Muốn diệt tham nhũng phải xóa nạn báo cáo láo

GD&TĐ - Trong cuộc họp với các ban, ngành của thành phố mới đây,Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói thẳng: “Các anh toàn báo cáo không đúng sự thật”. Điều này thể hiện rất rõ sự bức xúc, bất bình của người đứng đầu thành phố lớn nhất nước về tình trạng báo cáo gian dối, bệnh thành tích của một số cơ quan, đơn vị đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Chứng minh cho điều nêu trên, Ông Phong nêu ví dụ, trong 6 tháng đầu năm, ông đã yêu cầu ngành công thương cố gắng tăng trưởng 7,5% và sau đó được báo cáo là số liệu tăng trưởng đúng con số 7,5%. Tuy nhiên, con số tăng trưởng thực tế ông nắm được chỉ là 7,19% !

Đây là thực tế diễn ra không chỉ riêng TP.HCM. Nhiều lĩnh vực cơ quan quản lý cố tình “vẽ ra” số liệu hoặc tô hồng các báo cáo khác xa so với thực tế. Chính tình trạng “báo cáo không đúng sự thật” mà GDP địa phương nào thống kê, báo cáo cũng rất cao, nhưng khi cộng lại bình quân chung của cả nước thì lại thấp hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, nói dối cũng đã trở thành công cụ hữu hiệu để những kẻ thoái hóa, biến chất đục khoét, tham nhũng theo kiểu “mua vào thì kê khống cao gấp hàng chục lần, bán ra thì hạ thấp giá trị xuống hàng trăm lần” để chiếm đoạt tài sản của nhà nước, nhân dân.

Nói dối giờ đây không chỉ là đơn thuần bệnh thành tích hoặc chối bỏ trách nhiệm nữa mà nói dối đã thành thói quen cố hữu, không thể bỏ của một số quan chức! Nghĩa là cái gì cũng có thể nói dối, nhiều người nói dối trắng trợn từ “không thành có” hoặc sự việc “mười năm rõ mười”, lồ lộ, khổng lồ nhưng vẫn lấp liếm cho bằng được chứ không chỉ là nâng số liệu từ 7,19 lên 7,5 như trường hợp nêu trên!

Thậm chí việc nói dối, báo cáo không đúng sự thật còn được một số đối tượng biến thành môn… nghệ thuật. Đó là khi nhiều quan chức dẫu biết rằng nếu họ nói ra là người dân và cả xã hội sẽ không tin, vì họ đã biết rõ nhưng họ… vẫn cứ nói dối, không biết ngượng mồm và không có chút tự trọng nào.

Điển hình nhất của chuyện báo cáo láo là thời gian gần đây một số quan chức giải trình, tuyên bố dõng dạc những tài sản khủng, biệt phủ khủng mà họ có được là do… chạy xe ôm, nuôi heo gà, bán chổi đót…

Rồi những bản báo cáo kê khai tài sản của các cán bộ lãnh đạo luôn trong sạch, những báo cáo tổng kết 10 năm chống tham nhũng của các cơ quan ban ngành đều công bố đơn vị mình không có tham nhũng… Những bản báo cáo mà mọi người đều biết không phải là thật nhưng vẫn thường xuyên phải nghe! Bởi vì, nhiều trường hợp khả năng báo cáo láo là… 100% nhưng cơ quan chức năng thờ ơ, vô cảm, dư luận thì bất lực. Và thế là những kẻ gian dối vẫn cứ nhơn nhơn tự đắc, thách thức pháp luật, dư luận!

Thói quen gian dối, nhất là nói dối đã hình thành “nếp”, ăn sâu nhận thức, tâm khảm của một số người, nhất là các quan chức tham nhũng, tiêu cực, đã đánh rơi lòng tự trọng nên không thể chỉ xử lý, chấn chỉnh bằng tuyên truyền, giáo dục nhân cách, đạo đức chung chung.

Do đó, muốn diệt trừ tham nhũng, ngoài xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan thì còn phải triệt tiêu, xóa sổ nạn báo cáo gian dối, báo cáo láo của các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/goc-nhin/muon-diet-tham-nhung-phai-xoa-nan-bao-cao-lao-3769852-c.html