Mười lăm ngày trên vùng biên giới Tây Nam (bài 4)

Ăn bữa điểm tâm cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Mỹ Quý Tây để thêm 'thấm đẫm tình chủ khách', chúng tôi tạm biệt để ngược lên đầu nguồn dòng Vàm Cỏ Tây - vùng biên hiểm yếu thuộc đất Mộc Hóa, Long An. Không còn dấu tích của một con lộ nhỏ nhấp nhô gò trũng ngày nào, đường tuần tra biên giới nối hai vùng biên ải Đức Huệ - Mộc Hóa như dải lụa vắt ngang miền đất linh thiêng còn hiện hữu rất nhiều đình, miếu thờ các bậc tiền hiền, những người có công tiên phong khai phá biến rừng rậm, đồng hoang thành ruộng vườn, làng mạc phì nhiêu, trù phú như bây giờ…

Bài 4: Hồn hậu xóm giềng biên giới

Thị trấn Mộc Hóa "nhỏ xíu như con liu điu" - theo lối nói của dân miền Tây nhưng may mắn được sở hữu khá nhiều địa danh nổi tiếng gắn liền với những chiến công hiển hách của cha ông trong quá trình trấn giữ biên cương, chống giặc ngoại xâm, mà tiêu biểu nhất là Gò Bắc Chiêng nằm ở tả ngạn sông Vàm Cỏ Tây. Vốn là một trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự rất quan trọng của cả vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn, từ thời Nguyễn, nhà vua đã cho đặt tại vùng này một đồn lũy để trấn giữ biên giới, được gọi là thủ sở Tuyên Oai.

Khoảng năm 1864-1866, đồn Tuyên Oai là một trong những chiến lũy quan trọng của căn cứ Đồng Tháp Mười trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của Thiên hộ Dương - Đốc binh Kiều. Xuôi dòng lịch sử, thời "chín năm" kháng chiến chống thực Pháp, nơi đây cũng đã nổi tiếng bởi có những chàng trai anh tuấn xếp việc bút nghiên theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi, để sung vào Tiểu đoàn "ba lẻ bảy" oai hùng, làm nên những chiến thắng đã đi vào sử sách.

Cái bắt tay thắm tình đoàn kết giữa Thượng tá Phạm Hữu Lôi và Đại úy Sinh Nươn. Ảnh: Xuân Hoàng

Đến Mộc Hóa khi chỉ còn non tháng nữa, mùa nước nổi sẽ về, ấn tượng đầu tiên về vùng đất này đối với tôi là những con kênh chằng chịt, hai bên ken dày cây trái sum suê. Thấp thoáng trên mặt nước là những chiếc ghe thương hồ chòng chành xuôi ngược, cùng những con tàu nhỏ chạy máy khuấy tan bầu không khí thanh vắng của làng quê vùng sông nước.

Hình ảnh trên khiến tôi liên tưởng đến những cánh đồng bát ngát mênh mông, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài ở Nam bộ mà vùng đất này là một trong những "đại diện" - được nhà văn Đoàn Giỏi miêu tả trong tiểu thuyết để đời "Đất rừng phương Nam". Lùi về quá khứ xa hơn nữa, tôi cũng mường tượng ra tháng ngày theo dòng cuộc sống cô thôn êm trôi như tờ lịch rớt hằng ngày ở miền quan tái từ thủa xa xưa, khi những lưu dân người Việt đến lưu vực hai nhánh sông Vàm Cỏ để kiếm tìm cuộc sống mới…

Góp phần giữ gìn những gò, giồng hội tụ phù sa tạo nên những miệt vườn cây trái xanh tươi trù phú, những nhánh sông cho tôm cá nặng tay lưới của người dân chài cùng không gian, bờ cõi thanh bình "cò nghiêng cánh mỏi lưng trời/ chiều xanh Mộc Hóa ngập lời mía reo" ở một vùng phên giậu đất nước là những người lính ở Đồn BP Bình Hòa Tây.

"Giữ vững chủ quyền cương thổ quốc gia vừa là trách nhiệm, vừa là nhiệm vụ thiêng liêng của người lính Biên phòng cũng như mỗi người dân Việt Nam. Với người dân vùng biên Mộc Hóa chúng tôi thì gìn giữ bờ cõi ông cha để lại cũng chính là giữ nguồn sống cho mình, cho con cháu mình…" - Lời nói gan ruột của ông Phan Văn Thơi, ở ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây giúp tôi thêm hiểu về "lẽ tự nhiên" đối với nhiệm vụ tham gia giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của người dân nơi đây.

