Muốn nhập Quốc tịch Việt Nam, phải biết tiếng Việt

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.

Nghị định quy định một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam gồm: Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp thẻ thường trú. Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp thẻ thường trú. Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Người được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam. Nghị định cũng quy định trường hợp đặc biệt xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/3/2020.

Về cách thức nộp hồ sơ, nghị định quy định, người xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam hoặc giải quyết các việc khác về quốc tịch có thể trực tiếp nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền thụ lý hồ sơ theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam và nghị định này, không ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải trực tiếp nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi người đó cư trú. Trường hợp pháp luật quy định giấy tờ phải nộp là bản sao thì người yêu cầu giải quyết các việc về quốc tịch có thể nộp giấy tờ là bản chụp từ bản chính, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc. Nếu nộp bản chụp từ bản chính thì phải có bản chính để đối chiếu. Trường hợp hồ sơ được gửi qua hệ thống bưu chính thì bản sao giấy tờ phải được chứng thực từ bản chính hoặc được cấp từ sổ gốc; đơn, tờ khai, bản khai lý lịch phải được chứng thực chữ ký theo quy định của pháp luật.

QUÝ ĐỨC

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/muon-nhap-quoc-tich-viet-nam-phai-biet-tieng-viet-20200206090204233.htm