Mục tiêu hàng đầu là phải ổn định kinh tế vĩ mô

(baodautu.vn) Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2010 tăng 0,75% so với tháng trước cho thấy, cần tiếp tục cảnh báo và coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô.

Thưa ông, ông đã từng nói, xu hướng lạm phát của năm nay chỉ có thể đoán định được sau khi có CPI tháng 3. Giờ thì CPI tháng 3 đã có, ý kiến của ông thế nào? Khi tôi nói CPI tháng 3 sẽ là chỉ dấu để căn cứ vào đó dự báo được CPI cả năm là vào khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2/2010. Nhưng sau khi có một loạt quyết định điều chỉnh giá các loại nguyên, nhiên, vật liệu, điều chỉnh chính sách tiền tệ và một số biện pháp điều hành giá cả, thì CPI tháng 3 không còn là cơ sở để đánh giá CPI cả năm nữa. Nguyên nhân là do, CPI tháng 3 đã diễn biến vượt ra khỏi quy luật và quan trọng hơn, đó là kết quả của những động tác điều chỉnh, kiểm soát giá cũng không theo quy luật. Bởi vậy, việc CPI tháng 3 tăng 0,75% so với tháng trước chỉ cho thấy một điều rằng, nguy cơ lạm phát là khá cao, chứ chưa đủ cơ sở để nhìn nhận, đánh giá về lạm phát của cả năm. Vậy theo ông, khả năng kiềm chế lạm phát ở mức 7% trong năm nay sẽ như thế nào? Tôi không có bình luận về con số này. Tuy nhiên, cứ nhìn vào số liệu Tổng cục Thống kê vừa dự báo, thì CPI tháng 3 đã tăng 4,12% so với tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó, theo như một số nhà kinh tế dự báo, tới tháng 4-5, CPI sẽ còn leo thang, do độ trễ chính sách của các biện pháp kích thích kinh tế được thực hiện trong năm 2009. Giá cả cũng sẽ có xu hướng tăng trong quý II/2010 còn do trong quý này, chúng ta có thể sẽ tập trung cho tăng trưởng. Tăng trưởng GDP trong quý I/2010 được dự báo ở mức 5,7-5,9%. Nếu đúng là như vậy, thì đây là con số tăng trưởng không cao, mà như thế, có thể trong quý II, chúng ta buộc phải thực hiện một số biện pháp để đảm bảo tăng trưởng và điều đó có thể tạo nguy cơ cho việc tăng giá cả. Nghĩa là đúng như ông đã nói, mức độ lạm phát sẽ phụ thuộc vào các biện pháp điều hành của Chính phủ? Vấn đề quan trọng là, Chính phủ muốn nền kinh tế như thế nào? Hiện nay, chúng ta đang hướng tới cả hai mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, đôi khi lại có chuyện ưu tiên cho mục tiêu này hay mục tiêu kia hơn. Sau khi có số liệu về lạm phát của quý I, tôi cho rằng, cả năm nay, mục tiêu hàng đầu trong điều hành kinh tế phải là ổn định vĩ mô. Như vậy, chúng ta mới có thể giữ được lạm phát, nếu lơ là một chút thì câu chuyện sẽ khác. Theo quan điểm của tôi, đừng để chính sách biến thiên theo kiểu đầu tiên cứ chạy theo tăng trưởng, đến khi lạm phát cao mới bắt đầu kiềm chế, vì khi kiềm chế lạm phát, sẽ phải áp dụng các biện pháp thắt chặt. Điều đó có thể gây cú sốc cho nền kinh tế. Hệ quả là nó không chỉ ảnh hưởng đến thành quả của giai đoạn trước, mà còn tác động đến tăng trưởng của giai đoạn sau. Vì vậy, phải điều hành rất linh hoạt để đảm bảo cả hai mục tiêu. Cũng liên quan đến các biện pháp điều hành kinh tế, vừa rồi Ngân hàng HSBC lại đưa ra dự báo về việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản thêm 1%. Theo ông, nên áp dụng biện pháp này hay chưa? Đúng là HSBC đã đưa ra dự báo như vậy. Nhưng tại sao lại tăng 1% và tăng 1% để làm gì? Tôi cho rằng, việc tăng 1% lãi suất cơ bản giờ không liên quan tới lãi suất cho vay. Chúng ta đang thực hiện lãi suất thỏa thuận, mặc dù mới chỉ thực hiện với cho vay trung và dài hạn, nhưng trên thực tế, đôi khi các khoản vay ngắn hạn cũng đã được chuyển sang cho vay trung, dài hạn để được áp dụng lãi suất thỏa thuận hết rồi. Như vậy, điều chỉnh lãi suất cơ bản là không có ý nghĩa. Với trần lãi suất huy động cũng vậy. Còn nếu nói điều chỉnh lãi suất cơ bản để phù hợp với tình hình lãi suất hiện nay, thì con số đó phải lên tới 12-13%, thậm chí 14%. Lạm phát đang là nguy cơ, nhưng không dữ dội như năm 2008. Vì thế, nếu nâng lãi suất cơ bản lên thì không những không kiềm chế được lạm phát, mà có khi còn tạo ra lạm phát. Như vậy là rất nguy hiểm. Theo quan điểm của ông, chính sách tiền tệ nên được điều hành thế nào trong thời gian tới? Tôi cho rằng, cái mình mình cần tập trung là điều hành lãi suất tín dụng và lãi suất huy động, làm sao để vẫn dựa trên lãi suất thỏa thuận của hệ thống ngân hàng, nhưng Ngân hàng Nhà nước phải có những công cụ để kiểm soát chuyện các ngân hàng chạy đua, dâng lãi suất huy động và cho vay lên. Để làm được việc đó, thì trọng trách của Ngân hàng Nhà nước là phải đảm bảo được thanh khoản của hệ thống ngân hàng, kèm theo đó chấn chỉnh hệ thống này. Việc sắp xếp lại hệ thống ngân hàng cần thời gian, nhưng dứt khoát là phải kết hợp hai biện pháp đó.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/dautuoda/9ad494947f000001018dd5d751aa2160