Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020: Cần cải cách mạnh mẽ hơn!

Tỷ lệ DN tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số DN thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%.

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù số lượng DN thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ DN gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao.3 Tỷ lệ DN tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số DN thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%.

Trong đó, 11 tháng đầu năm 2019 là 49,4%. Tuy tăng mạnh về số lượng song khu vực DN nhỏ và vừa đang đứng trước những thách thức quan trọng. Việt Nam đặc biệt thiếu các DN quy mô lớn và DN cỡ vừa.

Đáng quan tâm, có tới 75% lực lượng lao động trong các DNNVV chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Trong khi đó nhân lực được coi là yếu tố then chốt của sự phát triển bền vững DN.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10) xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm. Như vậy, nhân lực nước ta còn yều về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong công nghiệp.

Theo VCCI, cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa để đạt mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020

Theo VCCI, cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa để đạt mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (Falmi), nhu cầu về nguồn nhân lực tại các DN hiện nay đang phát triển theo hướng thu hút cần nhân lực có trình độ cao, nhân lực qua đào tạo chiếm đến 82,92%. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 12,46%; cao đẳng chiếm 17,04%; trung cấp chiếm 26,04%; sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 27,38%.

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01-01-2019 của Chính phủ đã cho thấy nhận thức về tầm quan trọng của cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia có cải thiện rõ nét. Hầu hết các bộ, ngành và địa phương đã tích cực hơn, chủ động hơn trong triển khai một phần hoặc hầu hết các nhiệm vụ được giao.

Năm 2019 cho thấy những chuyển biến tích cực so với năm 2018. Một số vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp được tháo gỡ; tăng thêm niềm tin và động lực cho cộng đồng kinh doanh. Xếp hạng về môi trường kinh doanh năm 2019 mặc dù giảm 1 bậc so với năm 2018, từ hạng 69/190 xuống hạng 70/190, tuy nhiên điểm số xếp hạng lại tiếp tục được cải thiện, tăng từ mức 68,36 (2018) lên mức 69,8 (2019).

Năng lực cạnh tranh quốc gia không ngừng được nâng lên tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp. Theo Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2019 năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam đã tăng 10 bậc, từ vị trí thứ 77 năm 2018 lên vị trí thứ 67, với mức điểm số tăng từ 4,06 lên 4,34 (2019), gần bằng với mức 4,4 năm 2017…

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ đặt ra mục tiêu cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020. Nếu có thể duy trì được mức tăng trưởng số doanh nghiệp trong giai đoạn 2015-2018 thì đến ngày 31-12-2020, cả nước sẽ có 984.003 doanh nghiệp, đạt 98,4% so với mục tiêu đề ra.

Tốc độ tăng số doanh nghiệp trung bình cả nước trong 3 năm 2015-2018 là 17,3% mỗi năm. Như vậy, trong khoảng thời gian còn lại, cần có những biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn rất nhiều không chỉ về gia nhập thị trường mà còn cả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra về số doanh nghiệp tại Nghị quyết 35.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII vừa qua đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Đây là mục tiêu không đơn giản và đòi hỏi nhiều nỗ lực của các bộ ngành và địa phương để có thể đạt được.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/muc-tieu-dat-1-trieu-doanh-nghiep-vao-nam-2020-can-cai-cach-manh-me-hon-174890.html