Muốn làm nhà giá rẻ thì cần 'thông thoáng' về thủ tục và vốn

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đề xuất lên các cấp lãnh đạo về việc ưu tiên vốn và 'thông thoáng' thủ tục hành chính cho các dự án nhà ở xã hội.

HoREA vừa gửi văn bản trình Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Khóa XIV và lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. HCM về đề xuất cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.

Theo HoREA, để thực hiện hiệu quả việc phát triển nhà ở xã hội trong tương lai trên cơ sở nguồn lực ngân sách Nhà nước từng thời kỳ thì Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét có Nghị quyết bố trí danh mục ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để có căn cứ thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Muốn phát triển mạnh các dự án nhà ở xã hội cho người dân nghèo thì cần có những thủ tục hành chính “thông thoáng” và ưu tiên vốn cho các dự án này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, các tỉnh, thành phố cũng cần thể hiện quyết tâm về việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân. Tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính. Bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

“Chúng tôi cũng mong muốn Bộ Xây dựng nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội. Khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp. Tập trung phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Ngoài ra, HoREA cũng đề xuất với Bộ Tài chính cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về thuế tài sản nhà, đất nhằm tạo nguồn thu ngân sách để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Khuyến khích hình thành Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản để tạo thêm kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội. Nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân, lao động làm việc tại doanh nghiệp đó;

Lãnh đạo HoREA cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng liên quan đến nhà ở xã hội, nguồn vốn hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội, mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở.

HoREA đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng thương mại được chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Khẩn trương lập kế hoạch cụ thể vốn cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ.

Nhiều người dân thu nhập thấp vẫn mong ước có một mái ấm giá rẻ tại TP. HCM

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần báo cáo đề xuất bổ sung Chương trình phát triển nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí vốn thực hiện.

Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 để có cơ sở tái cấp vốn ngân sách cho nhà ở xã hội.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cần lập kế hoạch cụ thể vốn cho các chương trình nhà ở xã hội và có cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng nhà ở xã hội.

“Chúng tôi nhận thấy nếu các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố thực hiện khẩn trương và hiệu quả Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc và sẽ tạo được cơ chế thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ trong năm 2018 và các năm tiếp theo, đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người dân lao động nghèo”, ông Châu nói.

Đại Việt – Công Quang

Theo Dân trí

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/muon-lam-nha-gia-re-thi-can-thong-thoang-ve-thu-tuc-va-von-20180504224212631.htm