Mùa Xuân trồng cây

Tuần qua là thời gian cao điểm của việc tổ chức Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ năm Canh Tý -2020.

Thực hiện Kế hoạch số 17/KH-UBND, ngày 21/1/2020 tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Canh Tý năm 2020 do UBND TP Hà Nội ban hành, nhiều đơn vị, địa phương, cơ quan, trường học đã tổ chức Tết trồng cây.

Theo kế hoạch, sẽ có trên 450.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây ăn quả sẽ được trồng mới trên các tuyến đường Hà Nội trong năm Canh Tý 2020. Riêng đợt ra quân đầu xuân Canh Tý, từ 6 đến 12 tháng Giêng, TP phấn đấu trồng 100.000 - 120.000 cây xanh các loại.

Một trong những nét nổi bật của Tết trồng cây năm nay là nhiều trường học được chọn làm địa điểm phát động Tết Trồng cây Xuân Canh Tý năm 2020 của các địa phương. Đó là các trường THPT Dân tộc nội trú Ba Vì, huyện Ba Vì; trường Mầm non xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai; trường Tiểu học Xuân Mai A, huyện Chương Mỹ; trường THCS Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ; trường THCS Tân Hội, huyện Đan Phượng; trường Mầm non xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa; trường Mầm non Văn Phú, huyện Thường Tín; trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình; trường Tiểu học Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng...

Để định hướng cho phong trào Tết Trồng cây, Bác Hồ đã có nhiều bài viết, bài nói. Trong bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc vào ngày 14/9/1958, Bác đã xác định rõ việc trồng cây cũng giống như việc trồng người là việc làm xuất phát từ lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài. Người nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ kính yêu gắn việc trồng cây với sự nghiệp trồng người. Cứ xem lời căn dặn của Bác về việc trồng cây cũng có thể thấy được điều đó. Bác nhắc lại nhiều lần trong các bài viết, bài nói về trồng cây là cần coi đây là công việc thường xuyên, lâu dài và quan trọng là làm sao để trồng cây nào tốt cây ấy.

Ngay cả trong Di chúc thiêng liêng người để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người cũng căn dặn: “Nếu có kế hoạch trồng cây trên đồi, ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.

Để có thể thực hiện lời căn dặn của Bác trồng cây nào tốt cây ấy, không hoàn toàn đơn giản.Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Bác nhiều lần căn dặn như vậy. Bởi trong thực tế, đã có những địa phương, đơn vị thực hiện Tết Trồng cây theo kiểu phong trào, phô trương, hình thức sau đó bỏ mặc cho cây sống chết ra sao không cần quan tâm.

Một điều nữa, xem lại những thước phim, bức ảnh Bác cùng trồng cây với cán bộ, Nhân dân các địa phương, đơn vị, không bao giờ Bác không trồng cây to, mà chọn những cây vừa phải, cần bỏ công chăm sóc, bảo vệ mới trưởng thành, đúng với ý nghĩa của việc trồng cây.

Trở lại việc nhiều trường học của Hà Nội được chọn làm địa điểm tổ chức Tết Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Canh Tý. Có thể coi đây là việc làm góp phần thực hiện lời dạy của Bác về lợi ích và ý nghĩa của việc trồng cây, trồng người.

Ngoài việc tạo cảnh quan đẹp đẽ cho môi trường sư phạm của các trường học, cách làm này còn có tác dụng rất rõ khi mà các em học sinh được tham gia trồng, chăm sóc để trồng cây nào tốt cây ấy. Đó cũng là tạo điều kiện để các em hình thành tình yêu thiên nhiên, tinh thần yêu lao động, những yếu tố để trở thành con người phát triển toàn diện. Và như vậy cũng là đóng góp góp vào sự nghiệp trồng người.

Mùa Xuân là Tết Trồng cây. Nhớ lời dạy và làm theo tấm gương của Bác về thực hiện Tết Trồng cây, cũng là một cách học tập và làm theo đạo đức, tác phong của người!

Lê Quân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mua-xuan-trong-cay-364509.html