Mười năm ôm đơn đi đòi công lý

Nữ thanh niên xung phong 'Trường Sơn huyền thoại' Lê Thị Minh Hạnh (Sinh năm 1939, thôn 24, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), cùng đồng đội hy sinh mồ hôi, nước mắt, xương máu để mở đường cho những chuyến Nam tiến cứu Quốc. Trái với những câu chuyện ác liệt nơi chiến trường, gần 10 năm trôi qua bà mòn mỏi đi tìm đòi công lý

Nội dung sự việc

Sự việc xảy ra vào năm 1980, gia đình bà Lê Thị Minh Hạnh khai hoang lô đất tại thôn 24, xã Cư Êwi, huyện Krông Ana tỉnh Đắk Lắk (nay thuộc thôn 24, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin), nhằm phục vụ sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Năm 1988, gia đình bà được nông trường Quốc doanh Ea Ktuar (nay là xí nghiệp Liên hiệp cà phê Việt Đức) đồng ý cho phép sử dụng diện tích khai hoang này với tổng diện tích đo đạc là 4.925 m2. Sau đó, năm 2005 bà Hạnh đã san nhượng 3.600 m2 (còn lại 1.325 m2 - PV) cho con trai là anh Nguyễn Tri Phương làm nhà ở.

Thửa đất trước kia của bà Hạnh, hiến đất để làm đường cấp phối là minh chứng rõ rang nhất về nguồn gốc đất

Năm 1986, xí nghiệp Liên hiệp cà phê Việt Đức, tiến hành làm đường cấp phối, bà Hạnh đã đồng ý cho đơn vị này múc đất để san lấp nền đường, trên diện tích còn lại (1.325m2). Sau khi hiến đất làm đường, khu đất của bà Hạnh không thể sản xuất, trồng hoa màu vì đất xấu và hay bị ngập nước do múc quá quá sâu. Cùng với điều kiện gia đình đông con, khó khăn, bà không thể san lấp lại mặt bằng, mà chỉ trồng một số cấy lâu năm như Bơ, Muồng đen để giữ đất. Trong quá trình sử dụng từ khi khai hoang (năm 1980) đến năm 2010, chưa hề có đơn thư khiếu nại, khiếu kiện, thu hồi hay tranh chấp từ cá nhân cũng như cơ quan chức năng.

Ngày 11/9/2006 Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, đã ban hành Quyết định thu hồi số 1704/QĐ-UBN, về việc thu hồi hơn 857 héc-ta đất, trong đó có thửa đất số 13596 (thửa đất 1.325 m2 của bà Hạnh khai hoang năm 1980 - PV). Biết được thông tin này, năm 2010 gia đình bà Hạnh, đã làm thủ tục xin cấp quyền sử dụng diện tích đất trên thì "tá hỏa" phát hiện lô đất đã được cấp Quyền sử dụng đất cho ông Hồ Ngọc Tú (Sinh năm 1977, trú cùng thôn 24, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin).

Quá bức xúc, bà Hạnh đã làm không biết bao nhiêu đơn thư khiếu nại, khiếu kiện về những sai phạm của cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc cấp đất cho hộ gia đình ông Hồ Ngọc Tú. Thậm chí sau khi Tòa án Nhân dân huyện Cư Kuin, tiến hành xử sơ thẩm, phúc phẩm đều cho kết quả bà Hạnh thua kiện. Không đồng ý với những bất công ấy, bà tiếp tục kiện lên Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và thêm một lần nữa tòa lại tuyên thua kiện.

Trao đổi với chúng tôi những hàng xóm, cũng là những người vào thôn 24, xã Ea Ning lập nghiệp những năm 1980, không khỏi bức xúc về việc cơ quan chức năng có thẩm quyền lại ngang nhiên cấp Quyền sử dụng đất cho hộ ông Hồ Ngọc Tú, trên đất của bà Hạnh khai hoang những năm 1980.

