Mục sở thị quá trình làm bánh trôi ngày Tết Hàn thực của một gia đình Hà Thành

Từ khi lập gia đình đến nay, năm nào vào dịp Tết Hàn Thực, chị Minh Tuyết (Hà Nội) cũng làm bánh trôi bánh chay để cúng ông bà tổ tiên.

Chị Minh Tuyết cho biết, giờ làm bánh trôi bánh chay dễ lắm, cứ ra chợ mua bột nếp làm sẵn về, rồi nhân đường, vừng rang, ngay cả nhâ bánh chay đậu xanh cũng được xào ngào đường trộn sẵn... rồi viên lại luộc chín là xong. Cả gia đình xúm vào mỗi người một tay nặn bánh, cái to cái nhỏ, chê nhau nặn tròn hay méo... ngẫm lại cũng vui.

Tuy nhiên gia đình Minh Tuyết có truyền thống tự chuẩn bị bột lấy. Nhà chị gốc ở ngoại thành, bà ngoại chị trước có cái cối đá chuyên để xay bột nước. Mỗi năm Tết Hàn thực, bà lại xay nhiều bột rồi chia cho con cháu làm bánh trôi bánh chay. Giờ bà chị đã mất, mẹ chị lại tiếp tục xay bột nước chia cho các con.

Gia đình chị Minh Tuyết vẫn giữ truyền thống tự xay bột nước làm bánh trôi bánh chay.

Gia đình chị Minh Tuyết vẫn giữ truyền thống tự xay bột nước làm bánh trôi bánh chay.

Chị cho biết, để xay bột nước cho ngon, gạo nếp cần ngâm ít nhất là 1 giờ cho mềm. Sau khi xay xong để bột vào túi vải dày, đè vật nặng lên trên cho bột ra bớt nước. Phần bột ẩm còn lại mới được mang đi làm bánh.

Bột nhà chị làm lấy rất vừa, không quá khô hay nhão, bột mới thơm mùi gạo nếp. Chứ bột mua ngoài hàng, họ để lâu có mùi hơi chua, lại bị bay hơi nước nên khô. Mua về phải thêm chút nước thì khi nặn bánh mới dễ dàng được. Nhiều người cho quá tay nước, bột nhão làm bánh bị "chảy" (quá mềm) ăn không ngon. Chưa kể có đôi khi để giảm chi phí, họ còn trộn thêm bột khác nữa.

Cả nhà cùng nhau nặn bánh trôi, bánh chay là thú vui trong ngày Tết Hàn Thực.

Giờ làm bánh, nhất là bánh trôi, người ta thích cho thêm nhiều màu vào để làm tam sắc, ngũ sắc để trông cho đẹp mắt, chụp ảnh sống ảo đăng lên facebook khoe với bạn bè. Tuy nhiên, nhiều loại nước rau quả để trộn vào bột khiến hương gạo nếp bị nhạt đi.

"Gia đình tôi vẫn trung thành với cách làm bánh trôi chay truyền thống. Tuy nhiên các con tôi thích làm bánh trôi màu sắc để chụp khoe với bạn bè thì cũng chiều. Cốt sao cho chúng vui và có nhiều kỉ niệm để nhớ về ngày Tết Hàn thực của dân tộc mình", chị Minh Tuyết chia sẻ.

Luộc bánh trôi cũng cần có kỹ thuật để bánh ăn được ngon hơn.

Theo chị Minh Tuyết, bánh trôi bánh chay làm tuy đơn giản nhưng khi luộc bánh nếu không chú ý, để quá lâu bánh sẽ mềm nát, trông không đẹp. Khi luộc bánh cũng cần khống chế nhiệt vừa phải, đảm bảo nước sôi vừa tới, không quá to, bánh nổi lên là vớt ngay ra nhúng nước lạnh cho đỡ dính để sắp đĩa cho đẹp.

Sản phẩm sáng tạo của con gái chị Minh Tuyết trông rất đáng yêu.

Bánh trôi ngũ sắc có bề ngoài trông rất bắt mắt.

Hiện cuộc sống ngày càng khá giả hơn, nhiều món bánh kẹo truyền thống không còn được ưa thích do quá ngọt, nhiều đường. Tuy nhiên, món bánh trôi, bánh chay lại vẫn được hoan nghênh do mọi người có thể gia giảm độ ngọt tùy theo ý thích.

Ngay cả cách thưởng thức bánh cũng tùy theo từng người. Có người thích ăn bánh mới luộc, nhân đường còn cứng, vừa ăn vừa nhai. Lại cũng có người thích ăn bánh luộc lâu rồi, vỏ bánh hơi se, nhân đường tan thành nước ngậm trong miệng mới thú.

Chị Minh Tuyết cho biết, chị sẽ vẫn luôn giữ gìn truyền thống làm bánh trôi bánh chay vào ngày Tết Hàn Thực của gia đình chứ không mua sẵn, để các con chị có thể truyền tiếp nét văn hóa này thế hệ con cháu sau này nữa.

Minh Khôi

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/gia-dinh-tinh-yeu/muc-so-thi-qua-trinh-lam-banh-troi-ngay-tet-han-thuc-cua-mot-ba-me-ha-thanh-a316926.html