Mường Khương cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững

Sáng 6/10, Sở Nông nghiệp và PTNT làm việc với huyện Mường Khương để bàn và phối hợp giải quyết những khó khăn trong sản xuất nông – lâm nghiệp, chăn nuôi; xây dựng chuỗi liên kết, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hoạt động kinh tế hợp tác.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, UBND huyện Mường Khương đã báo cáo kết quả các nội dung trọng tâm trong sản xuất nông - lâm nghiệp. Về tổ chức phát triển sản xuất các ngành hàng chủ lực gắn với liên kết, chế biến tiêu thụ sản phẩm theo Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Mường Khương có 4 ngành hàng chủ lực. Đó là, cây chè vớitổng diện tích 3.476 ha (chè kinh doanh 2.326,2 ha, chè kiến thiết cơ bản 1.149,8 ha); sản lượng dự kiến đạt 22.000 tấn, đến nay đã thu hoạch được 19.020 tấn, giá trị đạt 139,84 tỷ đồng. Hiện, có 6 nhà máy trên địa bàn và Công ty Cổ phần Chè Phong Hải tham gia tiêu thụ, với sản lượng khoảng 38.000 tấn chè búp tươi/năm. Thời gian tới, huyện Mường Khương tiếp tục mở rộng vùng chè nguyên liệu, giai đoạn 2021 - 2025 trồng mới 1.924 ha (trong đó 600 ha chè Shan giống mới tại các xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu), nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên 5.400 ha; giai đoạn 2026 - 2030 trồng mới 1.800 ha, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên 7.200 ha.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mường Khương báo cáo tình hình sản xuất nông - lâm nghiệp thời gian qua.

Đối với cây dứa, diện tích 1.195,2 ha, sản lượng thu hoạch trong niên vụ 2021 - 2022 dự kiến đạt khoảng 15.000 tấn; hiện một phần sản lượng dứa do Nhà máy Chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương của Công ty Cổ phần Á Châu thu mua, chế biến với công suất 50 tấn quả/ngày (tương đương 1.500 tấn quả/tháng). Cây chuối có 1.327,7 ha (diện tích cho thu hoạch 1.121 ha); sản lượng dự kiến thu hoạch đạt 28.000 tấn/năm, hiện đã thu hoạch trên 24.000 tấn, do Hợp tác xã Châu Thịnh Phong liên kết tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc, nên không ổn định, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Tổng đàn lợn đến thời điểm hiện tại là 29.000 con, trong đó lợn đen 18.270 con, chiếm 63% tổng đàn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 1.100 tấn, chiếm 57% tổng sản lượng thịt hơi toàn huyện. Hiện, trên địa bàn huyện có duy nhất Hợp tác xã Sơn Hòa liên kết chế biến các sản phẩm từ lợn đen Mường Khương cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các sản phẩm tiềm năng, như quýt (815 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 356 ha), sản lượng dự kiến trên 3.000 tấn; lúa Séng cù (500 ha/năm), sản lượng đạt 2.500 tấn/năm; cây ớt (28 ha), sản lượng 140 tấn.

Cùng với đó, UBND huyện Mường Khương cũng báo cáo kết quả chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, đói, rét trên đàn vật nuôi;quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi liên kết; hoạt động kinh tế hợp tác trên địa bàn; công tác tổ chức triển khai trồng chè, trồng rừng năm 2021.

Kiểm tra vùng trồng dứa tại xã Bản Lầu.

UBND huyện Mường Khương đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã, hộ gia đình trồng chuối gặp khó khăn do dịch bệnh Covid -19 theo Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ. Sở Nông nghiệp và PTNT sớm thẩm định phương án trồng rừng, để đơn vị thực hiện trồng rừng đảm bảo thời vụ và chỉ tiêu kế hoạch giao; hướng dẫn cụ thể, chi tiết về chính sách hưởng lợi khi khai thác lâm sản đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp chồng chéo, tránh gây bức xúc cho người dân.

Phân bổ nguồn vắc xin cần xem xét đến tổng đàn vật nuôi thực tế và nhu cầu vắc xin của địa phương để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; báo cáo, tham mưu trình HĐND tỉnh quyết định nâng mức phụ cấp cho lực lượng thú y cơ sở để lực lượng thú y xã gắn bó với nghề; báo cáo UBND tỉnh sớm ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong công tác thú y đảm bảo đúng quy định của Luật Thú y.

Kiểm tra vùng trồng chè tại xã Lùng Vai.

Trên cơ sở ý kiến của lãnh đạo huyện Mường Khương và đại diện các đơn vị trực thuộc sở, đồng chí Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, về điều kiện địa lý, thời tiết, thổ nhưỡng của Mường Khương không thuận lợi cho sản xuất nông -lâm nghiệp. Tuy nhiên, huyện Mường Khương đã có giải pháp cụ thể, biến bất lợi thành lợi thế, xây dựng được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị huyện Mường Khương tiếp tục phối hợp triển khai, đưa Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào cuộc sống.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại buổi làm việc.

Huyện Mường Khương cần quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng các cây trồng chủ lực, đồng thời phải gắn với xây dựng chuỗi liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Trước hết, với cây chè, đó là cây trồng chủ lực của Mường Khương, nên địa phương cần phải quan tâm đến quy hoạch vùng trồng, diện tích, giống, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực chế biến. Đối với cây dứa, huyện cần tập trung cải tạo, thay thế bằng giống mới, năng suất, chất lượng cao. Đối với cây chuối, phải thực hiện luân canh để phòng, chống bệnh Panama, đồng thời xây dựng quy trình kỹ thuật, cấp mã để sản phẩm xuất khẩu chính ngạch thay vì xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay.

Một vấn đề mà địa phương cần quan tâm đó là yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm với nông dân và ngược lại, tất cả hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

"Với 70% dân số làm nông nghiệp, việc xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa là hướng đi đúng, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho nông dân, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững", đồng chí Đỗ Văn Duy nhấn mạnh.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/347995-muong-khuong-can-tiep-tuc-quan-tam-dau-tu-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung