Mục sở thị dệt thổ cẩm truyền thống đồng bào Mông bản Cát Cát

Đến với bản Cát Cát, thị xã Sa Pa, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những phụ nữ dân tộc Mông mải miết se lanh, vẽ, thêu, dệt thổ cẩm truyền thống.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở bản Cát Cát, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai được phụ nữ dân tộc Mông duy trì lưu truyền bao đời nay thông qua tục lệ bà/mẹ truyền cho con/cháu. Dệt thổ cẩm đã thẩm thấu vào đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Mông nơi đây.

Du khách mục sở thị nhiều công đoạn của dệt thổ cẩm

Du khách mục sở thị nhiều công đoạn của dệt thổ cẩm

Có dịp đến với bản Cát Cát du khách ngoài việc tận hưởng không khí mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp còn được chiêng ngưỡng những phụ nữ dân tộc Mông say sưa tách, nối, se lanh, vẽ, thêu… dệt thổ cẩm bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Việc nối sợi đòi hỏi sự khéo léo, bền bỉ, kỹ thuật chính xác

Để làm ra những tấm vải thổ cẩm truyền thống, những phụ nữ dân tộc Mông phải trải qua rất nhiều công đoạn công phu và cầu kỳ. Trong đó, nguyên liệu chính làm ra vải là sợi cây lanh, cây gai khi dệt thành vải có độ bền cao. Lanh được phơi khô trước khi được đồng bào Mông mang về tước vỏ. Khi tước họ phải giữ cho sợi lanh không bị đứt đoạn, hạn chế ít nhất các mối nối. Đồng thời phải tước vỏ lanh cùng một cỡ, trình tự hợp lý để nối vỏ lanh là nối ngọn với ngọn, gốc với gốc. Hai đầu đoạn vỏ lanh quấn xoắn vào nhau, se dọc theo chiều dài của vỏ.

Nét đẹp phụ nữ Mông với công đoạn se và thu sợi

Nối được bao nhiêu họ lại quấn vào lòng bàn tay tạo thành cuộn. Việc nối sợi đòi hỏi sự khéo léo, bền bỉ, kỹ thuật chính xác của người làm, nâng đến tầm nghệ thuật chế tác. Khi công đoạn nối và se sợi bằng tay xong, phụ nữ Mông sẽ lắp sợi vào guồng se tiếp trước khi cho vào guồng thu sợi. Từ đây, sợi lanh đã trở nên mịn, mềm để chuẩn bị bước vào công đoạn dệt thổ cẩm.

Khung dệt thô sơ nhưng qua bàn tay khéo léo của phụ nữ Mông đã dệt nên những sản phẩm thổ cẩm độc đáo

Trong bản Cát Cát đa số các gia đình người Mông đều có khung dệt thổ cẩm. Khung dệt của người Mông tuy đơn sơ nhưng bao đời nay đã dệt nên bao tấm vải mịn màng bền đẹp. Những tấm vải tuy chất phác mộc mạc nhưng chứa đựng sự tỉ mỉ, đều đặn thuần thục của người phụ nữ Mông.

Những tấm vải được nhuộm và mang đi giặt

Vải sau khi dệt xong được đồng bào Mông nhuộm chàm và được thêu hoa văn. Kỹ thuật tạo hoa văn của người Mông cũng rất độc đáo. Đặc biệt để tạo hoa văn trang trí trên thổ cẩm, họ đun nóng sáp ong rừng rồi dùng bút nhúng sáp nóng chảy vẽ trực tiếp lên vải. Phần dính sáp khi nhuộm sẽ không bám mầu tạo ra độ đậm nhạt trên sản phẩm. Cứ thế tùy theo nhu cầu sử dụng, những người phụ nữ Mông sẽ thực hiện công việc này nhiều lần để tạo nên hoa văn với đường nét, họa tiết cách điệu khác nhau trên tấm vải thổ cẩm.

Vẽ sáp ong tạo hoa văn trên vải

Họa tiết hoa văn thêu tay của người Mông bản Cát Cát rất hài hòa khéo léo với những hình thêu hoa cỏ, lá cây và muông thú. Thêu bằng tay và làm thủ công nên nét thêu không đều, nhưng chính vì thế mà tạo nên sự khác biệt của từng sản phẩm. Mỗi hoa văn trên tấm thổ cẩm đều mang ý nghĩa riêng phản ánh tập tục sinh hoạt và đời sống tinh thần của đồng bào.

Hoa văn trên tấm thổ cẩm phản ánh đời sống tinh thần của đồng bào

Nhờ sự độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của các sản phẩm dệt thổ cẩm mà ngày càng nhiều du khách thập phương biết đến mảnh đất và con người bản Cát Cát. Ngoài các bộ trang phục truyền thống, những phụ nữ bản Cát Cát cũng rất nhanh nhạy để sản xuất ra các sản phẩm con giống, các phụ kiện như túi, ví, khăn, ba lô…để đáp ứng nhu cầu mua sắm các sản phẩm lưu niệm của khách du lịch.

Nhiều đồ dùng, sản phẩm lưu niệm được làm từ thổ cẩm

Dệt thổ cẩm không chỉ tạo công ăn việc làm và thu nhập cho một bộ phận không nhỏ phụ nữ người Mông ở bản Cát Cát, mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông. Mỗi sản phẩm dệt thổ cẩm đều đậm sâu cả hình ảnh, phẩm chất cần cù, chịu khó mang theo ước mơ, sức sáng tạo của người phụ nữ Mông bản Cát Cát, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/muc-so-thi-det-tho-cam-truyen-thong-dong-bao-mong-ban-cat-cat-253399.html