Muôn nẻo 'quanh co' để từ chối… bảo hiểm

Không ai là người muốn tài sản của mình bị thiệt hại kể cả khi khách hàng có bảo hiểm rủi ro. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến 2 trường hợp cụ thể đã phải 'ngậm đắng' với bảo hiểm khi sự cố xảy ra.

Ngày 20-4, anh Phạm Hữu Giang điều khiển xe ô tô BKS 29A-98xxx xảy ra tai nạn giao thông khiến chiếc xe của anh bị hư hỏng nặng. Xe của anh Giang đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự và vật chất 2 năm liên tiếp của bảo hiểm PVI.

Trước đó, với những va quệt nhẹ, xe của anh Giang vẫn được bảo hiểm PVI bồi thường sửa chữa nhanh chóng. Nhưng gặp tai nạn nặng nề, đơn vị bảo hiểm này viện lý do chung chung để khước từ. Như phản ánh của anh Giang, ngay sau vụ tai nạn, anh đã thông báo cho lực lượng CSGT và Tổng Cty bảo hiểm PVI. PVI đã cử 2 cán bộ xuống hiện trường vụ tai nạn để ghi nhận thông tin, hình ảnh cũng như hướng dẫn anh Giang các thủ tục cần thiết để PVI chi trả thiệt hại.

Ngày 26-4, xe của anh Giang được đưa về Gara ô tô Toyota Thanh Xuân và có nhân viên của PVI đến giám định tổn thất xe. Tại thời điểm đó, nhân viên giám định phản ánh, 4 bánh xe của anh không đúng thông số kỹ thuật quy định để được bảo hiểm vì vậy sẽ báo lên lãnh đạo phụ trách để có trả lời chính thức là từ chối bảo hiểm.

“Ngay khi nhận được thông tin, tôi rất lo lắng vì thực tế tôi đã mua bảo hiểm PVI 2 lần, liên tục trong 2 năm (mua bảo hiểm lần 1 từ ngày 25-4-2016). Ngay từ khi mua bảo hiểm, xe sử dụng 4 bánh xe như thế này. Cán bộ PVI kiểm tra xe để bán bảo hiểm không hề cảnh báo hay từ chối bán bảo hiểm xe của tôi. Trong 2 năm đó, tôi có 3 lần làm thủ tục bảo hiểm sửa chữa xe và đều được bảo hiểm PVI chi trả chứ không bị từ chối bảo hiểm do lỗi kỹ thuật bánh xe như lần này…” – anh Giang chia sẻ.

PVI thanh toán “nhẹ” thì nhanh mà “nặng” thì né? ẢNH MINH HỌA

Anh Giang cho biết, từng đến Văn phòng đại diện CSKH Bảo hiểm PVI phía Bắc, địa chỉ 154 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội, làm việc. Đem thắc mắc này, anh Giang hỏi thì ông Trịnh Văn Lượng – Trưởng văn phòng, đã trả lời. Nhưng như phản ánh của khách hàng, chưa nhận được giải thích thỏa đáng.

Ngày 11-5, PVI có Văn bản số 392/CSB-XCG về việc giải quyết khiếu nại đối với trường hợp xe của anh Giang. Lý do từ chối bảo hiểm được nêu: “Tại thời điểm tham gia giao thông xảy ra tổn thất, thiệt hại, xe không có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hợp lệ và còn hiệu lực theo quy định hiện hành”. Như vậy, trong điều khoản từ chối không thấy nói đến việc bánh xe không đúng thông số để từ chối bảo hiểm.

Một khách hàng khác, chị Nguyễn Thị Phúc – chủ cơ sở kinh doanh Phúc Sinh cho hay, chị và Tổng Cty CP Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) ký hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt vào ngày 10-6-2016. Ngày 3-8-2016 xưởng sản xuất, kinh doanh của chị tại huyện Thạch Thất xảy ra hỏa hoạn, hậu quả khiến hàng hóa, máy móc, nhà xưởng, đồ đạc của chị đều bị thiêu rụi hoàn toàn.

