Mường Mô giữ gìn bản sắc văn hóa trên quê mới

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có rất nhiều xã, bản nằm trong diện phải tái định cư hoàn toàn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế-xã hội của mỗi cộng đồng, tộc người, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của họ mà bản Mường Mô (xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn) là một ví dụ.

Tiết mục múa “Khăn Piêu” của bản Mường Mô đạt giải A tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng các xã biên giới tỉnh Lai Châu năm 2017. Ảnh: Nhật Minh

Dù mới đi làm đồng về nhưng khi thấy khách đến nhà chơi, Trưởng bản kiêm Phó Bí thư Chi bộ bản Mường Mô Hỏ Văn Ninh vẫn hồ hởi bắt tay và chia sẻ với chúng tôi những điều mà ông tâm đắc: “Cán bộ thấy đấy việc đầu tiên mà bà con chúng tôi ơn Đảng, ơn Nhà nước là đã xây dựng cho không chỉ bản Mường Mô mà cả xã Mường Mô chúng tôi một diện mạo mới khang trang và đặc biệt là an toàn mỗi khi mùa mưa lũ đến. Bên cạnh đó là hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế được xây dựng đồng bộ nên rất thuận tiện cho bà con trong lao động, sản xuất phát triển kinh tế. Hay những nếp nhà sàn của người Thái chúng tôi trước kia ở nơi ở cũ phần gầm sàn bà con dùng để chăn nuôi, để củi thì nay đã được các hộ tận dụng làm nơi để tiếp khách, làm phòng ngủ và được lát nền làm vách ngăn bằng gỗ rất sạch sẽ, kín đáo”.

Đi thăm một số gia đình trong bản, chúng tôi được biết, không chỉ đồng lòng, đoàn kết trong việc di dân tái định cư mà người dân bản Mường Mô còn có truyền thống đoàn kết trong xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa và đi đầu trong phong trào xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để có được điều này, việc đầu tiên phải kể đến vai trò đầu tàu gương mẫu của 20 đảng viên trong bản. Bên cạnh đó có các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân... luôn là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, vận động bà con thực hiện từng nội dung, việc làm cụ thể. Có lẽ chính từ những cách làm đơn giản, phù hợp với thực tiễn này nên năm 2016, bản vinh dự được UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen tại lễ công bố xã Mường Mô đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.

Dù được tái định cư trên nơi ở mới, nhưng những bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái vẫn được bà con gìn giữ, phát huy, trong đó, tiêu biểu phải kể đến những món ăn truyền thống như: Cá nướng, sôi màu, thịt hun khói, măng rừng...; đặc biệt là những bài hát, điệu múa dân ca dân tộc Thái vẫn được các cụ cao niên truyền lại cho thế hệ trẻ thông qua các dịp lễ, tết, hội của xã, bản và việc luyện tập của các đội văn nghệ.

Từ việc đoàn kết đồng lòng trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xóa bỏ những tập tục lạc hậu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nên đến nay, bản Mường Mô không có hộ sinh con thứ ba, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, số hộ nghèo chiếm 2%, 75% số hộ đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa. Các đám cưới được người dân tổ chức gọn nhẹ trong họ hàng thân tộc và hàng xóm láng giềng. Việc thách cưới cao không còn xảy ra, trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng được tự do tìm hiểu trên tinh thần tự nguyện tự giác rồi mới tiến đến hôn nhân. Trong đám tang, người dân thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, không xem bói chọn giờ chôn cất.

Chúng tôi chia tay bản Mường Mô khi nắng chiều dần khuất sau ngọn núi, tiếng trẻ thơ ríu rít nô đùa, tiếng hát ru con hòa với tiếng sáo chiều vi vu... Những thanh âm ấy như một lời khẳng định rằng, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy trên miền đất tái định cư giàu đẹp, văn minh hôm nay.

Nhật Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/muong-mo-giu-gin-ban-sac-van-hoa-tren-que-moi/