Mực nước nhiều hồ chứa ở Trung Bộ, Tây Nguyên giảm mạnh

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 50 đến 60%, các sông ở Nghệ An thấp hơn từ 85 đến 90%, các sông ở Hà Tĩnh thấp hơn từ 40 đến 50%. Ðến ngày 20-6, phần lớn các hồ khu vực Bắc Trung Bộ đạt trung bình 50 đến 65% dung tích thiết kế (DTTK), một số hồ ở Thanh Hóa, Nghệ An chỉ đạt 10 đến 30% DTTK.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 50 đến 60%, các sông ở Nghệ An thấp hơn từ 85 đến 90%, các sông ở Hà Tĩnh thấp hơn từ 40 đến 50%. Ðến ngày 20-6, phần lớn các hồ khu vực Bắc Trung Bộ đạt trung bình 50 đến 65% dung tích thiết kế (DTTK), một số hồ ở Thanh Hóa, Nghệ An chỉ đạt 10 đến 30% DTTK.

Mực nước hồ Hủa Na thấp hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT) khoảng 24,6 m; hồ Cửa Ðạt thấp hơn khoảng 30,33 m; hồ Bản Vẽ thấp hơn 38,95 m. Tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, dung tích các hồ chứa đạt từ 34 đến 43% DTTK; từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam đạt từ 54 đến 70%. Mực nước các hồ thủy điện trong khu vực thấp hơn MNDBT từ 8,1 đến 18,2 m; riêng hồ Sông Tranh 2 thấp hơn 33,8 m. Còn tại Tây Nguyên, mực nước một số hồ ở: Gia Lai, Ðác Lác, Lâm Ðồng thấp hơn rất nhiều DTTK như hồ Ea Soup Thượng, Eakao, Ðăk Lô, Ðạ Hàm, Phước Trung, Ma Ðanh. Mực nước các hồ thủy điện thấp hơn MNDBT từ 1 đến 5 m, đặc biệt một số hồ thấp hơn nhiều như: Pleikrông (thấp hơn 23,96 m), Ialy (thấp hơn 20,98 m), Buôn TuaSrah (thấp hơn 22,62 m).

* Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, hôm nay (21-6), các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến ở mức 35 đến 37oC, có nơi trên 38 độ; riêng các tỉnh bắc và trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 đến 40 oC, có nơi trên 40oC. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1-2.

* Hiện, huyện Ðô Lương (Nghệ An) có 560 ha lúa hè thu của 13 xã bị ảnh hưởng nặng do hạn hán. Trong khi đó, trữ lượng nước tại các hồ đập đến ngày 18-6 hầu như đã khô cạn. 43 trên tổng số 79 hồ đập còn dưới 30% trữ lượng nước, 23 đập đã bị khô hẳn...

* Tính đến nay, tại TP Hà Nội đã có 17 xã, phường thuộc 10 quận, huyện có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Ngành nông nghiệp thành phố yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch.

* Trước diễn biến ngày càng phức tạp của DTLCP, tỉnh Hà Tĩnh đã lập 139 chốt để kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn vào địa bàn; xử lý các đối tượng vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc; phun tiêu độc, khử trùng đối với các phương tiện vận chuyển...

* Ðến chiều 20-6, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 58 hộ nuôi lợn, trên 29 ấp của 18 xã thuộc sáu huyện, thành phố (Sóc Trăng) với số lợn tiêu hủy 1.151 con, trọng lượng 77.860 kg. Lực lượng chức năng đã sử dụng 260 lít hóa chất và gần 5 tấn vôi bội để tiêu trùng vùng nuôi lợn xảy ra dịch.

* Tỉnh Ðác Lắc vừa công bố hết dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc trên địa bàn. Dịch đã xảy ra tại 175 hộ thuộc 92 thôn, buôn, 36 xã, phường của 10 huyện, thị xã, thành phố với số lượng 2.697 con lợn. Hiện, các địa phương có dịch LMLM đã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới.

* Tại TP Cần Thơ vừa xảy ra hai vụ sạt lở khiến một căn nhà bị sụp xuống sông và một trụ điện trung thế bị đe dọa. Ðiểm sạt lở thứ nhất tại ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh có chiều dài 11 m, ăn sâu vào bờ 3 m; điểm thứ hai tại khu An Phú, phường Phú Thứ, quận Cái Răng với chiều dài khoảng 10 m, sâu vào bờ 6 m.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40604602-muc-nuoc-nhieu-ho-chua-o-trung-bo-tay-nguyen-giam-manh.html