Muôn hình vạn trạng gian lận xuất xứ

Với việc chủ động phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt, cơ quan Hải quan cùng với các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Phụ kiện điện thoại giả nhãn mác xuất xứ nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên bao bì và hàng hóa lại thể hiện xuất xứ Việt Nam bị cơ quan Hải quan phát hiện tháng 7/2019. Ảnh: T. Bình.

Phụ kiện điện thoại giả nhãn mác xuất xứ nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên bao bì và hàng hóa lại thể hiện xuất xứ Việt Nam bị cơ quan Hải quan phát hiện tháng 7/2019. Ảnh: T. Bình.

Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng bị phát hiện

Vụ việc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với mặt hàng nhôm tại Bà Rịa-Vũng Tàu, do lực lượng Hải quan chủ trì, phối hợp phát hiện và kịp thời ngăn chặn có giá trị hàng hóa lớn nhất từ trước đến nay. Một tập đoàn có công nghệ, dây chuyền, nhưng lại NK nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm nhằm đưa ra các sản phẩm để XK đi Mỹ và một số nước khác. Bởi lý do chênh lệch thuế suất. Nếu nhôm của Việt Nam XK sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%. Trước đó, một số doanh nghiệp ở khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu nhập khẩu hàng tỷ USD mặt hàng nhôm (năm 2017, 2018). Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan khác kiểm tra, xác định và ngăn chặn kịp thời. Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan còn phối hợp với Hải quan Mỹ xác minh về vụ việc nêu trên. Sau đó Bộ An ninh nội địa Mỹ đã cử nhân viên đến Việt Nam để phối hợp điều tra. Vì vậy, hiện toàn bộ số nhôm này chưa thể XK. Theo báo cáo của Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu, số lượng tồn lên đến 1,8 triệu tấn, trị giá tới hơn 4 tỷ USD.

Liên quan đến dấu hiệu vi phạm của Công ty CP tập đoàn Asanzo, qua quá trình điều tra, xác minh ban đầu, Tổng cục Hải quan và các lực lượng chức năng đã bước đầu chỉ ra một số dấu hiệu vi phạm của Công ty này. Công ty có dấu hiệu xâm phạm sở hữu công nghiệp. Bản án của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP HCM cũng khẳng định nhãn hiệu Asanzo thuộc về một công ty khác. Tuy nhiên, một số công ty vẫn không chấp hành phán quyết của Tòa, tiếp tục nhập khẩu, buôn bán các sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo đã được bảo hộ. Điều này vi phạm quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Công ty sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” trong quảng bá, thậm chí in trên bao bì sản phẩm. Tổng cục Hải quan đã xác minh, làm việc với đối tác tại nước ngoài, đồng thời làm việc với Công ty Sharp tại Việt Nam. Qua đó khẳng định, hợp đồng chuyển giao công nghệ (giữa Công ty CP tập đoàn Asanzo với Sharp- Roxy Hồng Kông) là hợp đồng giả mạo. Xác định Công ty có dấu hiệu trốn thuế Giá trị gia tăng và thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Cùng với các vụ việc trên, hiện nay cơ quan Hải quan đang tiếp tục cùng với các lực lượng chức năng điều tra, xử lý nhiều vụ việc.

Điển hình như vụ 10 container xe đạp đang được tạm giữ tại Bình Dương. Kiểm tra hồ sơ, thực tế hàng hóa, gần như 100% xe đạp nhập khẩu từ nước ngoài, thậm chí cả nhãn mác cũng được dán từ nước ngoài, sau đó đưa về lắp ráp lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu. Tại khu vực cảng Hải Phòng, lực lượng Hải quan cũng đang tạm giữ nhiều container máy móc, thiết bị nhập từ nước ngoài và chỉ qua công đoạn lắp ráp đơn giản để thành hàng Việt Nam. Ngoài ra, nhiều lô hàng được sản xuất thành phẩm ở nước ngoài, như lô hàng xuất xứ Trung Quốc liên quan đến quần áo, giày, linh kiện điện thoại… nhưng ghi các nhãn hiệu trong nước nhằm tiêu thụ trong nội địa, cơ quan Hải quan đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn ở khu vực cảng Hải Phòng, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…

Lò nướng ASANZO nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng giấy bảo hành ghi chữ Việt Nam bị cơ quan Hải quan phát hiện năm 2018 . Ảnh: Thu Hòa.

