'Mũi khoan xung kích' của Mỏ Hà Tu

Lúc sinh thời, Anh hùng Lao động Trịnh Văn Nghinh từng là Phó Quản đốc Công trường Khoan, Mỏ Than Hà Tu, thuộc Liên hiệp các Xí nghiệp Than Hòn Gai (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam), là 'mũi khoan xung kích' được anh em thợ mỏ nể phục, tin yêu.

Di ảnh Anh hùng Lao động Trịnh Văn Nghinh.

Ông sinh năm 1932 tại thôn Vĩnh Điện, xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trịnh Văn Nghinh là chú bé mồ côi cha phải đi chăn trâu, cắt cỏ thuê cho nhà giàu. Ông mù chữ vì không được đi học. Mãi đến khi đi thanh niên xung phong, ông mới được học bình dân học vụ rồi bổ túc văn hóa.

Tháng 9/1957, chàng thanh niên Trịnh Văn Nghinh xin về Mỏ Hà Tu và được cho đi học nghề lái máy khoan. Về mỏ làm việc một thời gian, ông được anh em công nhân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng. Tổ máy BU6 của ông làm việc hăng say và bố trí con người một cách khoa học nên đã tạo ra mô hình nhóm quản lý để áp dụng chung cho cả mỏ. Cụ thể, ông đã đề ra cách nhóm ca 1 quản lý bộ trục chính, nhóm ca 2 quản lý bộ phận cần và xà đập, nhóm ca 3 quản lý bộ phận gầm máy. Vài tháng sau đó, ông lại hoán vị các ca cho nhau. Sự phân công trách nhiệm quản lý cụ thể đến từng người, từng ca đã chấm dứt tình trạng "cha chung không ai khóc", để máy hỏng hóc không ai chịu trách nhiệm.

Theo lời kể của những đồng nghiệp cũ của Anh hùng Trịnh Văn Nghinh, ông lúc nào cũng có ý thức phấn đấu vươn lên với tinh thần và sức lực dẻo dai, kiên trì nhất. Ngay cả khi đế quốc Mỹ ném bom bắn phá dữ dội các mỏ, ông vẫn không xa mỏ, bám trụ cùng anh em. Ông được mệnh danh là "mũi khoan xung kích" của Mỏ Hà Tu.

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, ở Mỏ Hà Tu chưa có quy trình quy phạm. Tổ trưởng Trịnh Văn Nghinh đã đọc tài liệu, học hỏi các kỹ sư và tự đề ra quy trình khoan đập cho tổ mình. Sau này quy trình đó được cả mỏ áp dụng.

Sau giờ lao động, Anh hùng Trịnh Văn Nghinh lại say mê nghiên cứu tài liệu máy khoan. Ảnh: Đỗ Kha (CTV)

Ông đã tìm hiểu và biết được rằng trong quá trình khoan xuống sâu nhất sợi dây tời cũng chỉ ra một nửa. Biết vậy nên ông đã dùng dây cáp cũ không cần đến dây mới dài 150 mét, giúp tiết kiệm vật tư, kéo dài tuổi thọ lên gấp đôi. Sáng kiến này được cả Mỏ Hà Tu áp dụng từ năm 1964.

Năm 1964, khi Mỏ Hà Tu nhập máy khoan hiện đại kiểu xoay cầu, Tổ trưởng Trịnh Văn Nghinh được rút về mỏ để học lắp máy và cơ cấu vận hành xoay cầu máy với chuyên gia Liên Xô. Khi học xong, ông được chỉ định làm Tổ trưởng tổ máy khoan hiện đại này.

Bà Vũ Thị Quế bùi ngùi nhớ về người chồng hết lòng yêu thương vợ con.

Về làm Tổ trưởng, ông đã có nhiều sáng kiến cải tiến cách thức vận hành của máy khoan. Khi ty choòng bị kẹt, ông dùng nước đưa xuống lỗ làm mềm đất đá, rồi chạy thêm động cơ nâng ty để kéo choòng lên. Giải pháp này đã nâng cao năng suất của máy, giảm thời gian hao phí do ngừng máy. Hay như giải pháp thu gom mũi khoan cũ, chắp vá sửa chữa lại để tận dụng giúp giảm chi phí mua thiết bị rất đắt của nước ngoài. Có năm tổ của ông khoan được tới 4.500 mét chỉ bằng các mũi khoan tận dụng như thế. Ông còn có nhiều cải tiến khác như: Bổ sung quạt gió hạ nhiệt buồng máy, cải tiến bơm dầu hộp giảm tốc để đảm bảo độ an toàn, biến máy khoan khô dùng khí nén thổi bụi thành máy khoan nước thổi phoi trộn với nước thành bùn đảm bảo vệ sinh môi trường, tăng năng suất lao động. Nhiều giải pháp đã được các mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu học tập.

Ông Nghinh là người ham học hỏi. Từ một cậu bé mù chữ ông đã vươn lên tự học và làm chủ được các thiết bị công nghệ hiện đại. Ngoài việc lăn lộn với máy móc ở công trường, tối đến ông lại vùi đầu vào nghiên cứu sách vở. Bà Vũ Thị Quế, hiện ở số nhà 107, đường Nguyễn Văn Cừ, TP Hạ Long, là vợ ông kể: “Có khi cả tuần, thậm chí cả tháng ông ấy ở lì trong mỏ không về. Có lần lâu quá không về, ông gửi người quen mảnh giấy ghi vài dòng cho tôi, bảo bận lắm không về được, ở nhà nhớ lo cho các con”. Tuy vậy, trong trí nhớ của bà Quế, ông Trịnh Văn Nghinh vẫn là một người chồng, người cha tận tụy, hết lòng thương yêu vợ con.

Đường Trịnh Văn Nghinh ở phường Hà Tu (TP Hạ Long).

Tổ trưởng Trịnh Văn Nghinh là tấm gương lao động sáng tạo không mệt mỏi. Ông cũng là người phát hiện nhân tài, bồi dưỡng nhiều thợ học việc thành công nhân có tay nghề cao, có người sau này đi học thành kỹ sư. Năm 1962, ông được kết nạp vào Đảng, 6 năm sau được lên Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ báo công với Bác, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua các cấp. Ông đã được trao tặng Huy hiệu Bác Hồ, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huân chương Lao Động hạng Nhất, Nhì, Ba; được cử đi Liên Xô học tập khai thác mỏ, được phong Kiện tướng ngành Than năm 1979. Ông được bổ nhiệm Phó Quản đốc mỏ.

Năm 1985, ông được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1997, Anh hùng Trịnh Văn Nghinh qua đời do tai nạn giao thông. Tên ông được đặt cho con đường dẫn vào Công ty CP Than Hà Tu, phường Hà Tu (TP Hạ Long) - nơi ông đã từng công tác.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201811/mui-khoan-xung-kich-cua-mo-ha-tu-2409664/