Mùa xuân vui chợ vùng cao

Khi những cánh hoa đào nở rộ khoe sắc khắp bản làng, trong lòng các chàng trai cô gái lại xốn xang nghĩ về phiên chợ sắp tới. Chợ vùng cao mùa xuân là tấp nập nhất trong năm và đi chợ còn là đi… lễ hội.

Dập dìu vào mùa lễ hội

Từ tờ mờ sáng, trên các sườn núi cao, từng dòng người Mông, Hoa, Giáy… từ khắp các bản làng vùng cao, xúng xính váy áo, dập dìu kéo nhau đi chơi chợ. Tiếng ngựa bồn chồn giậm chân hí vang, tiếng nói, tiếng cười lanh lảnh hòa giữa bạt ngàn sắc màu thổ cẩm. Ai đã từng đặt chân lên huyện miền núi Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, không thể không ghé thăm chợ phiên Cán Cấu - một trong những phiên chợ độc đáo, rực rỡ nhất trong các chợ miền núi vùng cao phía Bắc Việt Nam.

Đồng bào Mông đỏ, còn gọi là Mông hoa, chủ yếu là phụ nữ với trang phục rực rỡ, mang đến chợ đủ thứ: Váy áo, mía, mật ong, rượu, ngô, chó và cả trâu, ngựa, hợp với vải, muối, thuốc lào từ dưới xuôi lên. Từ nhiều năm nay, Cán Cấu được xem là điểm đến không thể thiếu trong tour của các du khách nước ngoài khi đến Bắc Hà. Nằm trong hệ thống chợ phiên của Lào Cai, chợ Cán Cấu chỉ họp vào ngày thứ bảy hàng tuần, từ 8g sáng tới 1g chiều.

Chợ Cán Cấu bày bán đủ mọi sản vật của vùng cao, những vật dụng cần thiết cho người dân tộc: Cày, cuốc, xẻng, dao, các loại rau, hoa quả, mật ong... Thu hút phụ nữ dân tộc và khách du lịch nhiều nhất chính là khu bán các đồ trang sức, váy, áo, vải thổ cẩm... Khách du lịch nước ngoài thường trầm trồ trước những tấm ảnh được dệt thủ công với những họa tiết sinh động, màu sắc hài hòa và đẹp mắt.

Phụ nữ đến chợ thì mua sắm giao lưu, còn đàn ông thì “được dịp” ngồi uống rượu cho tới say bên chảo thắng cố. Thắng cố không lúc nào vơi trong chảo cũng như rượu không lúc nào cạn trong bình. Rượu đặc sản của người Mông bản Phố khó quên bởi độ nặng và vị thơm rất đặc trưng. Nhiều người say rượu “ngất ngây” còn được vợ vắt ngang lên lưng ngựa mang về.

Với nhiều chàng trai, cô gái, chợ Cán Cấu còn là nơi hò hẹn rồi không hẹn mà nên duyên từ phiên chợ này. Đến chợ Cán Cấu, du khách còn được thỏa thuê khám phá văn hóa ẩm thực của người vùng cao như: Bánh tro màu đen, được làm từ tro của một loại cây chỉ có ở vùng Tây Bắc; bánh chưng, bánh rán dẻo thơm làm từ nếp nương, xôi tím được nấu từ một loại nếp nương nhuộm màu tím, thịt lợn chạy rông gác bếp, ngai ngái mùi khói, rồi món gà núi nướng, cá nướng sông Ly... Nét khác biệt của phiên chợ Cán Cấu với những phiên chợ vùng cao khác chính là chợ gia súc.

Nằm ở một khoảnh riêng dưới thung lũng, những con trâu, con ngựa, con bò đứng thong dong chờ người mua xem và định giá. Chợ gia súc Cán Cấu nổi tiếng do có rất nhiều người từ các huyện khác sang mua, thậm chí có nhiều người từ Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên... cũng lên mua rồi chở về miền xuôi.

Những người đến chợ Cán Cấu từ nhiều năm trước kể lại, các lều quán ngày xưa ở đây đều lợp mái cỏ ngả màu nâu vàng lẫn trong màu xanh của núi đồi khiến quang cảnh đẹp đến nao lòng. Chợ Cán Cấu chỉ thực sự đông từ khoảng 9g sáng, những người ở xa cũng đến, lại có thêm nhiều khách du lịch, trong đó, khách Tây đông hơn khách ta. Điều này cũng dễ hiểu vì trừ mấy người có “máu xê dịch” thích khám phá, không nhiều du khách trong nước chịu đi xa chỉ để... xem chợ.

Nói là xem chợ vì chợ Cán Cấu ít có mặt hàng có thể mua về làm quà. Có chăng người ta chỉ mua tương ớt và rượu làm thủ công. Cái thú du lịch ở chợ là quan sát sắc màu trên trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số. Đến chợ Cán Cấu để thấy vẻ đẹp hồn nhiên, chân chất, mộc mạc của đồng bào vùng cao, để “lánh xa” cuộc sống ồn ào, đầy bon chen, náo động nơi phố thị, âu cũng là thú vui của du khách vậy!

Nét văn hóa đặc biệt của những phiên chợ xuân vùng cao đã trở thành một một món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về.

Nét văn hóa đặc biệt nơi núi rừng

Chợ mỗi nơi lại có những đặc trưng riêng về con người, vùng đất đó. Bởi vậy, chợ vùng cao được gắn thêm tên là chợ văn hóa, nơi thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc. Chợ Bắc Hà có sắc màu thổ cẩm rực rỡ của người Mông, có những bát rượu ngô lóng lánh và món thắng cố thơm lừng.

