Mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn đang xuống

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày 30/10, mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn đang xuống.

Ảnh minh họa (Nguồn: dantri.com.vn)

Mực nước cao nhất ngày 29/10, trên sông Tiền tại Tân Châu 2,44m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,44m, tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn ở mức báo động 1 - báo động 2. Dự báo, mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn xuống dần.

Đến ngày 01/11, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 2,40m; tại Châu Đốc xuống mức 2,30m, mực nước tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn xuống mức báo động 1 - báo động 2.

Về tình hình bão gần biển đông (bão Yutu), hồi 01 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 123,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 16. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 320km tính từ vùng tâm bão; phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 120km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 01 giờ ngày 31/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 118,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,5 độ Kinh Đông.

Về tình hình hồ chứa thủy điện, hồ chứa lưu vực sông Hồng vận hành theo quy trình (hiện hồ Tuyên Quang đang mở một cửa xả sâu). Ngoài ra, trong 159 hồ cập nhật thông tin vận hành, có 02 hồ xả điều tiết qua tràn, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực trên cả nước dao động nhẹ, các hồ vận hành bình thường. Về hồ chứa thủy lợi, Tây Nguyên có 20/121 hồ lớn và 600/1.009 hồ nhỏ tích đầy nước. Có 03 hồ có cửa van vận hành xả điều tiết tại tỉnh Đắk Lắk: Ea Soup Thượng: 12 m3/s, Krông Buk Hạ 14m3/s, Buôn Yông 5m3/s.

Để ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn đã có Công điện số 54/CĐ-TW hồi 17h00 ngày 29/10/2018 gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai ứng phó với bão gần biển Đông. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đã có công điện chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc triển khai các biện pháp chủ động phòng tránh bão. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo Biên phòng tuyến biển tổ chức triển khai kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển di chuyển tránh trú bão.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, lũ Đồng bằng sông Cửu Long. Chuyển các bản tin tới Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để chủ động các biện pháp ứng phó.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh, trong đó các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Bình Định đã có công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị ứng phó với bão gần biển Đông.

Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để chủ động phòng tránh.

Tổng cục Thủy sản đảm bảo việc kết nối trực tuyến các phần mềm giám sát tàu cá về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu./.

Đặng Hiếu

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/thoi-su/muc-nuoc-song-cuu-long-song-sai-gon-dang-xuong-503227.html