Qua điều tra, Cơ quan CSĐT - CA huyện Thạch Thất đã kết luận, nguyên nhân cháy là do chập điện. Tổng số thiệt hại sau khi kê biên vào hơn 20 tỷ đồng (chưa kể nhà xưởng, máy móc). Những tưởng sẽ được phía bảo hiểm bồi thường vì đã có kết luận của Cơ quan CSĐT thế nhưng, PTI thẳng thừng từ chối và cho rằng chị Phúc đã giả mạo hồ sơ để trục lợi tiền bảo hiểm.

Chị Phúc đã phải làm đơn ra TAND quận Ba Đình để buộc phía PTI bồi thường theo như hợp đồng bảo hiểm đã ký. Quá trình tòa thụ lý, PTI đã làm đơn tố cáo chị Phúc lên cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội có hành vi giả mạo chứng từ, hóa đơn để chiếm đoạt tiền chi trả bảo hiểm.

Sau khi xác minh, CATP Hà Nội đã ra Quyết định số 08/QĐ-PC44 ngày 23-11-2017 quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì những chứng từ chị Phúc mua hàng hóa là có thật, không phải tự giả mạo để trục lợi tiền bảo hiểm.

“Không còn lý do nào để khước từ, PTI đã cố tình kéo dài thời gian của vụ việc. Họ đã làm đơn đề nghị thay đổi thẩm phán nhưng vào ngày 6-2-2018, TAND quận Ba Đình đã ban hành Quyết định số 02/2018/QĐ-TA không chấp nhận xin thay đổi thẩm phán của PTI” - chị Phúc cho biết.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, chị Phúc cho rằng: “Đang làm ăn yên ổn không ai tự nhiên đốt cả cơ ngơi mình gây dựng để lấy tiền bảo hiểm. Riêng cá nhân tôi sẽ không bao giờ sử dụng bất cứ dịch vụ nào của PTI”.

Theo phản ánh của chị Phúc, PTI đang “vin” vào việc hàng hóa cơ sở kinh doanh của chị Phúc mua không có hóa đơn GTGT và cho rằng “thượng đế” của mình tự tạo các chứng từ mua bán giả mạo hòng trục lợi bảo hiểm. Nghi vấn này đã được cơ quan CSĐT – CA TP Hà Nội xác minh làm rõ.

Liên quan đến vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Nứa, Đoàn LS TP Hà Nội, cho biết: “Cty bảo hiểm PTI không có thiện chí hợp tác với khách hàng là hộ kinh doanh Phúc Sinh. Bởi qua nhiều lần tiếp xúc gặp gỡ từ năm 2016 đến nay, phía PTI không đưa ra bất cứ quan điểm cụ thể để giải quyết việc bồi thường theo Hợp đồng bảo hiểm đã ký.

Trong suốt 2 năm qua dù đã có kết luận của CQĐT về hoạt động kinh doanh của cơ sở Phúc Sinh và các giao dịch của chị Phúc đều hoàn toàn không có dấu hiệu gian dối nhưng bảo hiểm PTI đang có dấu hiệu muốn trì hoãn, kéo dài thời gian, gây khó khăn cho khách hàng”.

Cũng theo luật sư, theo khoản 2 Điều 12 Thông tư 39/2014/TT-BTC, hộ kinh doanh cá thể không bắt buộc phải sử dụng hóa đơn. Việc sử dụng hóa đơn của hộ kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu của hộ và quy định của pháp luật về điều kiện cấp hóa đơn cho hộ kinh doanh cá thể.

Cụ thể, trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh không có nhu cầu sử dụng hóa đơn quyển nhưng có nhu cầu sử dụng hóa đơn lẻ thì cơ quan thuế bán cho hộ, cá nhân kinh doanh hóa đơn lẻ (01 số) theo từng lần phát sinh và không thu tiền.

Như vậy, khi có nhu cầu sử dụng hóa đơn, hộ kinh doanh đề nghị thuế cấp hóa đơn quyển hoặc hóa đơn lẻ để cung cấp cho khách hàng. Xét trường hợp cụ thể của hộ kinh doanh Phúc Sinh thì họ không nhất thiết phải sử dụng hóa đơn đỏ và việc sử dụng giấy viết tay có đầy đủ chữ ký cũng có thể chứng minh việc có sự giao dịch thương mại dân sự.

Tuấn Anh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/muon-neo-quanh-co-de-tu-choi-bao-hiem-115697.html