'Mùa Xuân vắng lặng' - Bây giờ hoặc không bao giờ

Đã bao giờ bạn tự hỏi bạn có vai trò gì với môi trường xung quanh mình? Bạn đã và đang làm gì để bảo vệ môi trường và lan tỏa tinh thần ấy trong cộng đồng. Công việc ý nghĩa được bạn duy trì trong bao lâu, nhất thời hay là cam kết một đời. Những câu hỏi ấy có đôi lần dấy lên trong tôi và thôi thúc mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi chạm tay đến cuốn sách 'Mùa Xuân vắng lặng' của nữ tác giả Rachel Carson - một cuốn sách kinh điển khởi xướng phong trào bảo vệ môi trường chấn động toàn thế giới.

"Mùa Xuân vắng lặng” xuất bản lần đầu năm 1962, được xem là tác phẩm kinh điển khởi đầu cho những phong trào bảo vệ môi trường trên thế giới. Rachel Carson là nhà động vật học, nhà nghiên cứu sinh vật biển người Mỹ và là người ủng hộ công cuộc bảo vệ môi trường.

Cuốn sách mở đầu bằng những dự báo xót xa: “Con người thường đánh mất khả năng đoán trước và dẫn trước tương lai. Họ chọn cách kết thúc bằng việc hủy hoại thế giới”. (Albert Schweitzer).

Ở một góc độ nào đó, tác giả Rachel Carson đã rất thành công khi vẽ ra trong cuốn sách một thế giới “để cây bên hồ chỉ còn lá rụng và chẳng còn nghe tiếng hót của chim”.

Đau xót thay, thế giới ấy không hoang đường, không phải là nằm trong tưởng tượng. Mà đó là những năm tác giả sinh sống, khi mà thuốc trừ sâu tổng hợp DDT gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến môi trường sống.

Hãy kiểm nghiệm lại những gì mà tác giả đã dày công nghiên cứu phân tích: Một người nông dân trồng rau diếp dùng không chỉ một mà đến tám loại thuốc trừ sâu khác nhau trên rau của mình khi cận ngày thu hoạch, một người vận chuyển phun parathion độc chết người nhiều gấp 5 lần lượng tối đa cho phép lên cần tây. Và hãy nhìn xem con người đang đối xử thế nào với thiên nhiên: các vùng nước gần bờ - vịnh, eo biển, cửa biển, các đầm lầy nước mặn tạo thành một đơn vị sinh thái cực kỳ quan trọng. Nếu không có các vùng dưỡng cá được bảo vệ, nước ấm và giàu thức ăn thì không thể duy trì số lượng cá được. Vậy mà chúng ta lại cho phép thuốc diệt sinh vật gây hại theo sông xâm nhập vào các vùng dưỡng cá này bằng cách phun thuốc trực tiếp vào những khu đầm lầy ranh giới này.

Khi con người tiến đến mục tiêu đã được công bố trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, họ đã viết nên một thành tích phá hoại đáng buồn, họ không chỉ trực tiếp chống lại trái đất nơi họ đang sinh sống mà còn chống lại những loài chia sẻ môi trường sống với họ. Đó là cuộc tàn sát những con trâu trên đồng bằng phía Tây, cuộc thảm sát những loài chim đầm lầy bởi những kẻ săn để bán, cận kề tận diệt của loài diệc bạch chỉ vì người ta muốn lấy đi bộ lông của chúng. Giờ đây, con người lại đang mở ra một chương mới với hình thức tàn phá, trực tiếp giết hại những con chim, động vật có vú, cá và thực tế là mọi loài thú hoang bằng việc phun vô tội vạ hóa chất thuốc trừ sâu.

Và tác giả gọi tên là “những cuộc tàn phá không cần thiết”. Có những lựa chọn thông minh hơn rất nhiều gọi là những biện pháp sinh học mà con người không chọn, mà lại chọn bằng cách đặt hết tương lai vào cái gọi là hóa chất, quá tin tưởng vào cái gọi là “điều khiển tự nhiên”.

Tự nhiên có tiếng nói riêng đầy quyền năng của mình. Và tự nhiên không tồn tại riêng lẻ. Mọi tác động cơ học, quá mạnh mẽ và trực diện vào tự nhiên, phá vỡ sự cân bằng của sinh thái ắt hẳn đều phải trả giá. Và đâu là những đối tượng phải nhận cái giá này. Không ai khác đó chính là chúng ta và con cháu chúng ta.

Lời cảnh báo này được ngân lên từ khi Rachel Carson xuất bản cuốn sách. Cuốn sách còn là khởi nguồn của Đạo luật Nước và Không khí sạch, Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia và dẫn đến sự ra đời của Ngày Trái đất.

Đã hơn 60 năm đã trôi qua từ khi cuốn sách này được biết rộng rãi trên toàn cầu. Chúng ta hãy cùng ngẫm lại những lời sau cuối của tác giả Rachel Carson “chỉ khi nào con người biết để tâm đến các sức mạnh sự sống và thận trọng biến chúng thành những gì có lợi cho chúng ta thì chúng ta mới có thể hy vọng có được một môi trường sống chan hòa giữa những loài côn trùng và chính chúng ta”. Đừng điều khiển thiên nhiên mà hãy hiểu, yêu, trân trọng thiên nhiên để có ý thức, hành động sống chan hòa với thiên nhiên, nếu không muốn “mùa xuân vắng lặng” trở thành hiện thực!

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/mua-xuan-vang-lang-bay-gio-hoac-khong-bao-gio/27131.htm