Mượt mà điệu hát cổ nghìn năm giữa mênh mang ruộng đồng

Hát trống quân Liêm Thuận vừa được ghi danh trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cảnh hát trống quân ở Liêm Thuận.

Hát trống quân Liêm Thuận vừa được ghi danh trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có thể nói đó là điệu hát độc đáo chứa đựng cả nền văn hiến của vùng chiêm trũng Hà Nam.

Điệu hát cổ nghìn năm

“Ai về Liêm Thuận quê ta/Sông, Gừa, Lau, Chảy, Vải, Nga, Thị, Chằm/Xin mời quý khách dừng chân/Lắng nghe câu hát trống quân ngọt ngào”. Sau hàng nghìn năm tồn tại, giờ đây người yêu điệu hát trống quân Liêm Thuận có thể an tâm khi Bộ VH,TT&DL đưa điệu hát này vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3408/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2023.

Theo thần phả làng Chảy và làng Gừa, xã Liêm Thuận (Thanh Liêm - Hà Nam), hát trống quân đã có từ hơn một nghìn năm trước. Tuy nhiên, điệu hát này có mối quan hệ mật thiết với quân đội nhà Trần trong sự nghiệp chống quân Nguyên Mông.

Liêm Thuận có dòng La Giang chảy qua quanh năm nước ngập mênh mông, được các vua Trần chọn làm nơi cát cứ và là nơi cất giấu quân lương.

Kho lương thì phải có người canh giữ, nên từ các đội thủy quân tuần tra mà câu hát trống canh cứ thế lưu truyền ở Liêm Thuận. Vùng đất này do địa hình sông nước và là vùng chiêm trũng của Bắc Bộ nên người dân bước chân ra ngoài là lên thuyền mà chèo. Những cánh đồng mênh mang sóng nước thường tạo ra một khung cảnh trầm buồn, tiếng hát ấy vang lên để xua đi những hoang vắng lạnh lẽo.

Người này hát, người khác nghe thấy lại hát theo, cứ thế mà ngẫu hứng đối đáp trở thành một câu chuyện của những lời ca. Ban đầu chỉ là những đám hát nhỏ giữa một vài người, sau điệu hát ấy lan dần ra các thôn làng để rồi làng này đối tài với làng kia mà hình thành cuộc hát trống quân.

Ở Liêm Thuận, hát hội trống quân thường diễn ra vào ngày Rằm tháng 8 hay hội làng hàng năm. Theo ghi chép của làng, điệu hát này không đơn thuần chỉ để vui chơi, so tài trí hay giao duyên lúc thư nhàn, mà còn để soi ngắm trăng sao thời tiết, đoán định bước làm ăn sắp tới.

Thực ra không phải chỉ ở Liêm Thuận mới có điệu hát trống quân, nhiều nơi như Dạ Trạch (Hưng Yên), Khánh Hà (Thường Tín, Hà Nội), Ninh Xá (Thuận Thành, Bắc Ninh)… cũng tồn tại điệu hát trống quân đặc sắc, nhưng có lẽ hát trống quân ở Liêm Thuận lại mang những khác biệt do địa hình sông nước.

Nếu như hát trống quân ở các nơi thường diễn ra ngoài sân nhà hoặc ở bãi cỏ rộng, ở gần đình làng thì Liêm Thuận lại chọn vùng sông nước ao hồ mênh mang.

Để làm trống quân hát dưới thuyền, người ta phải chuẩn bị một chiếc chum sành, một tấm gỗ mỏng đậy kín miệng chum, vài thanh tre làm thanh gõ. Chiếc chum sành đặt ở giữa thuyền được đậy bởi tấm gỗ mỏng.

Dùng thanh tre tròn dựng đứng làm trụ chống dây, kéo căng dây thừng buộc vào hai bên thuyền. Dây căng phải một bên dài, một bên ngắn để tạo ra hai âm thanh khác nhau - một dây có âm “thì”, dây dài phát ra âm “thình”.

Khi hai thuyền gặp nhau, họ cất lời hát chào cùng tiếng trống “thì - thình” để đối đáp hoan ca. Hát dân ca trống quân chia làm hai thể loại là giao duyên và hát thờ.

Trong đó hát giao duyên gồm các làn điệu: Hát trống quân, hát mó cá, hát đúm, xin hoa đố chữ; Hát thờ gồm các làn điệu giáo trống, giáo pháo, thơ nhang… với lối hát theo vần điệu lục bát trên sáu, dưới tám. Những câu hóm hỉnh, tế nhị, sâu sắc cứ thế nối dài khắp cánh đồng làng.

Hát trống quân được đưa vào giảng dạy tại Liêm Thuận (Hà Nam).

Đem hát trống quân vào trường học

Có thể nói, hát trống quân Liêm Thuận không chỉ là nét văn hóa vùng chiêm trũng, mà còn chứa đựng cả nền văn hiến của vùng đất Hà Nam. Từ lời hát, giọng ca cho đến phong thái ứng đối, đẩy thuyền… đều là những tinh cốt đã được gạn khơi sau cả nghìn năm truyền thừa.

“Em là con gái làng Nga, muối dưa dưa khú, muối cà cà thâm/Em là con làng Chằm, ăn cơm xó bếp lại nằm nhà sau/Em là con gái làng Lau, thổi cơm cơm nát luộc rau rau nồng/Em là con gái làng Sông, mò cua bắt ốc giỏ không mang về/Em là con gái làng Gừa, đóng gạch đóng ngói đốt là nhọ nhem/Biết đâu lạ lại là quen, hát câu cho tỏ đôi bên giao hòa…”.

Theo giới nghiên cứu âm nhạc, hát trống quân Liêm Thuận là một làn điệu gần với tiếng nói, thường dùng thể thơ lục bát hay song thất lục bát biến thể. Âm hưởng dịu dàng, réo rắt của tiếng đệm và tiếng đưa hơi làm giọng hát trống quân Liêm Thuận mang sức truyền cảm mạnh mẽ.

Cũng bởi tính chất đối đáp giữa trai và gái nên sự giao duyên thể hiện rất rõ, ngay từ lối xưng hô anh - em, chàng - nàng, ta - mình. Hát trống quân không có một kịch bản trước rõ ràng nên đòi hỏi người hát phải nhanh trí, xuất khẩu thành thơ, ứng biến trôi chảy và phải luôn giữ thái độ nhã nhặn, tránh sa vào lố lăng dâm tục.

Mặc dù được hình thành từ lâu đời, có sức sống mãnh liệt nhưng hát trống quân Liêm Thuận cũng suýt rơi vào cảnh mai một. Những năm 2006, khi câu lạc bộ hát trống quân Liêm Thuận hình thành, địa phương đã đưa môn nghệ thuật này vào giảng dạy tại trường tiểu học và THPT nhằm gieo cho lớp trẻ tình yêu với di sản cha ông.

Đến nay, hàng trăm bài hát cổ đã được người Liêm Thuận sưu tầm lại. Cũng nhờ có “vốn hát” phong phú và lối truyền dạy hấp dẫn mà điệu hát trống quân nơi đây đã được khơi dậy thành một phong trào văn hóa đặc sắc.

Giữa mênh mang ruộng đồng vùng chiêm trũng, lời ca mượt mà hòa cùng tiếng “thì thình” của trống quân đã tạo thành một không gian văn hóa đậm chất làng quê Việt, xứng đáng là di sản văn hóa của một quốc gia.

Cùng với Quyết định số 3408 công nhận di sản Hát trống quân Liêm Thuận, trong đợt ghi danh này, Bộ VH,TT&DL cũng ban hành Quyết định số 3411 công nhận Múa hát Lải Lèn ở Hà Nam là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Múa hát Lải Lèn là nghi lễ tế thần dịp duy nhất vào ngày 20 tháng Giêng với điệu diễn cảnh đón mừng nhà vua với những nghi thức cung đình; điệu diễn cảnh trận mạc bắn cung, cưỡi ngựa, múa kiếm; điệu diễn tiễn biệt người đi - kẻ ở; điệu diễn cảnh đoàn quân chiến thắng trở về, mở hội khao quân…

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/muot-ma-dieu-hat-co-nghin-nam-giua-menh-mang-ruong-dong-post661279.html