Muốn bỏ quy định trạm BOT cách nhau 70km: Phản cảm...

Theo ông Liên, thu tiền của dân thì phải thỏa đáng nên cần phải nghiên cứu các phương án hợp lý về BOT trước khi đưa ra áp dụng.

Liên quan đến đề xuất bỏ quy định BOT phải cách nhau tối thiểu 70km, ngày 14/5, trao đổi với báo Đất Việt, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng, các vấn đề tồn tại về BOT ở Việt Nam như cái gốc và Bộ GTVT đang gỡ cái ngọn.

"Chuyện bỏ cự ly 70 km hay không cần lấy ý kiến người dân địa phương và Hiệp hội Vận tải cũng chỉ là vài chiếc lá của cái ngọn này mà thôi. Nếu vẫn còn chưa biết mình ở đâu, bảo vệ quyền lợi cho ai thì tất cả mọi chuyện về BOT đều suy nghĩ đơn giản. Thậm chí, nó còn tạo mầm móng cho tham nhũng như Châu Á và Đông Nam Á đã bị cách đây 20 năm", TS Phạm Sanh nói.

Theo TS Phạm Sanh, thế giới làm dự án BOT theo chương trình, có chiến lược bài bản. Bao nhiêu trạm, đặt vị trí nào, thời gian bao lâu đều minh bạch rõ ràng và những vị lãnh đạo của Chính phủ chịu trách nhiệm về những trạm BOT này.

"Khung pháp lý cũng phân biệt hết sức rõ. Như BOT khác hẳn ROT (Reconstruction Operate Transfer). BOT thu giá vì làm đường mới cho dân so sánh lựa chọn còn ROT thu phí vì cải tạo nâng cấp đường có sẵn. Tất cả phải đều rõ ràng minh bạch, cả quy trình thủ tục, quản lý hợp đồng và tổ chức thực hiện (các nước đều có một ban chỉ đạo về BOT, tham mưu trực tiếp cho Chính phủ).

Trạm thu phí đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thu phí theo km lăn bánh -Ảnh: TTO

Trạm thu phí đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thu phí theo km lăn bánh -Ảnh: TTO

Như vậy, nếu làm theo các nước, có khung pháp lý, khung tài chính và khung kỹ thuật đầy đủ, có tổ chức thực hiện được chỉ đạo điều hành trực tiếp bởi Chính phủ (hoặc Chính quyền địa phương), minh bạch và chịu trách nhiệm trước dân, có cơ chế giám sát ngăn ngừa tham nhũng thì cũng chẳng phải bàn cự ly bao nhiêu km, có cần ý kiến người dân địa phương hay Hiệp hội Vận tải hay không" - vị chuyên gia phân tích.

Bàn về giải pháp, ông Phạm Sanh cho rằng, trước hết Chính phủ cần kiểm điểm đánh giá nghiêm túc về các tồn tại của một số trạm BOT biến tướng vừa rồi. Sau đó, bổ sung điều chỉnh gấp các nghị định 15, 30 trong quá trình chờ có luật về PPP, quy định hết sức chi tiết để ngăn ngừa lợi ích nhóm.

Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên, chuyên gia giao thông cũng cho rằng, Bộ GTVT muốn sửa đổi lại Dự thảo thì cần phải có giải thích rõ ràng, hợp lý.

"Tôi cho rằng những giải thích của Bộ GTVT về việc bỏ đi một số quy định quan trọng về trạm thu phí là không hợp lý, gây phản cảm. Thu tiền của dân thì phải thỏa đáng nên tôi nghĩ không nên thay đổi Dự thảo mà cần phải nghiên cứu các phương án hợp lý để khi đưa ra áp dụng sẽ tạo được sự đồng thuận với người dân. Dân mà không đồng ý sẽ rất khó khăn trong vấn đề đầu tư BOT", ông Liên nói.

Trong khi đó, cùng ngày, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết, Quốc hội đã có nghị quyết không thực hiện các dự án BOT trên các tuyến đường cũ, đường độc đạo; chỉ thực hiện trên các tuyến đường mới. Do đó, theo ông Thanh, quy định 2 trạm thu phí đường bộ cách nhau tối thiểu 70km không còn ý nghĩa.

“Đường đầu tư từ ngân sách không được thu phí, vì đã có Quỹ bảo trì đường bộ, còn đường BOT thì chỉ được đặt trạm thu phí trong phạm vi dự án thực hiện. Do đó, khoảng cách trạm thu phí, hỏi ý kiến người dân, doanh nghiệp cũng không còn cần thiết nữa vì người dân luôn có 2 lựa chọn để đi, đường cũ và đường mới. Đặc biệt, sửa quy định trên cũng hướng tới mở cơ chế cho thực hiện cao tốc Bắc - Nam trong tương lai”, ông Thanh cho biết.

Như đã đưa tin, Bộ GTVT đang lấy ý kiến Dự thảo (lần hai) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 49/2016 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

Điểm đáng chú ý của dự thảo lần này là đề xuất bỏ quy định khoảng cách giữa 2 trạm thu phí ở trên cùng một tuyến đường phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 70 km.

Trong đó, đối với đường địa phương, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ GTVT. Đối với quốc lộ, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương (HĐND, UBND).

Như vậy, so với dự thảo lần trước thì lần này bỏ lấy ý kiến của Hiệp hội Vận tải ô tô và ý kiến của nhân dân địa phương.

Theo Bộ GTVT: “Bỏ quy định này là tiếp thu ý kiến các bên cho rằng, việc quy định khoảng cách trạm thu phí đường bộ gặp khó khăn, chưa rõ cơ sở khoa học để đưa ra quy định, không phù hợp với các thông tư hiện hành. Tiếp thu ý kiến trên, Bộ GTVT bỏ nội dung lấy ý kiến của người dân địa phương do đã lấy ý kiến của HĐND và bỏ nội dung lấy ý kiến của Hiệp hội Vận tải ô tô”.

Thanh Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/muon-bo-quy-dinh-tram-bot-cach-nhau-70km-phan-cam-3358173/