Muốn sớm thoát khỏi Syria, Nga phải biết kìm chế những 'cái đầu nóng' Tehran, Damascus?

Nga hiện đang có 3 mục tiêu bị cản trở để giành chiến thắng trọn vẹn ở Syria. Nhưng mọi việc có thể 'xôi hỏng bỏng không' nếu Tehran, Damascus nôn nóng làm hỏng chuyện.

Nga cần chuyển hóa chiến thắng quân sự thành chiến thắng chính trị.

Nga chưa thể thoát khỏi Syria

Các tổ chức phân tích và các phương tiện truyền thông gần đây đều thừa nhận một chiến thắng rõ ràng cho Nga và chính quyền Assad trong cuộc nội chiến Syria kéo dài nhiều năm qua.

Dự đoán của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào mùa thu năm 2015 về việc người Nga sẽ sa lầy ở quốc gia Trung Đông dường như đã không chính xác.

Theo tờ The American Interest, trên thực tế, sự can thiệp của Nga đã đạt được các mục tiêu quân sự cần thiết để ngăn chặn chiến thắng của phe đối lập ở Syria.

Bên cạnh đó, điều này còn duy trì và còn mở rộng khả năng tiếp cận chiến lược của Nga tới Trung Đông và vùng Địa Trung Hải rộng lớn.

Và với những cam kết ủng hộ chính quyền Damascus cùng với sự hợp tác với Iran, uy tín của Nga ngày càng được tăng cường và danh tiếng của nước này càng được biết đến như một quốc gia trọng lời hứa và quyết tâm bảo vệ đồng minh, bất chấp áp lực trừng phạt từ nhiều phía.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Nga hiểu rằng, một chiến thắng chỉ thực sự là chiến thắng khi nó được dịch chuyển sang mục tiêu chính trị bền vững. Nếu không, cuộc chiến sẽ vẫn mãi dai dẳng.

Cần phải nhớ rằng, Nga từng tuyên bố rút quân nhiều lần khỏi Syria. Lần đầu vào tháng 3/2016 , một lần nữa vào tháng 12/2017 và một lần khác vào tháng 6/2018.

Tuy nhiên, không có lệnh rút quân thực sự nào được công bố, do đó lực lượng Nga được triển khai ở Syria vẫn còn gần 3.000 người. Điều này xuất phát từ lý do Nga thấy mình không thể rời khỏi Syria.

Tổng thống Vladimir Putin coi mình là người bảo vệ sự ổn định và vị cứu tinh của Chính phủ hợp pháp của Syria. Bởi vậy, Moscow không thể giải thoát chính mình chừng nào Syria còn thiếu ổn định và chính quyền Damascus chưa đủ khả năng mở rộng ảnh hưởng trên khắp đất nước.

Cơn đau đầu của Nga

Vấn đề của Nga ở Syria giờ đây chủ yếu là chính trị. Họ có những mục tiêu dù muốn nhưng chưa thể giải quyết được.

Có ba khu vực mà Nga muốn thống nhất trở lại dưới sự kiểm soát của chính quyền Assad nhưng đang bị cản trở. Đầu tiên là Idlib, nơi có khoảng ba triệu thường dân và hàng ngàn chiến binh đang tập trung tại thành trì cuối cùng của phe đối lập ở Syria.

Ảnh hưởng lớn nhất ở Idlib là nhóm chiến binh Jabhat Fateh al-Sham, một trong những nhóm đông nhất, mạnh nhất, và luôn luôn làm cho mọi cuộc chiến trở nên rất khó khăn.

Đối thủ mà Nga hiện đang đối đầu ở Idlib không chỉ là Jabhat Fateh al-Sham mà còn bao gồm các nhóm liên kết với Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những đối tác chính của Nga trong tiến trình Astana.

Nếu Nga lựa chọn chiến dịch ném bom liên tục để đối phó với kẻ thù ở Idlib, thì chắc chắn sẽ mất đi sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí có thể dẫn đến một cuộc đối đầu với Ankara.

Nga còn nhiều mục tiêu ở Syria chưa thể hoàn thành.

Vì vậy, Moscow đã chọn một thỏa thuận với Ankara nhằm trì hoãn hành động quân sự ở Idlib.

Khu vực thứ hai mà Nga đang bị cản trở trong mục tiêu thúc đẩy sự thống nhất Syria là Al-Tanf.

