Mullah Ibrahim Sadar - kẻ đã 'đuổi' Mỹ khỏi Afghanistan

Mullah Ibrahim Sadar là kẻ giấu mặt đằng sau chiến dịch quân sự thành công của Taliban chống lại Mỹ.

Mullah Ibrahim Sadar là kẻ giấu mặt đằng sau chiến dịch quân sự thành công của Taliban chống lại Mỹ.

Các phần tử Taliban hồi đầu năm nay tuyên bố chiến thắng trước Mỹ sau khi đạt được thỏa thuận bảo đảm rút quân Mỹ. Ảnh: AFP

Bài học đầu tiên

Lần đầu tiên Mullah Ibrahim Sadar đối đầu với lực lượng Mỹ ở Afghanistan, y đã nhận được một bài học về thực tế chiến tranh tàn khốc mà y sẽ không bao giờ quên. Đối với những người sau đó chứng kiến y vươn lên, nằm trong hàng ngũ lãnh đạo của Taliban, và giành được sự tôn trọng của các lãnh đạo cấp cao Al-Qaeda, họ mới hiểu rằng mục đích của y đã rõ ràng ngay từ lúc đó.

Đó là vào mùa thu năm 2001, khi Sadar là một chỉ huy chiến trường cấp trung của Taliban được giao nhiệm vụ tổ chức phòng thủ Kabul. Khi các cuộc không kích của Mỹ đổ xuống thành phố, y tổ chức các tay súng chiến đấu của mình tiến hành các cuộc tập trận đẩy lùi các cuộc tấn công mặt đất và yêu cầu họ sử dụng mặt nạ khí phòng bị trước các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học. Chiến thuật và thiết bị lỗi thời của Sadar đã vô dụng khi đối mặt với cuộc tấn công dữ dội từ trên cao của Mỹ.

“Chỉ với một quả bom, tất cả những ngọn núi ở Kabul đều rung chuyển”, Haji Sayed, một trong những người thân cận với Sadar khi đó, nhớ lại. Những người không chạy trốn đã bị giết, bởi những chiếc B-52 đang bay trên cao hoặc lực lượng dân quân tiến bộ, kẻ thù Taliban. Sadar cố gắng cầm cự nhưng y sau đó đã nhận ra rằng, việc cố gắng ở lại và chiến đấu là vô nghĩa. Khi chế độ Taliban sụp đổ, y đi về phía nam đến Kandahar. Sau đó, y biến mất, nơi ở của y chỉ được những người bạn thân nhất biết đến.

Việc Sadar thoát chết trong cuộc tấn công của Mỹ đã có tác động sâu sắc đến kết quả của cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong 19 năm sau đó, Sadar đã rút ra được bài học từ sự thất bại cay đắng đầu tiên đó để biến Taliban trở thành một trong những nhóm khủng bố hiệu quả nhất thế giới.

Sadar hiện là chỉ huy quân sự của Taliban, chịu trách nhiệm về cuộc nổi dậy của nhóm trên khắp Afghanistan. Dưới sự chỉ huy của y, Taliban đã sử dụng hỗn hợp các vụ tấn công tự sát, đánh bom ven đường, ám sát và tấn công đô thị quy mô lớn để gây ra hậu quả tàn phá. Hơn 3.500 lính Mỹ và hàng chục ngàn dân thường Afghanistan đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào năm 2001. Hiện giờ, Mỹ cuối cùng cũng phải chuẩn bị rút quân khỏi đất nước này theo các điều khoản trong thỏa thuận với Taliban hồi tháng 2, nhưng đổ máu có lẽ vẫn tiếp diễn. Theo Hội đồng An ninh Quốc gia Afghanistan, chỉ trong một tuần của tháng 6, đã có 291 binh sĩ Afghanistan thiệt mạng.

Sadar đã xoay xở để tạo ra một bước ngoặt phi thường như vậy đối với Taliban, nhưng những thông tin về y vẫn không được nhiều người biết đến. Bạn bè và người quen mô tả y là một chỉ huy tài năng, không quan tâm đến sự nổi tiếng.

Tham gia thánh chiến

Sadar sinh ra ở làng Jogharan, thuộc tỉnh Helmand, miền nam vào khoảng cuối những năm 1960. Huyện quê nhà Sangin của y, một khu vực xanh tươi với những cánh đồng anh túc bạt ngàn, đã chứng kiến một cuộc chiến khốc liệt nhất khi Mỹ kéo quân đến Afghanistan.

Là con trai của một người Pashtun được kính trọng trong bộ lạc Alakozai, Sadar đã dành tuổi trẻ của mình làm nên lịch sử chứ không trở thành một kẻ du mục như những thanh niên Pashtun khác. Sau khi những người cộng sản Afghanistan lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính ở Kabul và năm 1978 và các lực lượng Liên Xô đã xâm chiếm nước này một năm sau đó, Sadar và gia đình bị lôi kéo vào cuộc thánh chiến Hồi giáo. Cùng với cha mình, Sadar đã gia nhập Jamiat-e Islami, một trong những đảng thánh chiến lớn nhất Afghanistan.

