Mục tiêu của tự chủ đại học là tối ưu hóa hoạt động của toàn hệ thống

Tại Hội thảo 'Tự chủ trong giáo dục đại học – từ chính sách đến thực tiễn' – sáng 27/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã phát biểu tham luận liên quan đến triển khai chính sách, pháp luật về tự chủ đại học.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tham luận tại hội thảo.

Bước tiến lớn của tự chủ đại học

Theo Thứ trưởng, tự chủ đại học là xu hướng tất yếu trên thế giới, nhưng quan niệm và mức độ triển khai còn khác nhau. Tự chủ đại học không còn mới ở Việt Nam, nhưng vẫn còn quan niệm chưa đúng bản chất (vẫn thường được hiểu gắn với tự bảo đảm kinh phí).

Do đó, để thực hiện tự chủ cần đổi mới nhận thức. Tuy nhiên, đổi mới nhận thức là một quá trình, cần hành động để thay đổi nhận thức chứ thể không chờ thay đổi nhận thức rồi mới hành động.

Trao đổi về bản chất của tự chủ đại học, Thứ trưởng chia sẻ, đó là vấn đề tự quyết và chịu trách nhiệm của trường đại học về những hoạt động của mình. Ngoài ra, trường đại học có hệ thống quản trị nội bộ để phân quyền và trách nhiệm, đảm bảo quá trình ra quyết định và thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn.

Mục tiêu của tự chủ đại học là tối ưu hóa hoạt động của toàn hệ thống. Theo đó, các trường ĐH năng động, sáng tạo và hoạt động hiệu quả hơn; cơ quan quản lý tập trung làm tốt hơn chức năng giám sát và hỗ trợ; cùng với đó là nâng cao chất lượng, mang lại lợi ích lớn hơn cho người học và xã hội.

Luật sửa đổi bổ sung một điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật này đã luật hóa hầu hết nội dung theo Nghị quyết 77 của Chính phủ đối với các trường đủ điều kiện và năng lực tự chủ đại học.

Theo đó, đã mở rộng và nâng cao tự chủ cho các trường về phương thức tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo; cơ cấu tổ chức, biên chế; Quyết định nhân sự chủ chốt (Ban giám hiệu, hội đồng trường...); Học phí (theo Luật giá). Điều kiện tự chủ không yêu cầu tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; một số nội dung về viên chức, tài chính, tài sản được quy định trong các luật khác.

Theo Thứ trưởng, một bước tiến lớn của tự chủ đại học là các trường đang thực hiện theo Nghị quyết 77 được thực hiện các quyền tự chủ theo luật mới và nhiều nội dung theo đề án đã được phê duyệt. Một số trường đã và đang lập đề án đăng ký thực hiện tự chủ và tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên. Đã có 86/175 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập, kiện toàn hội đồng trường; trong đó có 32/35 đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Toàn cảnh hội thảo

Từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản luật đồng bộ

Thông tin về một số chỉ số hoạt động của 23 trường thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 giai đoạn 2015-2020, Thứ trưởng cho hay: tỉ lệ giáo viên có trình độ tiến sĩ tăng gần 10%; tăng thu hút thí sinh đại học (tỉ lệ tuyển được/chỉ tiêu tăng từ 87% lên 92%).

Số chương trình đào tạo được kiểm định tăng từ 1 lên 100, bằng 30% toàn quốc. Số công bố quốc tế (Scopus) tăng 10 lần, nay đóng góp 45% toàn quốc. Tổng thu và tổng chi hằng năm tăng khoảng 1,5 lần (mặc dù ngân sách cấp giảm 2,1 lần). Chúng ta đã có 4 trường lọt vào bảng xếp hạng QS Asia 2021. Đặc biệt là có sự thay đổi lớn về nhận thức trong toàn hệ thống.

Tại hội thảo, Thứ trưởng đề xuất, kiến nghị: Quốc hội quan tâm sửa đổi, bổ sung các luật, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản luật đồng bộ cho tự chủ đại học.

Về phía Chính phủ, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn để đồng bộ với Luật 34 và Nghị định 99, chẳng hạn như: cơ chế tài chính, đặt hàng đào tạo, khoa học và công nghệ, quản lý tài sản công, tuyển dụng người nước ngoài.

Ngoài ra, tăng tỉ trọng đầu tư ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học. Thành lập Ban Chỉ đạo về tự chủ đại học và Bộ GD&ĐT là thường trực. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan quản lý trực tiếp hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc sớm thành lập, kiện toàn hội đồng trường và các vị trí lãnh đạo chủ chốt theo quy định của Luật số 34 và Nghị định 99.

Đối với cơ sở giáo dục đại học, cần nâng cao năng lực quản lý và hiểu biết pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý. Hoàn thiện hệ thống văn bản, quy chế nội bộ, phân cấp mạnh tới các đơn vị chuyên môn. Nhanh chóng hoàn thiện tổ chức bộ máy (hội đồng trường, ban giám hiệu). Tăng cường công khai, minh bạch, dân chủ cơ sở trong mọi hoạt động. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện tự chủ trong giai đoạn tới.

Về phía Bộ GD&ĐT, đẩy nhanh xây dựng, ban hành các quy chế, quy định, cẩm nang hướng dẫn. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quản lý giáo dục đại học. Hỗ trợ nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học qua các đề án, dự án.

Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, giám sát và quản lý chất lượng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đổi mới và tự chủ đại học và thành lập Ban chỉ đạo triển khai tự chủ đại học.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/muc-tieu-cua-tu-chu-dai-hoc-la-toi-uu-hoa-hoat-dong-cua-toan-he-thong-RLyzC4AMR.html