Ông Nguyễn Đình Sơn (Sinh năm 1946, thôn 24, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin), bức xúc: "Tôi vào đây năm 1982, nên tôi biết rất rõ về đất đai ở đây, khi tôi vào lô đất hiện đang tranh chấp đó gia đình bà Hạnh đã phát quang, trồng đậu, bắp. Năm 1986, khi công ty làm đường cấp phối cũng chính bà Hạnh đã hiến số đất này cho họ múc làm đường. Hiện trạng vẫn còn rành rành ra đấy". Bà Ngô Thị Hương (Sinh năm 1955, thôn 24), cũng cho biết, bà vào đây năm 1983, cũng ở gần nhà bà Hạnh nên khẳng định rằng thửa đất đang tranh chấp là của bà Hạnh đã canh tác từ lâu và không có ai tranh chấp. Còn rất nhiều những người hàng xóm của bà Hạnh, vào những năm 1980 đều tỏ ra bức xúc, họ sẵn sàng ký giấy và đứng ra làm chứng cho bà Hạnh về chủ quyền của mảnh đất nêu trên.

Bà Lê Thị Minh Hạnh, bên đống đơn thư sau gần 10 năm mòn mỏi vẫn chưa đòi được công lý.

Những dấu hiệu "bất thường" trong cấp QSDĐ

Vào ngày 31/7/2012, Tòa án Nhân dân huyện Cư Kuin, do ông Lê Lợi, chủ tọa phiên Tòa tiến hành xử sơ thẩm vụ án "Kiện tranh chấp quyền sử dụng đất", kết thúc phiên tòa, Chủ tọa tuyên bố, bác yêu cầu khởi kiện của bà Hạnh, tuyên bà thua kiện.

Quá bất bình với bản tuyên án đó, bà Hạnh đã có đơn thư khiếu nại lên Ủy ban nhân dân huyện Cư Kuin, mong làm sáng rõ vụ việc. Sau đó, huyện Cư Kuin, đã giao cho Thanh tra huyện, kiểm tra, xác minh. Theo đó, ngày 05/12/2012, Thanh tra huyện Cư Kuin, đã có báo cáo số 07/BC-T.Tr, về việc trả lời đơn của bà Hạnh.

Theo kết quả của thanh tra cho thấy, có rất nhiều điểm bất thường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc cấp Quyền sử dụng đất cho hộ gia đình ông Hồ Ngoc Tú.

Cụ thể: Đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 590342, cấp ngày 23/11/2007 (thửa đất số 13596, tờ bản đồ số 03), do Ủy ban nhân dân huyện Krông Ana cấp cho hộ ông Hồ Ngọc Tú, có nhiều uẩn khúc chưa được giải đáp.

Ngày 27/8/2007, Ủy ban nhân dân huyện Cư Kuin, có quyết định thành lập trên cơ sở chia tách địa giới hành chính huyện Krông Ana (Đắk Lắk). Như vậy, thời thời điểm Ủy ban nhân dân huyện Krông Ana cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho hộ ông Hồ Ngọc Tú (ngày 23/11/2007), là không hợp lý. Bởi vì lúc này diện tích lô đất số 13596, (tờ bản đồ số 3) đã thuộc địa giới hành chính huyện Cư Kuin quản lý.

Cũng trong ngày 23/11/2007, Ủy ban nhân dân huyện Krông Ana, công bố danh sách đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất có 302 hộ tại xã Cư Êwi (nay thuộc xã Ea Ning), có tên ông Hồ Ngọc Tú, ở số thứ tự 200, (tờ bản đồ số 03, thửa đất 1359), diện tích 1.305 m2, nguồn gốc là đất Nông trường Ea Ktur cấp năm 1986, là bất hợp lý bởi thời điểm này ông Tú chỉ mới tròn 9 tuổi (ông Tú Sinh năm 1977)

Thêm một điều đáng nói, trong đơn xin cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, phiếu xác nhận thông tin địa chính để xác định nghĩa vụ tài chính của ông Hồ Ngọc Tú, có dấu tẩy xóa, sửa chữa. Cụ thể, ông Đàm Văn Hồng, địa chính xã thời điểm đó trực tiếp sửa chữa (hiện ông Hồng là phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cư Êwi), với lý do trong quá trình làm thủ tục có sai sót? Sau khi có kết quả thanh tra, Ủy ban nhân dân huyện Cư Kuin đã làm văn bản gửi cho các bên liên quan, đặc biệt là gửi cho Tòa án Nhân dân huyện Cư Kuin, tòa án tỉnh Đắk Lắk, nhằm có căn cứ giải quyết đúng pháp luật. Tuy nhiên, tòa án hai cấp vẫn xử bà Hạnh thua kiện khiến dư luận địa phương khó hiểu, bức xúc.

LÊ NHUẬN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/muoi-nam-om-don-di-doi-cong-ly-20191130082152529.htm