Mức lương đóng BHXH tại đơn vị cũ là căn cứ để xếp lương mới?

Ông Dương Anh Nam (tỉnh Bến Tre) công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần. Tháng 3/2020, Giám đốc đơn vị ông ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người lao động mức lương hệ số 3,0 do lao động này có trình độ đại học, làm việc và đóng BHXH bắt buộc tại 1 đơn vị sự nghiệp công lập khác.

Khi viên chức và người lao động trong đơn vị thắc mắc về việc xếp mức lương hệ số 3,0 đối với lao động mới thì được Sở Nội vụ trả lời: Đơn vị căn cứ vào thời gian công tác, mức lương đóng BHXH tại đơn vị cũ để xếp lương là đúng quy định. Ông Nam muốn được biết quy định hiện nay về việc ký HĐLĐ trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ, khi có nhu cầu thực hiện các công việc, phù hợp với vị trí việc làm của đơn vị đơn vị sự nghiệp công lập đã được phê duyệt, thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng lao động hợp đồng là người có thẩm quyền ký HĐLĐ.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ, sửa đổi, bổ sung Mục II Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP ngày 11/4/2001 của Ban Tổ chức-Cán bộ (Nay là Bộ Nội vụ) thì, hợp đồng lao động được giao kết giữa người lao động với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật lao động; Cá nhân đang ký HĐLĐ để làm những công việc nêu tại Điều 1 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP và áp dụng bảng lương quy định tại Nghị định số204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì chuyển sang thực hiện ký HĐLĐ theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP; mức lương trong HĐLĐ mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng.

Tại Điểm b, Khoản 1 Điều 5 và Điều 15 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, người lao động có quyền hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động. HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ mỗi bên trong quan hệ lao động,

Theo đó, khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu lao động thực hiện các công việc, phù hợp với vị trí việc làm của đơn vị, thì người đứng đầu đơn vị có thẩm quyền ký HĐLĐ với người lao động.

Do trước khi ký HĐLĐ với đơn vị sự nghiệp công lập mới, người lao động đã có thời gian công tác, đóng BHXH với mức lương bậc 3/9 hệ số 3,0 (Bảng lương số 3, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) ở đơn vị sự nghiệp công lập cũ. Vì vây, căn cứ vào Văn bản chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc HĐLĐ với đơn vị sự nghiệp cũ; căn cứ vào năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng BHXH; căn cứ sự thỏa thuận của người lao động và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, hai bên đã ký kết HĐLĐ, thực hiện chế độ tiền lương phù hợp, với mức lương không thấp hơn mức lương đã hưởng là đúng quy định.

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Theo Báo Chính phủ

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tu-van-phap-luat/muc-luong-dong-bhxh-tai-don-vi-cu-la-can-cu-de-xep-luong-moi/20200620123408242