Mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD cao su thiên nhiên liệu có dễ dàng?

Trong 6 tháng năm 2022, xuất khẩu mủ cao su tươi và sơ chế đã mang về 1,54 tỷ USD. Để đạt mục tiêu 3,5 tỷ USD cho cả năm, thì 6 tháng còn lại cần xuất khẩu gần 2 tỷ USD nữa. Tuy nhiên, trong bối cảnh nửa đầu năm đã xuất khẩu 60% tổng sản lượng mủ cao su thu hoạch của cả năm thì mục tiêu có dễ dàng đạt được?...

Xuất khẩu cao su đang thuận lợi.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2022 đạt khoảng 180.000 tấn, đem về 297 triệu USD, tăng 57,7% về lượng và tăng 52,6% về trị giá so với tháng 5/2022 và so với cùng kỳ năm 2021 tăng 10,4% về lượng và tăng hơn 8% về trị giá.

XUẤT KHẨU CHỦ YẾU VÀO TRUNG QUỐC

Hiệp hội cao su Việt Nam, cho biết giá cao su xuất khẩu bình quân trong tháng 6/2022 đạt gần 1.700 USD/tấn. Trong nửa đầu năm nay, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR3L, SVR10, SVRCV60, RSS3… Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 58,7% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước; tăng gần 6% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong các thị trường nhập khẩu cao su Việt Nam, Trung Quốc chiếm tới 99,7% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu 772.000 tấn mủ cao su tươi và sơ chế, đem về 1,54 tỷ USD; tăng hơn 8% về lượng và 28% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam.

Nhìn lại năm 2021, dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn thiết lập 2 kỷ lục mới về cả lượng và trị giá. Cụ thể, xuất khẩu 1,955 triệu tấn cao su, đây là khối lượng cao su xuất khẩu nhiều nhất một năm trong lịch sử ngành cao su Việt Nam.

Về kim ngạch xuất khẩu đạt 3,278 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, cũng là năm đánh dấu xuất khẩu cao su quay trở lại mốc 3 tỷ USD sau 10 năm. Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2021 ở mức 1.677 USD/tấn, tăng 23% so với 2020.

Về tình hình xuất khẩu cao su 6 tháng cuối năm 2022, Hiệp hội Cao su Việt Nam nhận định, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực cho xuất khẩu mủ cao su và cao su sơ chế của Việt Nam. Năm 2021 lượng và trị giá xuất khẩu cao su sang nước này trong là 1,4 triệu tấn và 2,3 tỷ USD.

Tuy Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách “Zero Covid”, nhưng quốc gia này vẫn đang cần nhập khẩu lượng mủ cao su và cao su sơ chế rất lớn để phục vụ cho sản xuất các sản phẩm cao su của nước này.

Trung Quốc đang có nhu cầu khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng, nhưng chỉ có khoảng 115.000 tấn được đáp ứng từ nguồn cung nội địa. Như vậy, mỗi tháng, quốc gia này thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên cần phải nhập khẩu.

Tại các thị trường khác như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Ấn Độ, dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ kinh tế ở các thị trường này đang dần hồi phục sẽ là tín hiệu lạc quan cho việc xuất khẩu cao su Việt Nam.

Theo dự báo của Tổng cục Cao su Ấn Độ, trong năm 2022, sản lượng cao su thiên nhiên của nước này chỉ đạt 800.000 tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ lên tới 1.240.000 tấn. Như vậy, Ấn Độ cần nhập khẩu 440.000 tấn cao su trong năm 2022. Trong năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu sang Ấn Độ 119.000 tấn cao su, trị giá 212 triệu USD, tăng tới 93,9% về lượng và 138,1% về trị giá so với năm 2020.

Thông tin từ Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), trong năm 2021, sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới chỉ đạt hơn 13,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu là hơn 14 triệu tấn, mức thâm hụt lên tới khoảng 200 nghìn tấn.

ANRPC dự báo, mức tiêu thụ cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 4-5% so với năm 2021. Ngoài việc nguồn cung thiếu hụt, giá dầu đi lên cũng kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp. Vì vậy, triển vọng ngành cao su toàn cầu trong nửa cuối năm 2022 vẫn rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.

NHẬP KHẨU ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC TIÊU XUẤT KHẨU

Bà Phan Trần Hồng Vân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho biết diện tích cây cao su ở Việt Nam hiện có 938,8 ngàn ha, chiếm 7,2% tổng diện tích cao su toàn cầu. Sản lượng thu hoạch mủ cao su của Việt Nam đạt 1,26 triệu tấn năm 2021, chiếm 8,7% sản lượng cao su toàn cầu.

Dự kiến sản lượng mủ cao su thu hoạch trong cả năm 2022 là 1,3 triệu tấn. Nếu tính toán lượng đã xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm là 770 nghìn tấn, thì sẽ chỉ còn hơn 530 nghìn tấn mủ để xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm. Trong khi, nửa cuối năm cần lượng cao su lớn hơn để xuất khẩu, lên đến gần 1 triệu tấn mới có thể đem về 2 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm.

"Năm 2021 Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn cao su thiên nhiên với kim ngạch 1,9 tỷ USD. Việt Nam nhập khẩu cao su thiên nhiên từ Lào và Campuchia để phục vụ chế biến các sản phẩm cao su, luồng cung nhập khẩu này cũng được hòa với nguồn cung trong nước để xuất khẩu".

Bà Phan Trần Hồng Vân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Vân phân tích, do lượng cao su trong nước thiếu hụt nên từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp đã tăng cường nhập khẩu mủ cao su thiên nhiên từ Campuchia và Lào.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, để có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD trong năm 2022 như đã đề ra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp trong ngành cao su đang tiến tới liên kết chặt chẽ với các hộ cao su tiểu điền mới có thể đảm bảo sản xuất, đáp ứng mục tiêu. Mặt khác, để nâng cao chất lượng và thương hiệu cho cao su Việt Nam, ngành cao su luôn chú trọng thúc đẩy sản xuất mủ cao su bền vững.

Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia phân tích chính sách, thuộc tổ chức Forest Trends nhận định, tiêu thụ cao su trên thế giới đang có nhiều thay đổi. Các quy định về tính hợp pháp và bền vững đối với nguồn cao su nguyên liệu đầu vào tạo sản phẩm ngày càng chặt chẽ.

Trên thế giới hiện có hai hệ thống chứng chỉ bền vững gồm: PEFC (Chương trình xác nhận chứng chỉ rừng) và FSC (Hội đồng quản lý rừng). Các tiêu chí FSC được coi là khắt khe hơn so với PEFC.

Việt Nam đã phát triển Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS). Hiện hệ thống này được PEFC công nhận. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 97.300 ha diện tích cao su đạt chứng chỉ VFCS.

"Với những diện tích được cấp hệ thống chứng chỉ này, tuy còn thấp so với tổng diện tích cao su của cả nước, nhưng cũng góp phần thúc đẩy ngành cao su tăng thêm sự cạnh tranh, đưa giá cao su tăng cao tương xứng với chất lượng", TS Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chu Khôi -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/muc-tieu-xuat-khau-3-5-ty-usd-cao-su-thien-nhien-lieu-co-de-dang.htm