Mười hai thế kỷ văn học Nhật Bản [Kỳ 2]

Ba thể loại tiểu thuyết, sân khấu và thơ nổi lên thời kỳ này với ba đại diện ưu tú là Ihara Saikaku, Chikamatsu Monzaemon và Matsuo Bashō.

Văn học thị dân và dân gian

Sự phục hưng văn học bắt đầu từ thế kỷ XVII, vào đầu thời kỳ dòng họ tướng quân Tokugawa đóng phủ Chúa ở Edo (nay là Tokyo). Văn học thương nhân – thị dân thời kỳ đầu phát triển theo khuôn mẫu thế kỷ XVII cho đến giữa thế kỷ XVIII.

Trong hai thế kỷ rưỡi cô lập, không quan hệ với bên ngoài, nền văn học ấy không có men mới nên mất dần sinh khí, nhất là khi bước sang thế kỷ XIX.

Nhân vật trung tâm của văn chương không còn là các vương tôn, công tử, tiểu thư, phu nhân ở cung đình thời Heian nữa; cũng không còn là những võ sĩ xông pha nơi chiến trận thời đầu Trung cổ nữa; mà đó là những phú thương, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công, gái giang hồ… các tầng lớp thị dân.

Ba thể loại tiểu thuyết, sân khấu và thơ nổi lên thời kỳ này với ba đại diện ưu tú là Ihara Saikaku, Chikamatsu Monzaemon và Matsuo Bashō.

Nhà thơ Ihara Saikaku (1642-1693).

Ihara Saikaku (1642-1693), là nhà thơ, viết tiểu thuyết, một trong những nhân vật xuất sắc nhất của văn học Nhật Bản thời Edo. Ông là phú thương ở thành phố Osaka, đến năm bốn mươi tuổi thì rút lui về viết văn. Đi lại nhiều, nhận xét tinh tế, ông viết với một văn phong hiện thực, hài hước, chính xác như thể thơ Haiku mà ông rất thạo.

Ông đã viết trong 12 năm tập Truyện kể về cuộc đời phù du (Ukiyo-zōshi – Phù thế thảo tử, một thể loại tiểu thuyết viết các chuyện về thế giới trôi nổi). Ông chỉ đề cập vấn đề đương thời: truyện tình say đắm hay truyện huê tình, chiến tranh, truyện giới buôn bán, tạo thành “tấn trò đời” ở thị thành và tỉnh lẻ. Ông kể những chuyện ngồ ngộ.

Có truyện kể về cô vợ xinh đẹp của một tiểu chủ giăng bẫy hộ cho một cô hầu yêu người làm công của chồng; rút cục chị ta ngủ quên trong vòng tay của y. Sau đó, chị phải cùng y đi tha phương; cả hai bị bắt và bị trừng phạt. Truyện khác kể về dân một làng hẻo lánh thờ một cái ô từ đâu bay đến; thần ô đòi dâng hiến cho một phụ nữ; một chị góa trẻ xung phong; đợi mãi chẳng thấy thần đến, chị cáu xé tan cái ô…

Ihara Saikaku cho đến cuối đời sáng tác khoảng 12 tập thơ và tác phẩm phê bình thơ, trong đó có tập thơ (khoảng 23.500 bài) ông sáng tác chỉ trong một ngày. Sau cái chết của vợ (1675), ông sáng tác một bài thơ Haikai (lối thơ dài trong dòng thơ quốc âm waka - Hòa ca của Nhật Bản) dài hàng nghìn câu trong mười hai giờ (Haikai Dokugin Ichinichi – Haikai Một ngày độc thân nghìn thơ), đồng thời, ông quyết định trở thành nhà sư tại gia và bắt đầu đi du lịch khắp Nhật Bản.

Ông viết nhiều tiểu thuyết nổi tiếng như: Cuộc đời của một người đàn ông đa tình (Koshuku Ichidai otoko, 1682), Năm người phụ nữ yêu tình yêu (Koshoku Gonin Onna, 1686)...