Những phong trào, những việc làm cụ thể của người dân Bình Hòa Tây trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới theo lời ông Thơi kể khiến chúng tôi hết sức ấn tượng. Đặc biệt là việc vun đắp nghĩa tình, sự đoàn kết giữa người dân Việt Nam và Cam-pu-chia hai bên biên giới - theo cách nói của ông - đó mới là thành lũy vững vàng nhất. Chúng tôi gặng hỏi, ông Thơi cười, rồi chỉ vào Thượng tá Phạm Hữu Lôi, Đồn trưởng Đồn BP Bình Hòa Tây: "Lát nữa, các nhà báo cứ "bám" chú Lôi đây sẽ rõ…".

Thì ra, chúng tôi đến đúng dịp chỉ huy Đồn BP Bình Hòa Tây có buổi làm việc với Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Tà Nốt cùng chính quyền xã Tà Nốt (huyện Kom-pông Ro, tỉnh Svây-riêng). Trong nửa giờ đàm đạo với Đồn trưởng Phạm Hữu Lôi về "sợi dây tình cảm" kết nối giữa người dân hai bên biên giới vốn chất chứa ân tình, làm gần lại bao phận người giữa hai quốc gia Việt Nam - Cam-pu-chia, cũng vừa lúc Đoàn công tác của nước bạn Cam-pu-chia có mặt tại cổng đơn vị.

Sau những cái bắt tay thật chặt cùng tuần trà "khai mào", câu chuyện rôm rả giữa hai bên được thay bằng không khí nghiêm túc nhưng hết sức chân tình, cởi mở. Lần đầu tiên được tham gia một cuộc họp "mang tính chất quốc tế" với nội dung trao đổi tình hình, công tác phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới, những vấn đề còn tồn tại và phương hướng giải quyết của lực lượng bảo vệ biên giới hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia, đã giúp tôi thấu hiểu mối liên quan giữa nhiệm vụ được coi là nhạy cảm nơi biên giới với quan hệ hỗ trợ công việc hằng ngày cùng tình bạn đẹp giữa nhân dân và những người lính Biên phòng Việt Nam với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn.

Những tâm sự như được rút từ đáy lòng của Đại úy Sinh Nươn, Đồn trưởng Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Tà Nốt là một "bằng chứng" sống động. Sau khi kể về việc cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bình Hòa Tây đầu tư giúp người dân Tà Nốt 1 héc-ta lúa cao sản để nhân giống ra toàn xã, anh Sinh Nươn bảo, đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện giản dị mà BĐBP Việt Nam đã giúp để thay đổi cuộc sống của người Khmer ở vùng biên Tà Nốt còn nhiều nghèo khó. Đoạn anh "chốt" lại: "Tôi luôn coi những người bạn Việt Nam là thân thiết nhất. Ở đâu không biết, chứ cứ xem ở Kom-pông Ro, trong đó có Tà Nốt, từ trước tới nay, không ai giúp nhân dân Cam-pu-chia bằng người Việt Nam…".

"Tình cảm của người dân Tà Nốt đối với "hàng xóm" Việt Nam ngày càng gắn bó keo sơn. Chúng tôi luôn coi nhau như người thân trong một nhà. Đó là điều mà chúng tôi vui mừng nhất…" - ông Buôl Kim, Thư ký Ủy ban xã Tà Nốt, thành viên Đoàn công tác tươi cười nói khi tôi hỏi về mối quan hệ giữa hai bên biên giới.

Theo ký ức của ông, cách đây chưa lâu, hai xã Bình Hòa Tây của Việt Nam và Tà Nốt bên Cam-pu-chia đều nghèo xơ xác, cùng canh tác trên những thửa ruộng giáp nhau dọc đường biên giới. Hồi đó chưa có mốc giới đàng hoàng như bây giờ, bà con hai bên cứ căn theo lằn ranh bờ ruộng đã hiện hữu từ bao đời nay. Tới mùa, người dân hai bên thường giúp nhau đổi công, rồi cùng chung vui lễ mừng lúa mới. "Bây giờ cũng vậy, mặc những kẻ quá khích cố tình gây rối xa lạ từ ở đâu đến, ở vùng biên giới quanh cột mốc 203, người dân hai bên vẫn thân thiện như lâu nay vẫn thế…" - ông Buôl Kim nhấn mạnh thêm.