Đồng bộ triển khai tại các địa bàn

Hiện nay, các đơn vị hải quan tỉnh, thành phố đang triển khai đồng bộ các kế hoạch tăng cường quản lý xuất xứ hàng hóa. Theo Hải quan Lạng Sơn chỉ đạo về chống gian lận xuất xứ hàng hóa đã được phổ biến tới toàn thể CBCC, qua đó các đơn vị luôn đề cao cảnh giác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa XNK; đặc biệt đối với các mặt hàng, DN trọng điểm có dấu hiệu rủi ro cao để chủ động phát hiện các hành vi XNK hàng hóa giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp.

Quý III/2019, Cục Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện và xử lý 4 vụ vi phạm về giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hửu trí tuệ. Tháng 7/2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ XNK và Logistics K.L. NK hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và khai sai mã số, thuế suất hàng hóa NK mà cơ quan Hải quan phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Liên tiếp trong tháng 8/2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị phát hiện các vụ việc liên quan đến giả mạo nhãn mác, xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, Cơ quan Hải quan phát hiện Công ty TNHH sản xuất và thương mại H.Tr. nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo. Khi làm thủ tục hải quan công ty này khai báo gồm 8 mục hàng. Qua kiểm tra thực tế hàng hóa xác định hàng hóa NK không đúng như khai báo của người khai hải quan. Mặt khác, kết quả giám định một số mẫu hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Cơ quan Hải quan tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo”, hành vi “Nhập khẩu nhãn, bao bì mang nhãn hiệu giả mạo”, số tang vật vi phạm đã bị buộc tái xuất, tiêu hủy.

Không chỉ phát hiện các hành vi giả mạo xuất xứ, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đã phát hiện vụ vi phạm NK hàng hóa có nhãn hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất. Cụ thể, trường hợp vi phạm xảy ra tại Công ty TNHH Dệt nhuộm J. Hàng hóa NK. Công ty này khai báo NK một mục hàng “Sợi hỗn hợp Cotton Acrylic Nm 30/1 (60% Acrylic 40% Cotton), mới 100%; tổng trọng lượng 5.434 kg, trọng lượng tịnh: 5.016kg, Xuất xứ: Trung Quốc; hàng mới 100%”. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra lô hàng, cơ quan Hải quan phát hiện hàng hóa thể hiện là: Sợi; Tổng trọng lượng 5.434 kg (được chứa trong 209 thùng carton (24 cuộc/thùng, trọng lượng 26 kg/thùng). Bên ngoài thùng carton dán nhãn ghi Made in Vietnam). Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Hải quan đã xác định được Công ty TNHH Dệt nhuộm J có hành vi vi phạm NK hàng hóa có nhãn hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất.

Hay tại Cục Hải quan Hải Phòng, gần đây một số chi cục hải quan cửa khẩu đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc vi phạm xuất xứ, nhãn mác nổi cộm. Đáng chú ý là vụ việc do Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 phát hiện, bắt giữ vào cuối tháng 7. Lô hàng vi phạm liên quan đến mặt hàng phụ kiện điện thoại di động được vận chuyển về cảng VIP GREEN (Hải Phòng). Lô hàng phụ kiện điện thoại được Công ty TNHH MTV Hoàng Bảo Phát IMEX (địa chỉ tại phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn) nhập khẩu ủy thác cho một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội.

Khi làm thủ tục nhập khẩu, Công ty TNHH MTV Hoàng Bảo Phát IMEX xuất trình cho cơ quan Hải quan Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu E (xuất xứ Trung Quốc). Mặc dù hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và có C/O Trung Quốc nhưng khám xét container, lực lượng Hải quan phát hiện hàng nghìn phụ kiện điện thoại được in sẵn trên bao bì, sản phẩm tên tuổi, địa chỉ và cả trung tâm bảo hành của Công ty CP Thương mại “TITAN” Việt Nam - một doanh nghiệp trong nước. Đáng chú ý, trên nhiều sản phẩm còn nghi sẵn dòng chữ ““Made in Vietnam”” và cả ký hiệu mã vạch của Việt Nam (đầu mã vạch 893)…

N.Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/muon-hinh-van-trang-gian-lan-xuat-xu-114355.html