Muốn viết văn phải giỏi luật

Để nổi tiếng trong lĩnh vực văn chương không phải là một việc đơn giản, nhưng với các nhà văn thế giới, sự nổi tiếng đồng thời dẫn đến rất nhiều vấn đề khó khăn, trong đó kiện cáo là một trong những thử thách mà không ít người vướng phải.

Muôn nẻo đường kiện Trước tác phẩm Mật mã Da Vinci, nhà văn Dan Brown đã cho ra mắt 3 tác phẩm thuộc cùng một đề tài trinh thám. Tuy nhiên, nếu Mật mã Da Vinci mang đến cho nhà văn danh vọng, tiền tài thì đồng thời cũng lôi ông vào những rắc rối dưới nhiều hình thức. Đầu tiên là các vụ biểu tình phản đối, bài bác nhà văn do đã đụng chạm đến những vấn đề tôn giáo; rồi các vụ tranh cãi cho rằng tác phẩm văn học của ông không đúng với lịch sử… Tuy nhiên, gây áp lực nặng nề nhất với nhà văn vẫn là vụ hai nhà sử học Michael Baigent và Richard Leigh kiện ông về tội đã lấy các thông tin trong cuốn Máu thánh và chén thánh (The Holy Blood and the Holy Grail) mà họ đã xuất bản trước đó. Vụ kiện này dù được xem là không mấy thực tế, do tác phẩm Máu thánh và chén thánh là một tác phẩm nghiên cứu lịch sử, trong khi Mật mã Da Vinci lại là một tác phẩm văn học, nhưng ít nhất vụ kiện đã khiến hai nhà sử học cùng tác phẩm của họ nhận được sự chú ý của bạn đọc. Tác quyền luôn là lĩnh vực hay bị kiện tụng nhất đối với các nhà văn. Thế nhưng, vụ kiện của nhà văn Anh J.K.Rowling dù cũng có liên quan đến bản quyền nhưng vẫn được coi là đặc biệt. Trong vụ này, nhà văn kiện một bạn đọc hâm mộ vì đã cho xuất bản một cuốn sách từ điển về Harry Potter. Trong cuốn từ điển này, tác giả cung cấp cho bạn đọc chi tiết những nhân vật, sự kiện trong truyện mà bạn đọc dễ bỏ sót khi đọc truyện cùng các vấn đề liên quan mà tác phẩm gốc có đề cập đến. J.K.Rowling được xem là người rất kiên quyết bảo vệ quyền tác giả của mình, khi trước đó bà đã từng kiện hai bạn đọc hâm mộ ở Ấn Độ do dựng lại mô hình trường Hogwarts mà không xin phép. Chuyện kiện tụng không chỉ dừng lại ở các nhà văn đang nổi tiếng mà còn “đụng” đến cả những nhà văn, tác phẩm đã từng nổi tiếng, thậm chí ngay cả khi nhà văn đã mất. Điển hình là vụ một số tổ chức và cá nhân kiện tác phẩm truyện tranh Tintin in the Congo của nhà văn, họa sĩ Hergé có yếu tố phân biệt chủng tộc khi miêu tả một số nhân vật da đen “trông như lũ khỉ và nói năng như những kẻ đần độn”. Vụ kiện này ban đầu cũng đã gây chú ý với rất nhiều và nhiều người cho rằng hợp lý. Tuy nhiên, sau đó khi một câu hỏi được đặt ra đã khiến chuyện kiện tụng này trở thành trò hề. Câu hỏi này rất đơn giản, đó là ở trong các tập truyện Tintin khác, có nhiều nhân vật da trắng châu Âu được miêu tả đần độn, có hành động ngớ ngẩn nhưng lại chẳng có ai đứng ra lên án Hergé là “phân biệt chủng tộc”, còn tại sao khi nhân vật được miêu tả là da đen thì lại có người phê phán. Không lẽ miêu tả như thế với người da trắng thì được còn với người da đen thì không. Kết quả là tất cả những vụ kiện kiểu như vậy đã bị tòa án hủy bỏ. Và chuyện kiện tụng ở Việt Nam Tại Việt Nam, chuyện chỉ trích nhau trong văn chương không phải là lạ nhưng đến mức lôi nhau ra tòa, kiện tụng một cách chính thức lại khá hiếm. Ngay cả trường hợp xác nhận là có chuyện đạo nhạc, đạo thơ thì các văn nghệ sĩ cũng thường tự giải quyết hoặc nhờ báo chí, dư luận… chứ ít khi cần đến sự can thiệp của tòa án. Tuy nhiên, hiếm không phải không có. Năm 1942 đã từng có vụ kiện tranh chấp bản quyền thơ Hàn Mặc Tử giữa Quách Tấn và Trần Thanh Mại. Đây cũng được xem là vụ án văn chương đầu tiên được đưa ra xét xử ở Việt Nam. Gần đây, các vụ kiện có liên quan đến văn chương đều không trực tiếp “đụng” đến tác phẩm văn học mà thường có lý do chuyển thể thành kịch bản sân khấu hay điện ảnh, như vụ nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đi hầu tòa suốt 5 năm trong vụ kịch bản phim “Tướng cướp Bạch Hải Đường”; hay vụ tranh chấp kịch bản “Tây Sơn hào kiệt” giữa tác giả Cao Đức Trường và biên kịch Phạm Thùy Nhân. Trong quá trình mở cửa hội nhập, văn hóa nghệ thuật trong nước cũng cùng hòa nhập về nhiều mặt như yếu tố nghệ thuật, tư tưởng, hình thức thể hiện… và không thể tránh khỏi những mặt khác như các vấn đề về luật pháp. Và lúc đó, không còn đơn giản là những tranh cãi, dàn xếp nội bộ mà là những vấn đề của luật. Tất cả đòi hỏi sự chuẩn bị và giúp sức cho các nhà văn của các công ty, đơn vị xuất bản kinh doanh sách, giống như NXB Random House đã làm khi đứng ra bảo vệ Dan Brown, hay NXB Bloomsbury hỗ trợ J.K.Rowling trong các vụ kiện. TƯỜNG VY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2009/9/202465/