Muốn cán bộ bị kỷ luật, uy tín thấp từ chức: Không chỉ trông chờ sự tự nguyện

Theo bà Bùi Thị An, việc từ chức chưa là thói quen vì 'ghế' gắn với rất nhiều lợi ích, bổng lộc. Do đó một số người vì chủ nghĩa cá nhân không muốn rời ghế đó.

Cán bộ bị kỷ luật, uy tín thấp nên từ chức

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 20-TB/TW kết luận về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Theo đó, Bộ Chính trị nêu rõ: “Việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ; đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ”.

Thực tế, quan điểm về cán bộ “có vào, có ra, có lên, có xuống” đã được đề cập từ nhiều năm trước. Nghị quyết 26-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 ngày 19.5.2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã nêu định hướng: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ”.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, trong thực tế cán bộ có xu hướng đã được “vào” thì rất khó “ra”, đã “lên” thì rất khó “xuống”, trừ khi có kỷ luật. Các chuyên gia cho rằng chủ trương của Bộ Chính trị đã đến lúc nên coi từ chức, “nhường ghế” trong cán bộ, đảng viên là văn hóa và là sự tự trọng của người đảng viên.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa 13 cho biết dù về cơ bản, kết luận này áp dụng cho cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nhưng có thể được áp dụng rộng rãi cho cán bộ tất cả các cấp, không chỉ ở các cơ quan đảng, đoàn thể mà còn ở các cơ quan hành chính, gắn với các văn bản hướng dẫn cụ thể.

Bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa 13, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội

Bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa 13, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội

Bà An cho rằng cán bộ ở vị trí càng cao thì trách nhiệm nêu gương càng lớn. Việc cán bộ bị kỷ luật từ chức cũng thể hiện sự nêu gương. Theo bà An, từ trước đến nay, việc từ chức chưa là thói quen. Lý do là quyền gắn với rất nhiều lợi ích, bổng lộc cho họ, gia đình họ, thậm chí dòng họ của họ. Do đó một số người vì chủ nghĩa cá nhân không muốn rời ghế đó.

Bà Bùi Thị An nói rằng, trước đây có những trường hợp vi phạm nhiều lần, nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục được bổ nhiệm vào những vị trí cao hơn. Bộ Chính trị cần rà soát vấn đề này, xem những “lỗ hổng” nào trong công tác cán bộ. Thêm vào đó, cần có giải pháp nếu không chủ động từ chức thì cần có giải pháp cách chức, không bổ nhiệm chức vụ cao hơn.

TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cũng cho rằng khuyến khích tự giác từ chức với những cán bộ bị kỷ luật, không còn bảo đảm yêu cầu về uy tín và năng lực là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự nhất quán với tinh thần thể hiện trong Quy định số 41 - QĐ/TW ban hành tháng 11.2021.

Theo đó, những cán bộ vi phạm mà chưa đến mức quá nghiêm trọng, chưa đến mức phải khai trừ Đảng hay xử lý hình sự thì nên tự xem xét và có thể tự giác từ chức để nhường chỗ cho người khác xứng đáng hơn. Những người từ chức không có nghĩa là mất hết mà họ vẫn có thể được bố trí việc làm phù hợp nếu có nguyện vọng tiếp tục làm việc.

“Thực tế, bất kỳ sự vi phạm nào đến mức phải bị xử lý kỷ luật, dù chỉ là khiển trách hay cảnh cáo, thì cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính chính danh của cá nhân đang đảm nhiệm vị trí và vai trò lãnh đạo, quản lý. Do đó, trong nhận thức của những người xung quanh thì cá nhân đó có thể đã không còn bảo lưu được sự thuyết phục, tính chính đáng nếu tiếp tục tại vị”, ông Đáng nói.

Cần cụ thể hóa vào luật

TS Nguyễn Văn Đáng cũng cho rằng từ chức trước hết phụ thuộc vào sự tự giác và những động lực bên trong của cá nhân nên rất ít khi xảy ra, bởi thế, để thúc đẩy những cá nhân vi phạm tự nguyện trả lại vị trí công quyền thì cần thêm sức ép đến từ bên ngoài.

Ông Đáng cho rằng cần công khai các vi phạm và hình thức kỷ luật của cá nhân để tạo sức ép từ dư luận xã hội. Dư luận xã hội phản ánh sự đánh giá của số đông thành viên trong xã hội, giúp cá nhân hiểu thêm về cái gì là đúng đắn và chính đáng từ góc nhìn xã hội. Bởi thế, dư luận xã hội có thể tạo một áp lực đủ lớn để những cá nhân vi phạm dứt khoát hơn trong việc tự giác từ chức. Ngoài ra, cần thể chế hóa trách nhiệm của cá nhân trước các mức độ vi phạm khác nhau.

“Nếu chúng ta không muốn phụ thuộc vào ý thức tự giác của cá nhân thì cần ban hành các quy định cụ thể về việc cá nhân phải rời vị trí gắn với các mức độ vi phạm và hình thức kỷ luật. Khi đó, cơ quan, đơn vị sẽ dễ dàng hơn trong việc xử lý các trường hợp; đồng thời cá nhân cũng tự biết quy trình xử lý nếu họ không từ chức, nhờ đó cũng thúc đẩy hành vi tự giác từ chức”, ông Đáng nhấn mạnh.

TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Cũng nói với Một Thế Giới, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đào, đại biểu quốc hội khóa 11, 12 cho rằng chủ trương của Bộ Chính trị cần được cụ thể hóa bằng luật, đưa vào chế tài cụ thể. Ví dụ mức độ vi phạm, số lần vi phạm thế nào thì buộc phải từ chức.

“Đợi họ tự nguyên tự chức rất khó vì chức quyền đi liền với danh dự, bổng lộc, quyền lợi. Thậm chí nhiều khi năng lực họ kém thì họ phải bám vào cơ quan nhà nước làm chỗ dựa”, ông Đào nói và cho rằng vì những lý do đó, cần thiết phải có chế tài buộc thôi việc, buộc rời khỏi chức vụ khi sai phạm đến một mức nào đó thay vì chờ sự tự nguyện.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/muon-can-bo-bi-ky-luat-uy-tin-thap-tu-chuc-khong-chi-trong-cho-su-tu-nguyen-187014.html