Mừng - lo đào tạo bác sĩ

Năm 2024 có thêm một trường đại học đa ngành được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh đào tạo ngành y đa khoa bậc đại học. Tiếp nhận thông tin này, nhiều người vừa mừng vừa lo!

Theo Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu đạt tỷ lệ 15 bác sĩ trên 10.000 dân vào năm 2025. Hiện nay, số bác sĩ trung bình trên 10.000 dân ở nước ta là khoảng 12,5. Như vậy, để đạt được mục tiêu này, từ nay đến năm 2025 cần phải đào tạo thêm ít nhất 25.000 bác sĩ. Tăng quy mô đào tạo bác sĩ thông qua việc cho phép các cơ sở giáo dục đại học mở mới mã ngành đào tạo là phù hợp với mục tiêu trong quy hoạch, từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đây là điều đáng mừng.

Sinh viên Khoa Y trong một giờ học thực hành kỹ năng y khoa. Ảnh: suckhoedoisong.vn

Tuy nhiên, việc tăng quy mô đào tạo bác sĩ trong bối cảnh “bùng nổ” đào tạo đại học như hiện nay khiến dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng khi có dấu hiệu “hụt hơi” về chất lượng đào tạo.

Lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở nếu phân tích “đầu vào” của các trường y. Thực tế công tác tuyển sinh những năm qua cho thấy, các trường đại học chuyên ngành y có bề dày truyền thống, điểm chuẩn luôn ở mức cao, hầu như chỉ học sinh giỏi mới có khả năng đỗ và theo học. Ngược lại, những trường đào tạo đa ngành, trong đó mới mở mã ngành y thì điểm chuẩn chênh lệch rõ rệt, thường thấp hơn 3-5 điểm, học sinh học lực trung bình khá cũng có thể trúng tuyển. Theo các chuyên gia, y khoa là một trong những lĩnh vực rất khó, chất lượng “đầu vào” có ý nghĩa tiên quyết, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. “Đầu vào” thấp thì rất khó, nếu không muốn nói là không thể đào tạo ra những bác sĩ có chuyên môn, năng lực tốt!

Một vấn đề nữa là đào tạo bác sĩ cần đội ngũ giảng viên có trình độ, cơ sở vật chất, nơi thực tập, thực hành đầy đủ, không thể giảng dạy, học tập “chay”. Thế nhưng, trong khi các trường đại học chuyên ngành y đều có bệnh viện thực hành thì nhiều trường mới mở mã ngành y lại không có. Tất nhiên, những yếu tố này đều đã được các trường chuẩn bị, có phương án phù hợp, được các bộ, ngành, cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá, nhưng thực tế trong suốt quá trình đào tạo, điều đó có duy trì đúng, đủ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả hay không vẫn là câu hỏi được dư luận đặt ra.

Bất kỳ ngành nghề nào cũng cần quan tâm đến chất lượng đào tạo, song ngành y có tính đặc thù, trình độ, năng lực của bác sĩ liên quan trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân. Bởi vậy, chất lượng đào tạo bác sĩ trong trường đại học càng cần được đặc biệt chú trọng. Sẽ là lý tưởng nếu vừa mở rộng được quy mô vừa bảo đảm được chất lượng đào tạo. Ngược lại, khi xuất hiện mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng thì sự lựa chọn phải là chất lượng, nếu không hậu quả sẽ khôn lường!

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/mung-lo-dao-tao-bac-si-775690