Anh Xrây Tat, ấp phó ấp Pô, xã Tà Nốt trò chuyện cùng những người anh em Việt Nam. Ảnh: Hồng Hắc

Theo chân anh Xrây Tat, ấp phó ấp Pô, xã Tà Nốt, cũng là một thành viên Đoàn công tác, chúng tôi đến thăm gia đình bà Trương Thị Dứng - chủ một quầy hàng tạp hóa ở ấp Bình Bắc, là mối hàng quen chuyên cung cấp mắm, gạo, cá khô cho vợ anh cũng như bà con trong ấp Pô. Gia đình bà Dứng định cư ở ấp Bình Bắc đã được gần 4 thập kỷ, khi vùng này còn hoang hóa, đầy cây tràm và cỏ dại.

Bà Dứng kể: "Làm cái nghề bán hàng "xuyên quốc gia" theo cách nói đùa của bà con trong ấp như tui cũng tạm được, tuy không giàu có. Cũng như bên mình, nhiều người dân Tà Nốt còn nghèo, qua mua hàng chỗ tui thường thiếu nợ, có người còn hẹn tới mùa mới trả được. Chẳng sao cả! Bên ấy, người ta sống thật thà, tình cảm không khác gì dân mình…".

Vì công việc. chúng tôi phải chia tay hai "phái đoàn" Việt Nam, Cam-pu-chia mà không thể cùng nâng chén rượu "sa-ma-khi" với nhau, để ghé qua thăm cột mốc 203, nơi cách đây không lâu, đám đông cả ngàn người do đảng đối lập Cứu nguy dân tộc bên Cam-pu-chia đi trên hàng trăm chiếc xe ô tô từ Phnôm Pênh kéo đến để gây chuyện. Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Đời, chủ một vườn dừa nằm cách cột mốc biên giới một đoạn ngắn cho biết, lúc đám đông đi sâu qua khỏi cột mốc 203 mấy trăm mét thì bị nhiều người dân Việt Nam đang canh tác gần đó đứng chắn lại, không cho họ tiến thêm vào.

Thế nhưng, bị kích động bởi những phần tử quá khích, một số đối tượng vẫn tiếp tục tiến tới, rồi bất thình lình dùng cán cờ cùng hung khí tấn công làm nhiều người dân Việt Nam bị thương. Chỉ đến khi lực lượng của Đồn BP Bình Hòa Tây cùng dân quân địa phương đến hỗ trợ, đám đông mới chịu lùi về phía bên kia cột mốc.

"Họ kéo người từ đâu tới, chứ bà con bên Tà Nốt và Bình Hòa Tây tụi tui thương nhau lắm chớ bộ, có phải không anh Suôl Chăn?". Nghe ông Đời hỏi vậy, người đàn ông Cam-pu-chia tên là Suôl Chăn, nhà ở bên Tà Nốt, hiện đang giúp ông Đời chăm sóc vườn dừa, gật đầu cùng nụ cười chất phác…

… Cuộc hành trình của chúng tôi tạm thời khép lại bên cột mốc 203, nhưng chúng tôi hy vọng một ngày không xa sẽ được quay trở lại để lắng nghe những câu chuyện xóm giềng biên giới hồn hậu như chính tâm hồn sáng trong của người dân hai bên biên giới nơi đây. Hình dung về những cung đường biên ải Tây Nam đang chờ đợi ở phía trước với bao điều còn cất giữ trong nắng, trong mưa, bất giác, tôi chợt nghĩ đến lời của vị Tư lệnh BĐBP Việt Nam - Trung tướng Võ Trọng Việt: "Biên giới là ranh giới của mỗi nước, còn lòng dân hai bên thì không có ngăn cách…".

Bài 5: Gặp ở Dinh Bà

Nhâm Hồng Hắc - Nguyễn Xuân Hoàng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/muoi-lam-ngay-tren-vung-bien-gioi-tay-nam-bai-4/