Mùa xuân về trên điệu ca quan họ

Yêu nhiều làn điệu dân ca quan họ là thế, nhưng chỉ khi có cơ hộ trò chuyện với những người con xứ quan họ, tôi mới hiểu về những đóng góp của người dân nơi đây đối với việc bảo tồn và phát huy di sản phi vật thể, để quan họ Bắc Ninh mãi trường tồn và lan tỏa giữa nhân gian.

Hát quan họ dưới thuyền, một đặc sản của hội Lim. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Quý Tráng (Nghệ danh Hai Tráng), nguyên là Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh nhớ lại: Kinh Bắc tôi vốn là cái nôi của các làn điệu dân ca quan họ, phong trào hát các làn điệu dân ca phát triển mạnh vào những năm 1979. Trải qua quá trình bảo tồn và quyết tâm đưa các làn điệu dân ca trở lại, đến nay phong trào hát dân ca quan họ không chỉ phát triển manh mẽ ở riêng vùng Bắc Ninh, mà còn phát triển ra nhiều địa phương trong cả nước, ngày càng chiếm được tình yêu mến của đông đảo khán giả trong nước và nước ngoài.

Được biết, Nghệ danh Hai Tráng cả đời gắn bó với Lim, với quan họ. Cũng chính anh Hai Tráng là người vất vả, có công lặn lội sưu tầm vốn quan họ từ các cụ cao niên trong các làng quan họ cổ. Có lẽ thế, các giai điệu quan họ tựa như chất men từ lâu dần ngấm sâu vào hồn Hai Tráng. Ông và Nghệ sĩ nhân dân Thúy Cải, Nghệ sĩ ưu tú Tự Lẫm, Lệ Ngải cùng là chỗ bạn bè, cùng lớn lên, cùng đi theo chiều dài tồn tại vĩnh cửu của làn điệu dân ca vốn đậm chất trữ tình ấy. Các nghệ sĩ không chỉ đơn thuần là hát quan họ, người nghe không chỉ nghe hát mà trong lòng như nghe được cả lịch sử, nghe văn hóa của một vùng quê giàu truyền thống, để cùng hướng đến những giá trị văn hóa, nhân văn cao cả.

Nghệ danh Hai Tráng. Ảnh: TL

"Làn điệu dân ca quan họ vốn dễ hát, rất gần gũi với cuộc sống đời thường, tựa lời tâm tình sâu lắng, có sức lan tỏa đến mọi người ở mọi nơi trên mọi miền của Tổ quốc", Nghệ danh Hai Tráng chia sẻ.

Là người vốn yêu thích các làn điệu dân ca quan họ, bà Nguyễn Thị Bích (Từ Sơn) nhận mình có duyên nợ với dân ca quan họ. Như các hội viên khác của Hội những người yêu thích dân ca quan họ, bà gia nhập từ những ngày đầu lập Hội, bà cùng các liền anh liền chị rất say mê lối chơi hát quan họ cổ truyền, trong đó có hội viên lớn tuổi như cụ Nùng nay đã 89 tuổi.

Bà Bích kể, bà yêu các làn điệu dân ca quan họ trữ tình từ thủa thơ bé, đặt biệt bà còn hát rất hay các giai điệu dân ca quan họ có chủ đề về mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước đổi mới và các bài dân ca trữ tình khác. Nên chăng, chất quan họ từ bao giờ đã đi vào tiềm thức, thấm đẫm tuổi thơ bà cho đến giờ, cả cháu gái bà mới 6 tuổi nhưng cũng rất mê làn điệu dân ca quan họ.

Bà Nguyễn Thị Bích. Ảnh: TL

Cả một thế thế hệ như bà Bích luôn mong muốn không chỉ mang lời ca tiếng hát làm đẹp cho đời, mà còn truyền đạt vốn liếng dân ca của mình cho lớp trẻ, từ đó cùng góp phần gìn giữ và bảo tồn những giai điệu dân ca mãi bất tử cùng năm tháng.

Anh Đỗ Thành Chung, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tiên Du cho biết: Tháng 9/2009, dân ca quan họ được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhờ vậy, điều kiện kinh tế - xã hội của vùng Lim có nhiều chuyển biến, tạo điều kiện cho văn hóa, trong đó có dân ca quan họ được lên ngôi, có dịp phát triển và lan tỏa mạnh mẽ. Trước đây, lối sinh hoạt của người quan họ thường chỉ được diễn ra tại các làng quan họ gốc, nhưng nay đã phát triển được hơn 300 làng quan họ thực hành. Chính từ các hoạt động của các câu lạc bộ yêu dân ca quan họ, các làng quan họ đã góp phần làm cho dân ca quan họ có sức sống mạnh mẽ. Cùng với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật khác ở quanh vùng Lim, quan họ đang góp phần phát triển du lịch cho địa phương cùng cất cánh.

Tiết mục hát Mời nước, mời trầu của hội những người yêu thích dân ca quan họ. Ảnh: TL

Từ trong những làn điệu quan họ trong sáng, tha thiết cất lên lại làm dấy lên và lan tỏa tình yêu quê hương đất nước trong lòng mỗi người. Quan họ Kinh Bắc đã bao đời, ta như còn được lưu luyến với miền đất này bởi còn mê tấm lòng nồng hậu, chân thành và hiếu khách của con người xứ quan họ.

Quê hương của những làn điệu dân ca quan họ hôm nay đang hừng hực sức sống đi lên, Thành phố Bắc Ninh cũng được ví như một thành phố trẻ năng động, đáng sống, đáng yêu và trên tất cả mà quê hương quan họ hướng đến những giá trị văn hóa, nhân văn cao cả.

Em ở đâu? ở đâu
Để anh mãi đi tìm là em ở đâu
Ư hự ư là hội hư… cứ vang mãi trong tôi trước thềm xuân nồng!

Thanh Lương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/van-hoa-giai-tri/mua-xuan-ve-tren-dieu-ca-quan-ho_t114c20n144539