Mục sở thị nhà tù Lao Bảo nổi tiếng tàn khốc một thời

Di tích nhà tù Lao Bảo được biết đến là một trong 5 nhà tù lớn nhất Đông Dương, nổi tiếng tàn khốc, nơi giam cầm những chiến sĩ cách mạng kiên trung...

Di tích lịch sử cấp quốc gia nhà tù Lao Bảo nằm ở Thị trấn Lao Bảo huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1908. Nơi đây có địa thế vô cùng hiểm trở, biệt lập nhằm để giam cầm những chiến sĩ cách mạng thời bấy giờ.

Hơn 1 thế kỷ đã qua, di tích nhà tù Lao Bảo đã bị chiến tranh, thời gian tàn phá nhiều, chỉ còn lưu giữ một số hạng mục. Nhưng những bức phù điêu nói về sự tàn khốc của nhà tù này, tinh thần bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng vẫn sừng sững hiên ngang.

Theo lời chia sẻ của cán bộ quản lý di tích, nơi đây là vùng rừng núi hoang vu, khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nhưng Lao Bảo có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Dưới thời phong kiến, Lao Bảo là đồn trấn ải biên thùy của nhà Nguyễn dùng để trấn giữ một phần phên dậu phía Tây của Tổ quốc, vừa dùng làm nơi lưu đày các tội đồ có án phạt nặng.

Đến khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, cùng với việc khai thác thuộc địa, trấn áp các cuộc khởi nghĩa, các phong trào cách mạng, chúng đã cho xây dựng một loạt nhà tù ở nhiều nơi để giam giữ những người yêu nước và các chiến sĩ Cộng sản. Lúc mới lập, nhà tù Lao Bảo chỉ có hai dãy nhà giam gọi là lao A và lao B, mỗi dãy nhà dài 15m, rộng 5m, cao 2m có thể giam giữ được 60 tù nhân.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhiều phong trào cách mạng nổ ra khắp miền Trung, thực dân Pháp tăng cường săn lùng, bắt bớ đàn áp cách mạng. Để phục vụ cho việc giam giữ tù nhân là đảng viên Đảng Cộng sản, cuối năm 1934, chúng cho xây dựng thêm hệ thống nhà lao kiên cố bằng bê tông, cốt thép là lao C, D, hầm E; Mỗi nhà lao dài 30m, rộng 6m. giam giữ được khoảng 180 tù nhân. Và Khu biệt giam có 13 buồng, mỗi buồng rộng 1m, cao 2,14m.. Toàn bộ các công trình được bao quanh bởi hệ thống tường thành kiên cố cao 3,5m và nhiều lô cốt bảo vệ ở các góc thành và các vị trí quan trọng.

Qua thời gian khu biệt giam này đã bị xuống cấp, để bảo vệ khỏi đổ sập buộc phải dùng các trụ sắt chống, bảo vệ. Thời đó nhà tù Lao Bảo là một trong 5 nhà tù lớn nhất Đông Dương, đã giam cầm các nhà yêu nước, chiến sĩ cộng sản của vùng Trung Bộ. Với khí hậu khắc nghiệt, nạn muỗi rừng, lũ quét cùng với chế độ nhà tù hà khắc như: tra tấn dã man, lao dịch nặng nề; ăn uống tồi tệ, đau ốm không có thuốc men đã hành hạ thể xác con người đến chết dần, chết mòn…, nhà tù Lao Bảo trở thành địa ngục trần gian đối với tù nhân.

Trong chiến tranh Đông Dương, nhà tù Lao Bảo được thực dân Pháp dùng để giam cầm những người bản xứ chống lại họ, những người cộng sản như: Lê Thế Tiết, Trần Hữu Dục, Trần Hoành, Lê Thế Hiếu, Trần Ngang, Đoàn Lân, Trần Công Ái, nhà thơ Tố Hữu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những người bạn nước Lào cùng chí hướng.

Cùng với chế độ giam cầm vô cùng tàn bạo của thực dân Pháp, nhiều cai ngục đã hành hạ thể xác các tù nhân nơi đây đến mức tàn phế. Khi mới vào nhà tù, việc đầu tiên của tù nhân là bị đưa vào lò rèn, đóng gông, xiềng, cạo đầu. Nhiều trường hợp dao cùn quá, cạo rách cả da đầu, chảy máu. Sau đó đưa xuống casô, cùm lại. Chế độ gông cùm ở đây cũng khác nhiều nơi. Mỗi người tù đều phải mang gông và xiềng sắt ở cổ, hai vòng sắt ở hai chân, có dây xích sắt ngoặc vào ba còng sắt ấy. Tù nhân chỉ có thể ngồi, nằm, hoặc đứng khom lưng, không thể đứng thẳng.

Nhà tù Lao Bảo chỉ còn một bức tường sót lại được xây dựng kiên cố, lưới thép bảo vệ nghiêm. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ khi lập nhà tù Lao Bảo cho đến tháng 3/1945, đã có hàng ngàn tù nhân bị thực dân Pháp giam giữ tại đây, trong đó có trên 350 là tù nhân chính trị bị lưu đày, nhiều đảng viên Cộng sản đã chết vì không chịu nổi những đòn tra tấn.

Về với đất thép Quảng Trị trong số vô vàn di tích lịch sử mà du khách có thể ghé thăm, thì nhà tù Lao Bảo sẽ thêm một địa chỉ đỏ. Về đây để chúng ta cảm nhận rõ được sự tàn bạo một thời của thực dân Pháp và tinh thần bất khuất, quật cường của những người chiến sĩ cách mạng đấu tranh vì tự do, độc lập của dân tộc.

Mời độc giả xem thêm video Những tượng đá gây tranh cãi trong di tích lịch sử quốc gia (Nguồn: VTV24)

Hoàng Lý

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/muc-so-thi-nha-tu-lao-bao-noi-tieng-tan-khoc-mot-thoi-1809986.html