Khi chế độ cộng sản Afghanistan bị lật đổ vào năm 1992, Sadar không tham gia vào cuộc nội chiến nổ ra giữa các phe phái mà thay vào đó, y đến Peshawar ở Pakistan để học ở một trường Hồi giáo. Sadar đổi tên của mình thành Ibrahim, theo tên của một trong những nhà tiên tri Hồi giáo. Chẳng mấy chốc, các bạn đồng môn của y đã tặng cho Sadar biệt danh “tổng thống ở Farsi” để tôn vinh khả năng lãnh đạo của y.

Khi cuộc nội chiến nổ ra trên khắp Afghanistan, Taliban nổi lên và tuyên bố sẽ khôi phục luật pháp và trật tự. Sadar đã biết một số thành viên sáng lập và là một trong những làn sóng tân binh đầu tiên thực hiện lời kêu gọi của nhóm, tham gia phong trào khi nó quét qua Kandahar và Helmand vài tuần sau khi thành lập năm 1994. Sadar rất thân thiết với các lãnh đạo Taliban nhưng không muốn nắm giữ vai trò chỉ huy. Mãi đến khi Taliban lên nắm quyền ở Kabul năm 1996, Sadar mới thực sự trở thành chính mình. Y được bổ nhiệm làm người đứng đầu sân bay thủ đô và quan trọng hơn là chỉ huy lực lượng không quân Kabul - giám sát phi đội các máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và máy bay vận tải của Liên Xô.

Trong vai trò chỉ huy lực lượng không quân Kabul và vùng nông thôn xung quanh, Sadar đã đóng một vai trò nhỏ nhưng quan trọng trong việc đè bẹp chế độ trong nước. Các phi công của y đã thực hiện các cuộc không kích và các hoạt động hậu cần chống lại Liên minh phương Bắc - liên minh của các cựu cộng sản và lãnh chúa mà sau này hỗ trợ cuộc xâm lược của Mỹ.

Sadar ngày càng trở nên thân thiết với nhà lãnh đạo tương lai của Taliban, Mullah Akhtar Mohammed Mansour, người đang giữ chức bộ trưởng hàng không dân dụng vào thời điểm đó. Sadar cũng bắt tay xây dựng mối quan hệ với các chiến binh thánh chiến nước ngoài đóng quân ở Kabul, trong đó có Al-Qaeda.

Khi Mỹ xâm chiếm Afghanistan vào tháng 10-2001, Sadar đã đóng quân trên tuyến đầu ở Shomali, ngay phía bắc Kabul, tiến hành chiến đấu với một số tay súng Arab. Rất ít người biết về nơi ở và hoạt động của Sadar trong những năm sau đó. Y được cho là đã trở thành người đứng đầu ủy ban quân sự Taliban, vào năm 2014, khoảng một năm sau khi lãnh đạo phong trào, Mullah Mohammed Omar, chết.

Trở thành lãnh đạo

Khi Mullah Mansour, kẻ đã kế nhiệm Omar làm lãnh đạo Taliban, bị giết trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Pakistan vào ngày 21-5-2016, Sadar đã chứng minh khả năng lãnh đạo của mình. Y lãnh đạo tất cả các tay súng chiến đấu nước ngoài và hoạt động buôn bán thuốc phiện.

Đầu năm nay, có những đồn đoán rằng Sadar đã bị thay thế bởi một trong những con trai của Mullah Omar nhằm hàn gắn sự chia rẽ nội bộ trong Taliban. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết bất kỳ thay đổi nào đối với vai trò của y chỉ mang tính biểu tượng bởi Sadar vẫn là lãnh đạo chính của phong trào quân sự. Một báo cáo gần đây của LHQ mô tả Sadar là lãnh đạo của ủy ban quân sự Taliban. Theo báo cáo của LHQ, y thậm chí đã gặp con trai của Osama bin Laden, Hamza, ở Sangin vào mùa xuân năm 2019 để trấn an rằng Taliban sẽ không phá vỡ mối quan hệ lịch sử với Al-Qaeda bằng bất cứ giá nào.

Vài tháng sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Hamza bin Laden đã bị giết trong một chiến dịch chống khủng bố của người Mỹ. Tuy nhiên, Washington hiện đang đứng trước bờ vực thất bại. Theo các điều khoản của thỏa thuận rút quân mà Washington đã ký với Taliban vào tháng 2 vừa qua, Mỹ sẽ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan vào năm tới. Đổi lại, các sứ giả chính trị Taliban đã đồng ý không chứa chấp các nhóm khủng bố nước ngoài.

Hiện giờ Taliban phải quyết định xem có nên chấm dứt cuộc nổi dậy và làm hòa với chính phủ Afghanistan hay cố gắng giành lấy chính quyền bằng vũ lực sau khi Mỹ rời đi. Ý kiến của Sadar sẽ rất quan trọng. Y là một người rất có ý chí mạnh mẽ. Với y, có có nghĩa là có và không có nghĩa là không”, một doanh nhân ở Kandahar cho biết.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_228300_mullah-ibrahim-sadar-ke-da-duoi-my-khoi-afghanistan.aspx