Mừng – lo điện mặt trời tự sản, tự tiêu

Bộ Công Thương hiện đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Các doanh nghiệp và người dân vừa mừng vừa lo. Mừng bởi điện mặt trời trên mái xưởng được công nhận, nhưng lại lo vì nếu đầu tư điện mặt trời, thì lượng điện thừa có được phép bán cho các hộ gia đình hay bán cho các doanh nghiêp hay không

Điện mặt trời mái nhà đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm

Công ty CP Tập Đoàn Kim Đức có nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đây là nhà cung cấp bao bì hàng đầu cho các chuỗi bán lẻ toàn cầu, đồng thời cũng là thành viên tích cực thực hiện tiêu chuẩn toàn cầu và tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh của Hiệp hội bán lẻ Anh Quốc (BRC).

LIÊN KẾT GIÚP ĐÁP ỨNG TIÊU CHUẨN XANH

Trên hệ thống mái nhà xưởng Kim Đức đã lắp đặt 4.937 tấm pin năng lượng mặt trời LONGi 450Wp hiệu suất cao, có khả năng chịu được các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và môi trường. Dưới mặt đất phía bên ngoài nhà xưởng, lắp đặt 8 bộ chuyển đổi và hòa lưới inverter SMA 110KW và 13 bộ SMA 75kW, những thiết bị hòa lưới uy tín và chất lượng trên thị trường.

Hệ thống điện mặt trời tại Công ty Kim Đức được phát triển theo phương án hợp tác mua bán điện PPA (Hợp đồng mua bán điện giữa bên mua điện và bên bán điện), do Quỹ đầu tư Ecoligo (CHLB Đức) làm chủ đầu tư, Công ty Vũ Phong Energy Group cung cấp dịch vụ Tổng thầu (EPC) và vận hành bảo dưỡng. Lượng điện mặt trời sản xuất ra sẽ được bán cho nhà máy Kim Đức để phục vụ năng lượng cho sản xuất hàng hóa.

Ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vũ Phong Energy Group.

"Hệ thống điện mặt trời mái nhà như một “mũi tên trúng nhiều đích” vì không chỉ góp phần tiết giảm chi phí sản xuất mà còn giúp doanh nghiệp có chứng nhận về sử dụng năng lượng sạch và góp phần trong thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP 26".

Với công suất 2,22 MWp, chỉ tính riêng trong năm 2022, hệ thống đã tạo ra sản lượng khoảng gần 2.600 MWh điện, đóng góp khoảng 12-13% nhu cầu lượng điện tiêu thụ của nhà máy Kim Đức. Khối lượng điện tự sản tự tiêu này được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao, đã giúp giảm phát thải khoảng 1.900 tấn CO2, tương đương với gần 31.000 cây xanh được trồng trong 10 năm.

Việc sử dụng năng lượng tái tạo với giá hấp dẫn không chỉ giúp tối ưu chi phí vận hành, mà quan trọng hơn cả là giúp Kim Đức đáp ứng các tiêu chí về việc xanh hóa sản xuất. Theo đại diện Công ty Kim Đức, những năm gần đây, một số đối tác nhập khẩu hàng phía EU yêu cầu quá trình sản xuất hàng hóa phải chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Trong khi điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam sản xuất vẫn có tỷ lệ rất lớn được sản xuất từ nhiệt điện than đá. Vì vậy, sử dụng điện mặt trời phục vụ sản xuất sẽ dễ dàng đáp ứng được yêu cầu sử dụng năng lượng sạch do đối tác đưa ra.

Lãnh đạo Vũ Phong Energy Group cho biết hệ thống điện mặt trời trên mái nhà máy của Công ty Kim Đức là mô hình hợp tác linh hoạt mà Vũ Phong Energy Group tiên phong triển khai tại Việt Nam. Để có được hệ thống điện mặt trời mái nhà, doanh nghiệp chỉ cần tận dụng mái nhà máy đang có, phần còn lại do Vũ Phong Energy Group chịu trách nhiệm đầu tư và vận hành hệ thống. Doanh nghiệp thụ hưởng sẽ được mua và sử dụng điện mặt trời với giá luôn thấp hơn (đến 20 - 30%) so với giá điện từ EVN trong suốt thời gian cam kết. Kết thúc hợp đồng, doanh nghiệp có thể nhận chuyển giao hệ thống miễn phí với hiệu suất cam kết trên 80 - 90% tùy điều kiện.

Mô hình này đã được Vũ Phong liên kết triển khai với nhiều doanh nghiệp lớn, như: Vinamilk tại tỉnh Bình Dương với công suất điện mặt trời áp mái lắp đặt 3,39 MWp; Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại nhà máy Golden Victory ở tỉnh Nam Định, với công suất 2,90 MWp. Nhà máy da giày FDI, đơn vị cung cấp cho các thương hiệu thể thao nổi tiếng toàn cầu như NIKE đã liên kết với Vũ Phong để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, giúp tiết kiệm 21% chi phí năng lượng cho nhà máy.

Vũ Phong cũng đang triển khai lắp đặt điện mặt trời tại các nhà máy lớn khác, như: Dự án Nhà máy Quang Quân ở Hà Nam và Thừa Thiên – Huế với tổng công suất 3.5 MWp; Dự án nhà máy Duy Tân tại tỉnh Bình Dương với công suất 2,17 MWp; Dự án nhà máy Kềm Nghĩa tại TP.HCM với công suất 2,23 MWp; Dự án nhà máy Chiến Thắng Aluminum ở Bắc Ninh với công suất 1,15 MWp; Dự án nhà máy SHINTS BVT tại Hải Dương với công suất 621,72 kWp…

Phó Tổng Giám đốc Công ty Vũ Phong cũng khẳng định: “Hệ thống điện mặt trời mái nhà như một “mũi tên trúng nhiều đích” vì không chỉ góp phần tiết giảm chi phí sản xuất mà còn giúp doanh nghiệp có chứng nhận về sử dụng năng lượng sạch và góp phần trong thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP 26".

Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường lớn đang tăng cường áp dụng các cơ chế, chính sách về giảm phát thải, như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ… đòi hỏi việc tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp chủ động sử dụng nguồn cung điện mặt trời tại chỗ cũng góp phần giảm áp lực cho hệ thống điện khu vực.

CẦN "CHỢ ĐIỆN" QUY MÔ NHỎ

Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Điều đáng mừng, trong dự thảo đã đưa chủ trương với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, loại hình này ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.

Những động thái này từ phía Bộ Công Thương đang khiến nhiều doanh nghiệp “vừa mừng vừa lo”. Mừng, bởi điện mặt trời mái nhà, mái xưởng được công nhận và cho phép phát triển. Nhưng lo vì không phải người dân, doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu sử dụng hết lượng điện mặt trời do họ sản xuất ra, nếu lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Vậy lượng điện thừa có được phép bán cho các hộ gia đình hay bán cho các doanh nghiêp xung quanh hay không?

Ông Trần Văn Trãi, một doanh nhân nhỏ ở Long An, cho biết ban đầu công ty ông dự định tận dụng diện tích 2.000 m2 trên mái nhà xưởng để lắp đặt điện mặt trời, thế nhưng sau khi tính toán ông đã đổi ý. Mặc dù, mức giá lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái đã giảm so với trước đây, nhưng số tiền đầu tư cũng lên đến hơn một tỷ đồng. Với chi phí đó, lượng điện dư thừa không được bán thì sẽ rất lãng phí...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2024 phát hành ngày 13/05/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/mung-lo-dien-mat-troi-tu-san-tu-tieu.htm