Mục sở thị ngôi trường mà vợ Xuân Bắc phản ánh sinh viên phải 'lót dép ngồi'

Đúng như chị Nguyễn Hồng Nhung- vợ Xuân Bắc chia sẻ, chuyện lớp học ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội xuống cấp là có cơ sở.

Theo thông tin được chị Nguyễn Hồng Nhung - giảng viên Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội chia sẻ trong đoạn livestream thì điều khiến chị bị dồn nén mấy tháng nay không chỉ là chuyện bức xúc cá nhân, khi bị gạt ra khỏi Hội đồng chấm thi, mà cao hơn là chuyện “cơ sở vật chất của trường hiện đang xuống cấp ở mức không thể cứu vãn được nữa”.

“Người ta có thể đấu tranh vì cái ghế địa vị, còn tôi đấu tranh để có được ghế ngồi cho chính bản thân mình và các em sinh viên”- chị Nhung nói. Chị cũng thấy không đành lòng khi chứng kiến chuyện các em đóng tiền học mà phải học trong môi trường “có cơ sở vật chất tệ như vậy”.

Trước thực tế này, Khoa sân khấu của chị Nhung từng có văn bản yêu cầu nhà trường quan tâm đến vấn đề cơ sở vật chất nhưng theo chị, đề nghị này đã không được quan tâm. Chính vì vậy mà chị mới buộc lòng phải chọn cách giải quyết riêng của bản thân, là chia sẻ trên mạng xã hội.

Sáng 13/9, PV Báo Gia đình & Xã hội đã đến trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội để xác thực vấn đề chị Nhung phản ánh.

Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội

Theo quan sát của phóng viên tại một lớp học tầng 1, trần nhà của lớp bị bong tróc, để lộ thành từng mảng lớn rất mất mỹ quan. Với tình trạng xuống cấp này, lớp học rất dễ gây ra những sự cố cho học sinh bất cứ lúc nào.

Ở một lớp học khác còn thê thảm hơn. Dọc lối đi vào lớp là ngổn ngang các vật dụng từ điều hòa, tủ lạnh, bàn ghế cũ, kéo hàng… chất đầy hàng lang, choán hết lối đi vào lớp.

Khi chúng tôi lên khoa sân khấu để tìm hiểu có đủ ghế ngồi cho học sinh hay không thì bị bảo vệ của trường ngăn lại và yêu cầu không chụp ảnh. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, bên dưới cầu thang, lối lên khoa sân khấu đúng là một kho bãi phế thải, chứa các vật dụng bỏ đi và bàn ghế cũ, nơi chị Nhung đã có lúc phải lấy tạm bàn ghế cho học sinh ngồi học vì phòng học không có ghế.

Hỏi một sinh viên vừa nhập học tại trường cho biết, học phí ở đây là 5.000.000 đồng/kỳ, chưa kể các khoản đóng góp đầu năm khác.

Sân để xe của trường cũng là điều khiến bảo vệ và học sinh ở đây than phiền khá nhiều vì quá chật chội và đã ở mức quá tải. Có những ngày không đủ chỗ, học sinh phải gửi ở bên ngoài- bảo vệ ở trường cho biết. Trong khi đó, theo khảo sát của chúng tôi, khu Nhà hát Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội dành một nửa diện tích mặt tiền để cho thuê kinh doanh. Có khoảng 3 thương hiệu được bày bán tại đây.

Trong sáng hôm nay, Ban lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã có cuộc họp về những vấn đề mà giảng viên Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ và cung cấp cho báo chí. Cuộc họp diễn ra từ sáng và kéo dài đến tận chiều. Lãnh đạo nhà trường cho biết, sẽ sớm gửi thông tin đến báo chí về kết quả của cuộc làm việc này.

Một số hình ảnh do PV Báo Gia đình & Xã hội ghi nhận:

Những chiếc ghế được chị Nhung chia sẻ là phải gom từ bãi phế thải để cho học sinh ngồi học

Nhà nhà bị thủng thành từng mảng lớn, tường nhà cũng trong tình trạng bong tróc...

Lối đi vào lớp ngổn ngang các vật dụng

Một góc Nhà hát Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội được dùng để kinh doanh

Nhóm PV

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/muc-so-thi-ngoi-truong-ma-vo-xuan-bac-phan-anh-sinh-vien-phai-lot-dep-ngoi-20170913140145862.htm