Chợ Mường Hum (huyện Bát Xát) lại là trung tâm mua bán thảo quả, một loại cây dược liệu sống dưới tán rừng già giúp đồng bào trở thành triệu phú, là nơi phong phú về hàng lâm sản do người Hà Nhì, người Dao đỏ mang xuống.

Chợ Pha Long (huyện Mường Khương) nổi tiếng với lễ hội Gầu Tào trong ngày Tết, là nơi trao đổi giao lưu của cả người dân tộc thiểu số huyện Mã Quan bên Trung Quốc. Không thể không kể đến phiên chợ huyện Sa Pa, nơi được biết đến với phiên “chợ tình” nổi tiếng.

Giống như tất cả các phiên chợ vùng cao khác, chợ phiên Sa Pa họp vào ngày chủ nhật tại thị trấn huyện lỵ. Người ở bản xa phải đi từ thứ bảy. Tối hôm trước của ngày hội bao giờ cũng là tối vui nhất. Đêm thứ bảy ở Sa Pa là một đêm không ngủ. Mọi người cùng thức, chung vui với nhau bằng những khúc hát dân ca tha thiết của người Mông, người Dao; bằng tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi dìu dặt như mời gọi; bằng những bát rượu tràn men say của đất trời.

Có những hoạt động sinh hoạt văn hóa rất độc đáo diễn ra như: cảnh hát, nghi lễ diễn xướng theo hình thức hát tốp nam nữ, hát tâm tình từng đôi, tặng vòng, lấy túi kỷ niệm, phạt vì hát không đúng…Với các chàng trai thì đây còn là dịp thể hiện tài năng trước các cô sơn nữ.

Cũng từ đó mà nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng. Trong một phiên chợ tình hấp dẫn như thế, chúng tôi gặp anh Chảo Chần Phú, người Dao, khoác một chiếc túi thổ cẩm rất đẹp, vừa vượt gần 30km từ xã Bản Phùng lên thị trấn đang đứng tần ngần gần bốn cô gái. Anh bảo họ là người cùng xã đấy nhưng chưa biết cách nào để làm quen. Khi hỏi chiếc túi thổ cẩm do tự tay anh thêu này có phải để dành tặng bạn gái, Chảo Chần Phú mỉm cười bẽn lẽn.

Ở một góc khác, vợ chồng anh Giàng A Vảng ở xã Tả Phìn đang say sưa kéo đàn và thổi kèn lá trước sự cổ vũ của mọi người. Thì ra đêm chợ tình đâu chỉ dành cho các đôi lứa tìm hiểu se duyên.

Xuân về Tết đến, phiên chợ Pha Long (huyện Mường Khương) lại tưng bừng với lễ hội Gầu Tào. Lễ hội Gầu Tào (hay còn gọi là Sải Sán), có nghĩa là hội leo núi, bắt đầu từ ngày mùng 3 đến mùng 6 âm lịch. Từ 26 tháng Chạp, người ta đã dựng hai cây tre cạnh nhau ở ngay sân chợ Pha Long.

Cây to gọi là “Dền xê”, cây nhỏ gọi là “Dền xoòng”, có ý nghĩa báo cho mọi người qua lại biết rằng lễ hội sắp được mở. Đến sáng mùng 3 Tết, các thành viên trong gia đình được mặc những bộ quần áo mới đẹp nhất để đi chơi hội. Người Mông ở các vùng xung quanh, ở Bắc Hà, Sa Pa, thậm chí từ Mù Cang Chải của Yên Bái và cả bên Trung Quốc cùng đổ về Pha Long. Bắt đầu lễ hội, có một thầy cúng làm những thủ tục cúng lễ xung quanh hai cây tre được treo rượu, thịt. Sau đó, ở vòng trong là các cụ già hát những bài ca ngợi tổ tiên, ông bà cha mẹ, kể những câu chuyện cổ tích. Ở bên ngoài là thanh niên nam nữ hát đối với nhau, múa khèn, múa gậy tiền…

Người đã có gia đình thì hát cầu phúc cho nhau, chúc nhau sức khỏe, sản xuất giỏi, để có cái ăn cái mặc, gia đình hạnh phúc. Người chưa lập gia đình thì đến đây tìm bạn đời cho mình, họ hát: "Mùa xuân đến rồi - Hoa rừng đã nở - Bướm bay dập dìu - Đôi ta gặp nhau - Như đôi bướm kia - Không thể tách rời". Ai muốn múa khèn hay múa gậy, trước khi vào múa sẽ được mời một chén rượu, sau khi múa xong lại được mời một chén nữa, nếu múa bài khác thì lại tiếp tục được mời rượu. Cứ như thế, những động tác múa vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ ngả nghiêng trong men say của rượu ngô, mang hơi thở của đất trời.

Lễ hội còn sôi động bởi những trò chơi như đua ngựa, chọi chim, chơi cù, đánh cầu… Các trò khác mang tính tập thể thu hút đông đảo người chơi và người xem nhưng riêng đánh cầu thì chỉ có hai người. Quả cầu làm bằng lông gà, bàn đánh bằng gỗ. Chàng trai khi tìm được cô gái ưng ý, rủ nhau cùng chơi thì họ đánh qua lại cho nhau, vừa chơi vừa cười đùa vui vẻ. Đến chập tối, mọi người lại ngồi quây quần bên bếp lửa và ca hát suốt đêm.

Chiều mùng 6 Tết, đến giờ đã định, cuộc vui phải ngừng, ban tổ chức làm lễ hạ hai cây tre. Mọi người bịn rịn chia tay nhau, hẹn nhau về sản xuất giỏi để đến sang năm lại được gặp nhau vui vẻ. Theo phong tục, ai mang được một đoạn cây tre về nhà thì sẽ gặp nhiều may mắn.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/mua-xuan-vui-cho-vung-cao-111462.html