Mục đích Mỹ đưa số F-35B kỷ lục đến Biển Đông

Theo Stars and Stripes, tàu USS Wasp (LHD-1) mang theo số lượng kỷ lục tiêm kích F-35B được điều đến Philippines tham gia tập trận Balikatan 2019.

Đại tá Colby Howard, sĩ quan chỉ huy của tàu Wasp cho biết, việc chiếc tàu cỡ lớn mang theo F-35B đến Philippines lần này để tham gia vào cuộc tập trận Balikatan 2019 với sự tham gia của nước chủ nhà và khách mời Australia.

Các hình ảnh chụp tàu LHD-1 trong quá trình tiến vào Vịnh Subic, Philippines cho thấy, có ít nhất 10 tiêm kích tàng hình F-35B neo trên boong (thông thường chỉ có 6 chiếc), 4 máy bay cất cánh thẳng đứng MV-22 và 2 trực thăng MH-60S Seahawk.

Tàu USS Wasp mang theo 10 chiếc F-35B cập cảng Philippines.

Theo kịch bản cuộc tập trận, các lực lượng của Mỹ và Philippines sẽ tiến hành các hoạt động đổ bổ, huấn luyện bắn đạn thật, tác chiến trong môi trường đô thị, diễn tập tác chiến trên biển với các hoạt động cất - hạ cảnh của F-35B trên tàu USS Wasp.

Toàn bộ cuộc tập trận đều được tỏ chức tại Luzon và Palawan.

Kể từ khi liên minh Mỹ-Philippines được thành lập vào những năm 1950, hai nước đã duy trì hợp tác quân sự tương đối chặt chẽ. Sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ quân sự song phương từng rơi vào lạnh nhạt do việc quân đội Mỹ bị buộc phải rút khỏi căn cứ quân sự ở Philippines, nhưng sau đó đã dần ấm lên.

Bước sang thế kỷ 21, xuất phát từ nhu cầu chống khủng bố, Mỹ đã tăng cường hợp tác quân sự với Philippines. Mỹ cũng coi Philippines là điểm tựa quan trọng cho chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương".

Hai nước đã ký "Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng" vào năm 2014. Thỏa thuận này cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự của Philippines để triển khai và khởi chạy trang thiết bị vũ khí.

Đến đầu năm 2016, theo thỏa thuận, hai bên lại đạt được sự nhất trí về việc Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự ở Philippines, cho thấy quan hệ quân sự giữa hai nước được củng cố hơn.

Dù Tổng thống Duterte đã điều chỉnh chính sách của người tiền nhiệm Aquino III và nảy sinh va chạm với Mỹ làm ảnh hưởng tới quan hệ quân sự giữa hai nước nhưng tầm ảnh hưởng của Mỹ trong giới quân sự Philippines được cho là luôn vững chắc.

Và theo cam kết của Mỹ được đưa ra bởi Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi đầu tháng 3/2019, Washington sẽ giúp Manila tự vệ trước bất kỳ một "cuộc tấn công vũ trang" nào ở Biển Đông.

Ông Pompeo không ngần ngại khẳng định, Biển Đông thuộc vùng Thái Bình Dương và việc bồi đắp (phi pháp) và các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông đe dọa chủ quyền, an ninh khu vực.

Chính vì vậy Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: "Bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào lực lượng Philippines, vào máy bay hoặc tàu bè của Nhà Nước Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt các nghĩa vụ bảo vệ lẫn nhau được quy định trong Điều 4 của Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương (Mỹ-Philippines)".

Hiệp Ước này là một văn kiện được Mỹ và Philippines ký kết vào năm 1951, quy định là hai nước phải giúp đỡ lẫn nhau trong trường hợp xẩy ra "một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương".

Và động thái USS Wasp mang theo F-35B tham gia Balikatan 2019 được cho là bước Mỹ hiện thực hóa tuyên bố của mình.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/muc-dich-my-dua-so-f-35b-ky-luc-den-bien-dong-3377596/