'Mục tiêu của Nghị quyết T.Ư 6 là tạo động lực mới để mọi người cùng có cơ hội phấn đấu, cống hiến'

'Tinh thần cơ bản của Nghị quyết T.Ư 6 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức hệ thống chính trị không phải là việc bỏ cái này, cắt cái kia mà với mục tiêu là giảm sự trùng lặp, sự chồng chéo và tạo động lực mới cho phát triển, để bộ máy vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn, để mọi người cùng có cơ hội để phấn đấu, cống hiến…'

Đó là quan điểm ông Lê Viết Chữ - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi trong cuộc trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận xung quanh vấn đề “Hội Nhà báo địa phương và câu chuyện thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII”.

+ Thưa ông, Quảng Ngãi hiện là một trong những địa phương có đời sống báo chí diễn ra khá sôi động, liên tiếp có tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia. Trong những thành tựu phát triển của tỉnh Quảng Ngãi hôm nay, ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của báo chí và những người làm báo Quảng Ngãi?

- Ông Lê Viết Chữ: Trong suy nghĩ của chúng tôi, báo chí cách mạng ở nước ta nói chung và báo chí Quảng Ngãi nói riêng chính là động lực cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt là vai trò của báo chí đối với việc làm tốt chức năng giáo dục, định hướng xã hội, tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách, những giải pháp của địa phương trong việc xây dựng Nhà nước, xây dựng chính quyền... Bên cạnh đó, báo chí cũng là kênh rất quan trọng để phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và suy nghĩ, ý kiến của tất cả các tầng lớp nhân dân muốn gửi gắm mà chưa chắc những người lãnh đạo có đủ thời gian hiểu được, thâm nhập được. Vì vậy, có thể nói, những thành tựu mà Quảng Ngãi đạt được hôm nay có sự đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí và những người làm báo của cả T.Ư và địa phương.

Ông Lê Viết Chữ - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.

+ Ông đánh giá như thế nào về vai trò và đóng góp quan trọng của Hội Nhà báo Quảng Ngãi - ngôi nhà chung của những người làm báo tỉnh nhà, trong dòng chảy sôi động và thành tựu của báo chí Quảng Ngãi đạt được thời gian qua?

- Ông Lê Viết Chữ: Hội Nhà báo là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đã được công nhận trong nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt đã được Luật hóa trong Luật Báo chí 2016. Bên cạnh đó, Hội Nhà báo còn có vai trò đặc biệt khác với các tổ chức chính trị - xã hội khác bởi báo chí, các cơ quan báo chí và các nhà báo là công cụ quan trọng của Nhà nước, để kết nối Nhà nước, lãnh đạo Nhà nước đối với quần chúng nhân dân, do vậy vai trò của tổ chức này là vô cùng quan trọng.

Hội Nhà báo Quảng Ngãi qua các thế hệ, thời kỳ đã làm khá tròn vai, phát huy tốt vai trò gắn kết những người làm báo cũng như các ban ngành trong tỉnh. Đặc biệt, Hội đã làm rất tốt việc chăm lo công tác bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên…

Với riêng Hội Nhà báo Quảng Ngãi, tỉnh luôn dành một sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nhà báo hoạt động, nhằm phát huy hiệu quả vai trò, vị trí và vị thế của Hội trong đời sống báo chí cũng như trong đời sống xã hội của tỉnh. Luôn luôn có định hướng trong việc xây dựng, quy hoạch đội ngũ lãnh đạo Hội Nhà báo, với tính kế thừa nhằm phát huy khả năng, kinh nghiệm... Song tôi luôn mong rằng Hội cần năng động, phát huy vai trò hơn nữa để thích ứng với sự phát triển như vũ bão hiện nay của báo chí và truyền thông…

Trao Giải báo chí Quảng Ngãi năm 2018 cho các tác giả đoạt giải.

+ Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó xác định cơ chế quản lý đối với các Hội quần chúng thời gian tới là tăng cường tự chủ. Đối với Quảng Ngãi, việc triển khai ấy sẽ được thực hiện theo lộ trình ra sao? Và đối với Hội Nhà báo, nếu thực hiện thì những khó khăn, thách thức này hẳn không dễ dàng gì, thưa ông?

- Ông Lê Viết Chữ: Tinh thần cơ bản của Nghị quyết T.Ư 6 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị với mục tiêu là giảm sự trùng lặp, giảm sự chồng chéo và tạo động lực mới cho phát triển, để bộ máy vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn. Như vậy cũng không thể nói giảm có nghĩa là phải bỏ cái này, cắt cái kia, bởi nếu làm như vậy thì rất máy móc, mà mục tiêu cuối cùng của Nghị quyết là cái gì hiệu quả nhất thì chúng ta chọn. Ví dụ như đối với Hội Nhà báo: tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, quan điểm của tôi là không thể lấy khuôn mẫu của chỗ này áp cho chỗ kia được, mà cần phải xuất phát từ thực tiễn, điều kiện của từng Hội, từng địa phương để có sự ứng xử cho thích hợp với mục tiêu quan trọng nhất vẫn là để cơ quan Hội đó hoạt động hiệu quả hơn, năng suất cao hơn và tác động xã hội lớn hơn, phù hợp với tôn chỉ mục đích của Đảng và Nhà nước. Cho nên không thể so sánh địa phương này với địa phương kia, hay ngành, Hội này so sánh với ngành, Hội kia… Bởi tinh thần của Nghị quyết T.Ư 6 là cuối cùng hiệu quả phải tốt hơn - làm sao để mọi người cùng có cơ hội phấn đấu, cống hiến, khắc phục tình trạng bảo thủ, trì trệ, cào bằng; đặc biệt quan trọng là làm sao sử dụng hiệu quả nhất ngân sách Nhà nước, để tạo ra những sản phẩm tích cực, tốt nhất cho xã hội…

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Lành (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/cong-tac-hoi/muc-tieu-cua-nghi-quyet-t-u-6-la-tao-dong-luc-moi-de-moi-nguoi-cung-co-co-hoi-phan-dau-cong-hien-46344