Vấn đề ở đây là quân đội Mỹ. Sau một vài cuộc tấn công của Nga và chính quyền Syria nhằm vào các nhóm hậu thuẫn của Mỹ trong khu vực, quân đội Mỹ đã thành lập một căn cứ đồn trú tại Al-Tanf và tuyên bố một khu vực an ninh dài 55 km xung quanh cơ sở này.

Trong nhiều trường hợp, Mỹ đã thể hiện quyền bất khả xâm phạm của mình bằng cách phá hủy mọi phương tiện xâm nhập vào căn cứ.

Cuối cùng, sự hiện diện của Mỹ tại Al-Tanf nằm trong khu vực biên giới Syria-Jordan-Iraq là một nguồn đảm bảo cho Jordan và làm phức tạp thêm tầm nhìn của Iran.

Việc Mỹ rút lực lượng khỏi Al-Tanf trong tương lai gần là điều không thể. Nhưng không đẩy quân đội Mỹ ra khỏi cơ sở ở đó, Nga không bao giờ có thể làm hài lòng các đồng minh của mình ở Damascus và Tehran.

Vùng đông bắc Syria là khu vực cuối cùng mà mục tiêu của Nga đang bị cản trở. Ở đây một lần nữa vấn đề là quân đội Mỹ và đối tác Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).

SDF được đào tạo tốt, được trang bị tốt và có các cố vấn quân sự của Mỹ hỗ trợ, điều này khiến cho lực lượng trở thành một đối thủ đáng gờm.

Ngoài thành công quân sự trong việc giải phóng vùng đông bắc Syria khỏi tay IS, bao gồm cả Raqqa, SDF đã chứng minh sự tinh quái chính trị của mình. Trong mỗi khu vực giải phóng, lực lượng này đã thành lập các hội đồng dân sự để quản lý và cung cấp các dịch vụ thiết yếu.

Với việc Mỹ tuyên bố sẽ còn ở lại Syria để ngăn chặn Iran tăng cường sự trỗi dậy - cùng với sự lớn mạnh của SDF – mọi vấn đề càng trở nên phức tạp hơn nữa cho Moscow, Damascus và Tehran.

Giải pháp của Nga

Trước tiên, Moscow sẽ phải quản lý một cách cẩn trọng các mục tiêu của đồng minh khi nhiều trong số đó xung đột với chính lợi ích của người Nga ở Syria.

Theo đó, chính quyền Damascus không hề giấu giếm ý định giành lại toàn bộ lãnh thổ đất nước bằng sức mạnh quân sự. Nhưng nếu không có sự ủng hộ của Nga, một chính quyền Assad thiếu hụt về sức mạnh quân sự lẫn sức nặng ngoại giao sẽ khó có thể đạt được mục tiêu này.

Tuy nhiên, nếu Nga chiều lòng quá mức, lực lượng Chính phủ có thể hùng hổ thách thức cả SDF và Mỹ bằng cách tiến hành chiến dịch ở đông bắc Syria, đưa ra một cuộc đối đầu với quân đội Mỹ mà Nga không hề mong muốn.

Tương tự, Iran sẽ không thể đạt được mục tiêu thiết lập sự hiện diện trên khắp Trung Đông mà không có sự hỗ trợ của Nga. Nhưng mục tiêu của Iran đã vượt qua “lằn ranh đỏ” mà Israel cảnh báo. Do đó, Tel Aviv sẽ không do dự để tấn công bất cứ điều gì mà nước này cho là mối đe dọa của Iran phát ra từ Syria.

Mặc dù có hệ thống tên lửa S-300 mạnh mẽ mới được chuyển đến Syria, Nga vẫn muốn tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với quân đội Israel. Vì điều này, Moscow sẽ cần phải yêu cầu Iran tránh manh động và thận trọng hơn để không khiến Nga phải rơi vào một tình huống khó xử khi phải lựa chọn Tehran hoặc Tel Aviv.

Sự cân bằng của Nga không phải mục tiêu có thể giữ được mãi mãi. Có một số bất đồng đã lên đến đỉnh điểm và Điện Kremlin có thể sẽ sớm phải thực hiện một số lựa chọn khó khăn.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/muc-tieu-toi-thuong-cua-nga-o-syria-kim-che-nhung-cai-dau-nong-tehran-damascus-a409361.html