Muốn giảm bội chi và nợ, phải kiểm soát tốt đầu tư công

Hôm nay (29/10), Quốc hội dành trọn ngày làm việc để thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020. Một trong những nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm là muốn giảm bội chi, giảm nợ thì phải 'kiểm soát' đầu tư công hiệu quả.

Toàn cảnh phiên họp

Liên quan đến lĩnh vực đầu tư công, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nhận định, đầu tư công hiện vẫn còn dàn trải và đã trở nên quen thuộc. Đây chính là hạn chế lớn nhất mà chúng ta cần phải khắc phục trong thời gian tới. ĐB Mai đưa ra dẫn chứng, tổng mức đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án, nhưng hiện ở các địa phương lượng dự án dở dang rất lớn. Trong khi, thông thường ở các quốc gia khác, hầu hết dự án đầu tư công sẽ được tập trung vào các dự án có tính lan tỏa để làm động lực cho phát triển kinh tế vùng và cả nước, còn Việt Nam dường như đang ngược lại.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai phát biểu (ảnh KT)

Thế nên theo ĐB Mai, hiếm có quốc gia nào phân bổ đầu tư công như Việt Nam. Cụ thể mỗi tỉnh, thành phố có một dự án. Dẫu vẫn biết, mong muốn của các địa phương là chính đáng, cần thiết. Song nhìn vào bức tranh nợ công, bội chi lớn, bắt buộc chúng ta phải chọn tập trung, không dàn trải. Công bằng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa là chỉ một số địa phương được đầu tư.

Cũng theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai, hiện chưa có đánh giá nào về hiệu quả đầu ra dự án dù đến hết năm 2018 đã có 6.290 dự án hoàn thành. Và vì vậy, gần như chúng ta không có câu trả lời về sự hiệu quả cao, thấp hay không hiệu quả của số dự án này. Thế nên, vấn đề đặt ra chúng ta cần sớm hoàn thành tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu ra; ngay khi lựa chọn dự án cần làm rõ kết quả đầu ra gắn với nguồn lực đầu tư...

ĐB Hoàng Văn Cường (ảnh B.Tâm)

Cùng chung quan điểm này, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, thành công về kinh tế trong 3 năm qua không chỉ là đạt được tốc độ tăng trưởng cao mà đáng mừng hơn, chúng ta thoát khỏi hai nguy cơ (trả nợ công và khủng hoảng đe dọa hệ thống tín dụng) đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, nghịch cảnh đầu tư công vẫn xảy ra, đó là còn tình trạng đầu tư dàn trải hoặc dự án cần tiền thì không được giải ngân còn dự án không cần đầu tư thì lại được giải ngân. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công 3 năm qua có xu hướng chậm dần đều. ĐB Cường chỉ ra hai vấn đề cần sớm khắc phục, cụ thể:

Thứ nhất, chúng ta chưa có tiêu chí lựa chọn dự án đưa vào kế hoạch đầu tư và phân bổ cho đầu tư chưa rõ ràng, mới chỉ dừng ở nguyên tắc xác định lĩnh vực ưu tiên. Do đó, Chính phủ sớm chỉ đạo xây dựng và công bố công khai bộ tiêu chí xếp, đánh giá thứ tự ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư đưa vào danh mục đầu tư công và phân bổ vốn đầu tư.

Thứ hai, nguyên nhân làm tiến độ giải vốn đầu tư công chậm là do các quy định về quy trình, thủ tục triển khai một dự án đầu tư công rất phức tạp. Các khâu chuẩn bị triển khai dự án phải xin ban ngành liên quan, lập cơ quan lập, thẩm định, giám sát dự án là các cơ quan độc lập nhưng thực tế, tất cả các cơ quan đó thực chất là một người đứng ra lập, chỉ khác nhau về tên gọi. Đây là lý do nhiều doanh nghiệp hình thành nhưng sau một thời gian không đi vào hoạt động lại giải thể để xóa đi vết tích. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần đơn giản hóa thủ tục triển khai dự án đầu tư, quy định rõ của người quyết định đầu tư là phải chịu trách nhiệm khi xảy ra thất thoát, lãng phí; công khai hóa hồ sơ dự án để mọi người cùng giám sát.

Đạm Ninh Bình là một trong những dự án đầu tư bị thua lỗ (ảnh Zing)

Về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 202, đại biểu Hoàng Quang Hàm khẳng định ngay: 2 năm còn lại, phương án phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn Chính phủ trình không đúng qui định của Luật Đầu tư công, dàn trải, kém hiệu quả, tạo cơ chế xin - cho. Chính phủ trình Quốc hội không có danh mục dự án và phân bổ (chia) vốn đầu tư của trung ương vượt số tiền có thể cân đối được, chia cả số tiền đã phân bổ cho các dự án trong kế hoạch trung hạn.

Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ 2 năm còn lại tất cả các nguồn vốn bố trí để chi đầu tư của trung ương (từ nguồn thu, nguồn vay, nguồn thoái vốn, cổ phần…) chỉ được khoảng 414 ngàn tỷ đồng (dự toán 2019 trình Quốc hội là 197 ngàn tỷ đồng; dự kiến năm 2020 trên nền phấn đấu cao cũng chỉ được 217 ngàn đồng). Cân đối 2 năm cho chi đầu tư đã rất nỗ lực nhưng chỉ được 414 ngàn thiếu gần 60 ngàn cho các dự án đã có danh mục, số vốn được phân bổ trong kế hoạch trung hạn (số vốn đã phân bổ khoảng 475 ngàn tỷ đồng). Nếu sử dụng tiếp dự phòng của trung ương sẽ thiếu khoảng 150 ngàn tỷ đồng.

Đại biểu Hàm cho rằng, theo phương án của Chính phủ thì các dự án đã được ghi tên và mức vốn cụ thể trong kế hoạch trung hạn phần ngân sách trung ương phải cắt giảm khoảng 60 ngàn tỷ đồng. Nếu sử dụng tiếp dự phòng, các dự án này phải cắt giảm sâu hơn, khoảng 150 ngàn tỷ đồng. Dẫn đến các dự án bị chậm tiến độ, dàn trải đồng thời việc gá chân thêm vào kế hoạch các dự án mới làm tăng thêm mức độ dàn trải, vi phạm Luật đầu tư công, phá vỡ thành quả của việc cơ cấu lại chi đầu tư với thành tựu nổi bật là chống dàn trải, nợ đọng dựa trên nguyên tắc đã được luật định, chỉ quyết định dự án khi cân đối được nguồn và cách làm này sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho giai đoạn sau…

Nhìn vào bức tranh ngân sách và đầu tư công hiện nay, các đại biểu cho rằng, muốn giảm bội chi, giảm nợ công phải kiểm soát tốt đầu tư công.

H.Phạm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/muon-giam-boi-chi-va-no-phai-kiem-soat-tot-dau-tu-cong-82042.html