo đã khó, về lại đất liền còn khó hơn. Biển động, giông bão thất thường đã đành, tàu cũng rất hiếm hoi. Cả tháng, đôi khi 2-3 tháng mới có chuyến tàu. Nhiều trường hợp bố mẹ mất còn không về kịp, nói gì đến trường hợp vợ con ốm đau. Khó khăn là thế, nên mỗi lần tàu cập cảng, cả đảo lại ùa ra đón, vui và ấm áp lắm.

Thiếu tá QNCN Đỗ Minh Đoàn, với chức danh quản lý, đã có 19 năm nắm giữ cái “dạ dày” của anh em thì bộc bạch: Mỗi khi có lương, anh thường lập danh sách từng người có nhu cầu gửi về nhà bao nhiêu. Sau đó, nhờ chuyển qua bưu điện ngay từ trong đất liền. Làm lâu thành quen, sau này không cần hỏi lại, anh cũng biết chính xác số tiền mỗi người cần chuyển.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Quyên, Kỹ thuật viên ra đa, tâm sự: “Tôi có mặt ngoài đảo năm 2003. Trạm nằm sát biển, nước mặn ăn mòn kim loại nên trong quá trình bảo quản khí tài, chúng tôi phải thực hiện khá vất vả. Ở nơi này, gió mùa thì gần như bão trên đất liền. Gió Nam lại gây nhiễu, ra đa khó bắt mục tiêu. Để duy trì việc mở máy từ 2-3 phiên liên lạc trong ngày là cố gắng lớn của tất cả các thành phần”.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 27 bảo quản khí tài sau huấn luyện.

Đại úy Đỗ Hữu Thông, Phó trạm trưởng cho chúng tôi biết thêm: Không phải tự nhiên mà ông cha ta gọi Bạch Long Vĩ là đảo "Vô Thủy", nghĩa là không có nước. Trong một năm, mùa mưa chỉ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8, còn lại hoàn toàn là mùa khô. Mưa không nhiều, lượng nước ngầm trên đảo cũng rất ít. Bộ đội phải xuống tắm ở giếng cách đơn vị 3km. Tắm xong, lên được trạm, mồ hôi lại túa ra nhớp nháp. Đôi lúc anh em phải vác cả nước lên để sinh hoạt. Vì vậy, việc tăng gia rau xanh trên đảo hết sức khó khăn. Phải cuốc đất, nhặt đá xếp thành bờ cao tránh gió, kiếm đất mùn, đất thịt đổ vào, rồi phải che gió, che sương cho rau. Thế nhưng, với những nỗ lực cố gắng cao nhất, bộ đội đã chuẩn bị cho Tết Nguyên đán năm này khá đầy đủ: 20 đầu lợn, 50 con gà với 8 vườn rau đang lên xanh tốt.

Đêm đầu tiên ở đảo, tôi đã ngủ một giấc thật say. Nửa đêm, gió biển vần vũ gào thét đập ầm ầm vào cánh cửa. Tiếp đó là cơn mưa sầm sập ập đến. Chợt nhớ đến mẻ quần áo vừa giặt ban chiều đang phơi ngoài hiên, tôi vội vã chạy ra nhưng bộ đội đã nhanh tay cất giúp từ khi nào chẳng rõ. Mưa thế này, những vườn rau của trạm sẽ xanh phải biết. Vui hơn nữa, họ sẽ tạm thời không phải lo thiếu nước sinh hoạt- nỗi lo thường trực, ám ảnh những người lính trên điểm cao này.

Trước khi chia tay cán bộ, chiến sĩ trên Trạm ra đa 27, chúng tôi đã có một buổi tiệc tất niên đầy ý nghĩa. Mới đó mà chủ khách đã gắn bó, thân thiết như ruột thịt. Chúng tôi cùng chia sẻ những vui buồn và gửi gắm cho nhau ước nguyện năm mới an toàn, hạnh phúc. Tàu rời âu cảng, nhìn cánh sóng ra đa kiêu hãnh trên điểm cao, chúng tôi càng thêm vững niềm tin vào những người lính đang ngày đêm đối mặt cùng sóng gió, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: QUỲNH VÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/mua-xuan-tren-dao-tien-tieu-565482