'Mục sở thị' bên trong xí nghiệp đóng tàu 67... hỏng cho ngư dân

Trước sự cố hàng loạt tàu 67 của ngư dân Bình Định bị hư hỏng phải nằm bờ nhưng trách nhiệm thuộc về ai vẫn chưa được làm rõ. Phóng viên Dân Việt đã “mục sở thị” xí nghiệp đóng tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu tại Hải Phòng.

Xí nghiệp đóng tàu công ty TNHH MTV Nam Triệu tiền thân là xưởng sửa chữa tàu xuồng được thành lập từ năm 1982 đến ngày 9.3.2006 xí nghiệp đóng tàu chính thức thành lập (trụ sở tại TP Hải Phòng). Hiện Công ty Nam Triệu trực thuộc Tổng cục Hậu cần- Kỹ thuật, Bộ Công an. Ảnh: D.T

Lúc chúng tôi đến, công nhân đang khẩn trương lắp ráp và hàn tôn vỏ tàu hậu cần nghề cá Nghị định 67 theo hợp đồng với ngư dân Nguyễn Văn Cư (tỉnh Quảng Ngãi) để kịp hạ thủy vào cuối tháng 6.2017. Ảnh: D.T

Theo ông Nguyễn Hoàng Tân- Giám đốc xí nghiệp đóng tàu, thời gian qua việc thực hiện đóng tàu đều theo quy định hợp đồng và có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên. Sau khi chủ tàu đến đặt đơn đặt hàng tại công ty, 2 bên sẽ ký kết hợp đồng thỏa thuận đơn giá tàu. Trên các hồ sơ thiết kế được duyệt, công nhân sẽ triển khai triển khai vật liệu, thiết bị bóc tách chi tiết…. Ảnh: D.T

Khi có bản vẽ thiết kế con tàu, đơn vị sẽ cho kỹ thuật triển khai công nghệ đưa ra các chi tiết con tàu. Công nhân bắt đầu thi công lắp ráp cụm chi tiết và tiến hành đấu đà. Khi hoàn thiện xong phần thân vỏ tàu, tiếp tục thi công các hệ thống đường ống, điện, lắp đặt máy, động lực… trong tàu”- ông Tân nói. Ảnh: D.T

Ông Tân cho hay: “Khi con tàu hoàn thành, chúng tôi sẽ hạ thủy tàu xuống nước và kết hợp chủ tàu để lắp ráp nội thất trang thiết bị phục vụ nghề theo yêu cầu của chủ tàu”. Ảnh: D.T

Theo ông Tân, tất cả các bước công nghệ đều có sự dám sát chặt chẽ giữa các bên đăng kiểm, chủ tàu và cơ quan liên quan. Tuy nhiên, trong 20 con tàu đóng cho ngư dân Bình Định thì đã có khoảng 10 tàu gặp sự cố hư hỏng (chiếm 50%- PV). Ảnh: D.T

“Về máy, công ty nhập 2 loại máy chính hãng của Mitsubishi (Nhật Bản) và Doosan (Hàn Quốc). Sau khi nhập máy về, công ty mời cơ quan đăng kiểm, chủ tàu để kiểm tra 3 bên và thuê 1 đơn vị giám sát độc lập để kiểm định chất lượng máy. Trên các giấy tờ hãng máy cung cấp, chứng thư giám định, đăng kiểm kiểm tra thực tế. Sau đó, nếu đủ tiêu chuẩn thì chủ tàu, đăng kiểm đồng ý cho công ty lắp máy vào tàu”- ông Tân khẳng định. Ảnh: D.T

Thép đóng tàu tại xí nghiệp đóng tàu (Công ty TNHH MTV Nam Triệu) được nhập chính từ Hàn Quốc và 1 số từ Nhật Bản. Ảnh: D.T

Theo lý giải của lãnh đạo xí nghiệp, khi nhập thép cơ quan cung cấp nhập khẩu thép sẽ cung cấp đầy đủ các chứng chỉ, xuất xứ và chất lượng từng tờ tôn (thép). Cơ quan đăng kiểm của Việt Nam sẽ kiểm tra và đủ tiêu chuẩn thì đồng ý, lúc đó xí nghiệp mới triển khai thi công. Ảnh: D.T

Xí nghiệp dùng loại sơn Sigma (Mỹ) đảm bảo chất lượng trong việc đóng tàu. Sau khi vệ sinh bề mặt tôn, công nhân sẽ tiến hành sơn 2 lớp chống gỉ, 1 lớp trung gian và 2 lớp chống hà (5 lớp sơn). Ảnh: D.T

Ông Tân cho biết: “Chúng tôi thực hiện theo đúng hợp đồng và đảm bảo về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, sự cố hư hỏng tàu tại Bình Định thì nhiều vấn đề cần xem lại. Hiện nay, chuyên gia hãng máy vẫn đang kiểm tra khắc phục nhưng vẫn chưa xác định nguyên nhân chính thức”. Ảnh: D.T

Khắc phục chậm, do hãng máy!

Theo công ty TNHH MTV Nam Triệu, thực hiện NĐ 67/CP công ty này đã đóng mới và đưa vào sử dụng 23 tàu cá cho ngư dân. Trong đó, tại Bình Định có 20 tàu (tuy nhiên có 4 tàu bị hỏng lớn về máy, hộp số, máy phát điện).

Đến nay, công ty đã tập trung sửa chữa xong sự cố, riêng tàu của ngư dân Trần Đình Sơn dự kiến trung tuần tháng 6 sẽ hoàn thành để ngư dân vươn khơi.

Ông Trần Văn Nguyện- Chánh văn phòng công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết: “Ngay sau khi nhận thông tin tàu ngư dân gặp sự cố về máy, công ty cùng hãng máy đến hiện trường, kiểm tra xác định nguyên nhân ban đầu và tiến hành xử lý xong các sự cố nhỏ. Các sự cố hỏng hóc lớn thì hãng máy sẽ kiểm tra và có thiết bị phụ tùng thay thế. Tuy nhiên, thiết bị này không có sẵn trên thị trường phải đặt từ nước ngoài về nên thời gian qua hãng máy đã thực hiện chậm so với tiến độ mà công ty và ngư dân yêu cầu”.

Theo ông Nguyện, trước sự cố tàu hư hỏng công ty cùng hãng máy đã ủng hộ cho ngư dân từ 50-200 triệu/ tàu để chia sẻ với bà con vì phải nằm bờ.

“Được biết, tỉnh Bình Định có trên 60 tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 nhưng chưa có cơ sở sửa chữa tàu vỏ thép. Vì vậy, tháng 5.2017 công ty đã có văn bản báo báo UBND tỉnh Bình Định quan tâm tạo điều kiện cho công ty thuê 5.000 m2 đất tại cảng cái Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) để xây dựng cơ sở bảo dưỡng sửa chữa tàu. Dự án này góp phần bảo dưỡng cho bà con ngư dân được tốt hơn và đóng góp xây dựng sự phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi sẽ giúp đỡ hết mình cho ngư dân, kể cả hết thời gian bảo hành”- ông Nguyện nói.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/muc-so-thi-ben-trong-xi-nghiep-dong-tau-67-hong-cho-ngu-dan-775598.html