Mục tiêu ưu tiên

Ðại dịch đang gây vô vàn khó khăn cho các nước Liên hiệp châu Âu (EU). Song, không vì thế mà EU lơ là mục tiêu củng cố và mở rộng ảnh hưởng, nhất là khi sự kiện nước Anh rời đi (Brexit) ảnh hưởng tiêu cực tới sức hút của 'liên minh cờ xanh'. Hội nghị cấp cao EU - Tây Ban-căng vừa diễn ra là cơ hội để EU khẳng định cam kết ủng hộ các đối tác ở khu vực.

Được lên kế hoạch tổ chức tại thủ đô Da-grép của Crô-a-ti-a và được kỳ vọng là điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU mà nước chủ nhà Crô-a-ti-a đảm nhiệm, song Hội nghị cấp cao EU - Tây Ban-căng đã phải tiến hành qua hình thức trực tuyến hôm 6-5, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt, nhất là tại châu Âu. Dù bận rộn ứng phó dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhà lãnh đạo EU và các nước vùng Tây Ban-căng vẫn tham gia hội nghị đầy đủ, khẳng định mục tiêu của EU cũng như mong muốn của các đối tác về thúc đẩy hợp tác, hội nhập tại châu Âu. Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Lây-en nhấn mạnh, chỉ riêng việc tổ chức hội nghị cấp cao trong bối cảnh nhiều khó khăn như vậy đã là minh chứng cho thấy, Tây Ban-căng là ưu tiên hàng đầu và đối tác đặc biệt của EU.

Là một trong những "rốn dịch", châu Âu vừa phải vật lộn chống chọi Covid-19, vừa nỗ lực khôi phục các hoạt động kinh tế nhằm ngăn chặn nguy cơ suy thoái tồi tệ. Bởi thế, hợp tác ứng phó dịch bệnh và mở cửa trở lại nền kinh tế là chủ đề ưu tiên thảo luận tại hội nghị vừa qua. Thể hiện rõ thiện chí với các đối tác, tại hội nghị cấp cao trực tuyến, các nước EU đã cam kết viện trợ 3,3 tỷ ơ-rô (3,6 tỷ USD) giúp các đối tác Tây Ban-căng chống dịch và phục hồi kinh tế "thời hậu Covid-19". Ðây là cam kết viện trợ được đánh giá là vượt xa những gì mà bất kỳ đối tác nào từng dành cho khu vực này.

Trong Tuyên bố Da-grép gồm 20 điểm được đưa ra sau Hội nghị cấp cao EU - Tây Ban-căng, hai bên khẳng định cùng chia sẻ mục tiêu về một "châu Âu hòa bình, mạnh mẽ, ổn định và thống nhất". Trong đó, EU cam kết về "sự ủng hộ rõ ràng" đối với nguyện vọng gia nhập khối của các đối tác; các nước và vùng lãnh thổ Tây Ban-căng khẳng định hội nhập châu Âu là "lựa chọn chiến lược" và cam kết thực hiện cải cách phù hợp tiến trình gia nhập EU.

Khu vực Tây Ban-căng là một trong những "đích ngắm" trong chiến lược mở rộng biên giới của EU. Hiện EU đã khởi động đàm phán với Xéc-bi-a, Mông-tê-nê-grô, An-ba-ni và Bắc Ma-xê-đô-ni-a; Bô-xni-a Héc-xê-gô-vi-na cùng vùng lãnh thổ Cô-xô-vô là ứng cử viên tiềm tàng cho "tấm vé" thành viên mái nhà chung. Lâu nay, EU dành ưu tiên cho các đối tác Tây Ban-căng, song tiến trình đàm phán kết nạp lại trì trệ kéo dài và ngừng hoàn toàn hồi tháng 10-2019. Nguyên nhân là bất đồng nội bộ EU chung quanh kế hoạch cải tổ EU, nhất là cơ chế mở rộng thành viên, cùng những đòi hỏi khắt khe về cải cách đối với các ứng cử viên gia nhập khối. Kế hoạch Tây Ban-căng chỉ được EU khởi động lại hồi tháng 2, khi hai bên tổ chức cuộc gặp cấp cao lần đầu bên lề Hội nghị an ninh quốc tế tại Mu-ních (Ðức).

Yếu tố chính dẫn tới quyết định của EU "phá băng" bế tắc trong tiến trình thu hút Tây Ban-căng xuất phát từ một số nước thành viên đã chấp thuận kế hoạch cải tổ của EU. Lý do nữa là, các đối tác ở Tây Ban-căng tỏ rõ thiện chí muốn trở thành một phần của "liên minh cờ xanh", thông qua các kế hoạch cải cách cụ thể về chính sách, nhằm đáp ứng các tiêu chí thành viên của EU. Một yếu tố nữa, không kém phần quan trọng, đó là "cuộc ly hôn" của nước Anh. Mệt mỏi với tiến trình rời đi của Luân Ðôn hơn ba năm qua, EU cũng cảm nhận được sự hao hụt sức hấp dẫn của dự án "nhất thể hóa châu Âu". Bởi thế, với EU, mục tiêu đảo chiều xu hướng ly tâm và vực dậy tín nhiệm "thời hậu Brexit" trở nên cấp bách. Trong đó, "kế hoạch Tây Ban-căng" được EU ưu tiên và ráo riết thúc đẩy.

Quá trình hội nhập của EU cho thấy, mỗi lần mở rộng thành viên của EU luôn đi kèm những đòi hỏi mới. Khi sức hút của khối phần nào hao hụt vì Brexit, việc đẩy nhanh dự án tại Tây Ban-căng cho thấy bước điều chỉnh mục tiêu ưu tiên của EU, vẫn bảo đảm các tiêu chí khắt khe, song không làm giảm nhiệt tình của các đối tác vì chờ đợi.

LONG QUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44413402-muc-tieu-uu-tien.html