* * *

Chikamatsu Monzaemon (1653-1725) là nhà viết kịch theo hình thức múa rối và kịch diễn viên trực tiếp, ông được coi là “nhà viết kịch vĩ đại nhất của Nhật Bản” và là Shakespeare của Nhật Bản. Xuất thân từ gia đình thuộc tầng lớp võ sĩ, ông tinh thông Hán học và đi ở chùa một thời gian.

Kịch của ông vượt xa văn học đương thời, mặc dù vì quá chú ý đến đặc điểm của kịch múa rối, giá trị văn học có lúc bị kém đi. Đến nay, kịch của ông vẫn có một số nét hiện đại; nêu lên số phận con người qua những nhân vật tầng lớp dưới, bị số phận bạc đãi – vừa hiện thực vừa trữ tình.

Ông không khen ngợi, không lên án những chủ gia đình mê gái, những gái giang hồ, mà thương họ. Đức tính được đề cao là Nghĩa (Giri, chữ Hán là Nghĩa lý); chữ Nghĩa ở đây chỉ một nhiệm vụ, món nợ tinh thần phải trả. Những kịch nổi tiếng của Chikamatsu gồm có Vụ tự tử hai người ở Sonezaki (Sonezaki Shinju, 1703), Tự tử vì tình ở Amijima (Shinju Ten no Amijima, 1721) và Người đưa tin cho địa ngục (Meido no Hikyaku, 1711)…

* * *

Matsuo Bashō (1644-1694) tức Ba Tiêu thiền sư là nhà thơ và danh họa. Xuất thân từ gia đình tá điền, còn trẻ, ông tìm thú vui trong văn chương. Ông rất sành thơ Trung Quốc. Sau khi làm việc quan một thời gian, ông tu Thiền tông. Ông lập ra Tao đàn Sofu (Tiêu phong - ẩn ý về đời người nghệ sĩ như những tàu lá ba tiêu bị xé tan trong gió những đêm giông bão), chủ trương diễn tả tình cảm chân thật, không bị gò bó bởi niêm luật, hình thức.

Ông đi ngao du ở nhiều nơi rồi về gần Yedo trong một gian nhà giản dị bên sông. Trước nhà có vườn chuối, do đó đặt tên là Bashō-am. Nhà bị cháy, ông lại đi ngao du những nơi thắng cảnh, làm thơ và vẽ thủy mặc, tôi luyện tâm thần và nghệ thuật làm thơ.

Ông có công lớn canh tân thể thơ Haiku vốn chỉ là một thể thơ hài hước tầm thường, niêm luật khắt khe, nặng về chơi chữ. Mỗi bài Haiku chỉ có ba câu 5 + 7 + 5 âm.

Ông mở rộng đề tài Haiku, đưa vào thơ những tiếng bình dân và nội dung triết lý, trữ tình phóng khoáng, có nhiều rung cảm tế nhị. Bài thơ Haiku cuối cùng của ông nói về một đêm nhà thơ và các người đồng hành ngủ trong một quán trọ với hai gái giang hồ. Hai cô xin nhập đoàn, nhưng hòa thượng không dám nhận vì còn rẽ đi nhiều nơi khác.

Ông thương họ và làm bài thơ về việc này. Những tác phẩm chính của ông gồm: Nhật ký phơi thân đồng nội (Nozarashi Kikō, 1685), Xuân nhật (Haru ni Hi, 1686), Nhật ký hành trình Kashima (Kashima Kikō, 1687), Lối lên miền Oku (Oku no Hoshomichi, 1689), Nhật ký Saga (Saga Nikki, 1691)...

Muốn thưởng thức được mỗi bài thơ Haiku, cần hiểu hoàn cảnh thơ ra đời và điển tích làm nền cho thơ.

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/muoi-hai-the-ky-van-hoc-nhat-ban-ky-2-236158.html