Muộn còn hơn không

Những học sinh thuộc thế hệ 7X, 8X nếu sinh sống ở khu vực nông thôn, hẳn chưa quên cảm giác náo nức mỗi độ vào năm học mới. Trong niềm vui xốn xang được gặp lại thầy cô bạn bè sau những tháng hè xa cách, còn có niềm vui được nhận những bộ SGK từ thư viện của nhà trường.

Đã nhiều năm trôi qua nhưng tôi còn nhớ rất rõ có những bạn may mắn được phát một bộ SGK gần như còn mới, nhưng cũng có bạn nhận được những những bộ SGK đã mất bìa, hoặc rách mất vài trang. Thời xa xưa ấy, việc giữ gìn SGK để cho các học sinh lớp sau luôn được thày cô giáo nhắc nhở thường xuyên.

Những cuốn SGK tuy cũ với người học lớp trước, nhưng luôn mới với lớp học sinh sau. Ảnh: Quốc Anh.

Âu cũng bởi thời ấy SGK rất hiếm, thành thử một bộ SGK được dùng luân chuyển ngay trong một gia đình. Khi không còn ai trong gia đình dùng SGK nữa, bộ sách đó được chuyển/nộp vào thư viện nhà trường để tiếp tục trao cho các bạn khác. Nghệ thuật bọc sách cũng được thể hiện qua bàn tay khéo léo của mỗi cô cậu học trò. Xưa chưa có nilon bọc sách sẵn nên tất cả những bìa họa báo, những tranh ảnh đẹp in màu đều được gìn giữ để làm bìa bọc SGK. Những bạn nào vô tình hoặc cố ý viết vẽ vào SGK đều bị coi là mắc lỗi...

Những cuốn SGK tuy cũ với người học lớp trước, nhưng luôn mới với lớp học sinh sau, chứa đựng trong đó cả một kho tàng kiến thức và những bài học dạy làm người. Hình minh họa đen trắng giản đơn, in cạnh bài thơ nho nhỏ có lẽ nhiều người còn nhớ: Gà cùng ngan vịt/ chơi cạnh bờ ao/chẳng may té nhào/gà rơi xuống nước/không chậm nửa bước/ngan vịt nhảy theo/rẽ trong đám bèo/vớt gà lên cạn... Hay bài thơ về cái trống, gợi nhớ nhiều kỷ niệm với lớp lớp học trò: Cái trống trường em/mùa hè cũng nghỉ/suốt ba tháng liền/trống nằm ngẫm nghĩ...

SGK ngoài việc chuyển tải kiến thức, còn chứa đựng cả một bầu trời tuổi thơ trong nỗi nhớ của những người hoài niệm. Thậm chí từ chiếc nhãn vở trên bìa sách của học sinh lớp trước để lại, nhiều tình bạn đã được kết nối từ những cuốn sách thân thương.

Nhưng rất lâu rồi, những cuốn SGK cũ đã thôi không còn phát huy tác dụng. Nhiều trẻ em kể cả ở nông thôn và thành phố đã có thói quen gom sách bán đồng nát mỗi độ hè về. Nghe có vẻ hơi buồn, nhưng đó là sự thật, bởi những cuốn SGK ấy đã bị viết vẽ lên do bài tập cô giao làm ngay vào SGK. Nhiều học sinh đi học còn ít khi dùng tới vở, vì ở lớp thì làm bài trực tiếp vào SGK, bài tập ở nhà cũng đã có một cuốn tương tự như SGK in sẵn.

Sự lãng phí trong sử dụng SGK những ngày qua đã được nhắc tới nhiều, bởi trong khi một bộ SGK có khi lên tới gần 20 cuốn, thì có tới quá nửa trong đó học sinh ít sử dụng, hoặc không hề dùng tới trong suốt cả năm học.

Đáng nói là sách thừa ấy lại đa phần là sách tham khảo, nhà trường cũng không có nhu cầu thu gom lại. Cuối mỗi năm học, thông báo từ giáo viên là phụ huynh đóng tiền để mua SGK mới. Những cuốn sách không gắn bó dài lâu

, khó có thể trở thành bạn quý. Những bài học vừa mới học ở năm trước, do không có nhu cầu tìm đọc lại cũng thành ra như chưa đọc. Thế nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu bất chợt kiểm tra những bài thơ trong sách học năm cũ, nhiều em không thuộc. Bài thơ “Nguyên tiêu” trong đề Văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2018 tại Hà Nội rất nhiều em không làm được, cũng chỉ vì lý do đơn giản đó là bài học trong chương trình Văn học lớp 8 chứ không phải Văn lớp 9...

Sau những ồn ào xung quanh việc lãng phí SGK, mới đây Bộ trưởng Bộ GDĐT đã có chỉ thị yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng SGK trong các trường. Bộ GDĐT yêu cầu các Giám đốc Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục ở địa phương quán triệt từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào sách này.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam rà soát, đánh giá cụ thể về việc in ấn, phát hành SGK hiện hành, để có phương án chỉnh sửa bản thảo SGK hiện hành nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK trong quá trình học tập.

Thời gian triển khai chương trình và SGK phổ thông mới chỉ còn tính bằng tháng. Những lo lắng về việc in ấn, phát hành, quản lý và sử dụng SGK tới đây ra sao hiện đang là mối quan tâm chung của dư luận. Yêu cầu tái sử dụng SGK từ Bộ GDĐT dù muộn – nhưng như thế cũng còn hơn không. Bởi những bài học về tiết kiệm chống lãng phí cần được học và hành ngay từ khi mỗi người đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/muon-con-hon-khong-tintuc418122